Vụ án này khá đơn giản nhưng về học thuật, việc vận dụng căn cứ pháp luật do “chuyển biến tình hình” để đình chỉ lại mang tính kinh điển, dễ áp dụng.
Theo hồ sơ, ngày 23-1-2016, Lập mua 305 bao thuốc lá ngoại các loại gồm CowBoy Lights, CowBoy Original, Jet tại chợ An Đông, TP.HCM đem về nhà tại phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu cất giữ để tiêu thụ. Tối 26-1-2016, Công an thị xã Sông Cầu phối hợp với đội quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện và thu giữ toàn bộ số thuốc lá trên. Sau đó, Lập bị khởi tố, điều tra về tội buôn bán hàng cấm.
Tháng 3-2016, VKSND thị xã Sông Cầu đã truy tố Lập ra trước TAND cùng cấp để xét xử về tội buôn bán hàng cấm theo khoản 1 Điều 155 BLHS năm 1999.
Anh Lý Quốc Nghiệp kiên trì gõ cửa các cơ quan để minh oan cho mình. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Ngày 25-7-2017, TAND Tối cao có Công văn số 154/TANDTC-PC hướng dẫn việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa. Theo đó, tại điểm b mục 2 công văn này quy định: “Kể từ 0 giờ 00 phút ngày 1-7-2015 đến trước 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018, không xử lý về hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa. Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được thực hiện như sau: (…); b) Trường hợp VKS có công văn (hoặc quyết định) rút quyết định truy tố và đề nghị tòa án đình chỉ vụ án thì thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án phải căn cứ vào quy định của BLHS năm 1999 và các quy định của pháp luật có liên quan để ra quyết định đình chỉ vụ án”.
Thực hiện quy định này, ngày 29-8-2017, VKSND thị xã Sông Cầu ban hành công văn rút quyết định truy tố đối với Trần Thị Lập. Trên cơ sở đó, mới đây, TAND thị xã Sông Cầu đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Lập. Theo quyết định này, lý do của việc miễn trách nhiệm hình sự là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội đến mức phải xử lý hình sự; người được miễn trách nhiệm hình sự không có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đây mới là ví dụ rõ ràng, dễ hiểu về việc đình chỉ với lý do “chuyển biến tình hình” chứ không phải như nhiều vụ mà cơ quan tố tụng cố tình viện dẫn căn cứ đình chỉ một cách khiên cưỡng để né trách nhiệm xin lỗi, bồi thường oan.