Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh TP.HCM vào chiều 23-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã biểu dương những việc làm không mệt mỏi của các cấp các ngành, nhất là ngành y tế đã phòng, chống dịch khá hiệu quả.
Theo ông Phong, hai tuần tới là thời điểm cực kỳ quan trọng quyết định thắng bại của cuộc chiến chống COVID-19.
Nghiên cứu quy trình cưỡng chế cách ly bắt buộc
Đối với vấn đề cách ly, ông Phong giao Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất quy trình cưỡng chế cách ly bắt buộc tại nhà hoặc tại khu cách ly tập trung, trình UBND TP trong hai ngày làm việc để chuẩn bị công tác cưỡng chế kịp thời.
“Có một số trường hợp mình thuyết phục nhưng họ không đi. Vì họ chưa hiểu cách ly là vì sự an toàn của cộng đồng và bản thân người đó” - ông Phong nói và dẫn chứng trường hợp hai phi công cư trú ở chung cư Ascent (quận 2), phải đến lúc Sở Ngoại vụ làm việc với Tổng lãnh sự quán của Anh và Úc để thuyết phục họ đi cách ly nhưng vẫn còn một người chưa chịu đi.
“Vì sự an toàn của cộng đồng, đến một lúc nào đó chúng ta phải cưỡng chế” - ông Phong nói.
Ông Phong cho rằng tình trạng tập trung đông người tiếp tế cho người nhà đi cách ly như thời gian qua ở ký túc xá ĐH Quốc gia (quận Thủ Đức) làm ảnh hưởng đến trật tự chung và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Các bên liên quan cần có những giải pháp cụ thể về vấn đề này. “Để tình hình như thế này là không thể chấp nhận được” - ông Phong nói và đề nghị trách nhiệm người đứng đầu phải quyết liệt.
Về vấn đề khẩu trang, ông Phong giao Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu quy định về xử phạt hành chính khi không đeo khẩu trang nơi công cộng. “Nếu không chấp hành việc đeo khẩu trang nơi công cộng thì chúng ta phải có biện pháp để xử lý răn đe, không là ảnh hưởng đến cộng đồng” - ông Phong nói.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: “Để tình hình tập trung đông người tiếp tế là không thể chấp nhận được”. Trong ảnh: Người nhà xếp hàng dài gửi tiếp tế cho người cách ly tại ký túc xá ĐH quốc gia sáng 23-3. Ảnh: KD
Lo ngại dịch bệnh lây lan trong cộng đồng
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận xét nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng rất cao khi số người tiếp xúc với các bệnh nhân (BN) mắc COVID-19 vẫn chưa được xác định.
Đáng chú ý, có 445 trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh chưa được xác định và lấy mẫu xét nghiệm. Đây là những ca tiếp xúc với BN khi cùng bay chung các chuyến bay của các hãng hàng không và trong cộng đồng. Ông lo ngại những người chưa được tìm ra sẽ không ngừng di chuyển, khả năng lây lan dịch bệnh càng cao.
Ông dẫn chứng riêng trong số 130 người dự thánh lễ ở Malaysia, nhiều trường hợp vẫn chưa được tìm ra. Riêng tại TP.HCM, TP chỉ mới xác định được 42 người dự thánh lễ này và đang tiếp tục tìm những người còn lại.
Liên quan đến ca bệnh 100 ở quận 8, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết khu đạo Hồi ở đây có đến 750 người. Những người này sinh hoạt ở thánh đường rất chật, ngồi với nhau san sát nên nguy cơ lây bệnh rất cao. Hiện tại, TP đã xác định được 152 người tiếp xúc gần với BN 100, sắp tới TP sẽ tiếp tục định danh thêm những người này. Ngoài ra, vào cuối tuần qua, TP.HCM phát hiện một số người đã bị lây lan ra cộng đồng từ quán bar Buddha do liên quan BN 91 là phi công. Liên quan đến BN này, bảy chung cư cao cấp phải bị cách ly để dập dịch cho thấy cường độ gia tăng của dịch bệnh.
TP đang tiếp tục khoanh vùng và cách ly những người từng đến quán bar này. Ông Bỉnh lo ngại không gian quán bar nhỏ, số lượng người đông, người ở quán bar lại có mối quan hệ rộng sẽ dễ khiến số lượng người bệnh gia tăng.
Tân Sơn Nhất dừng tiếp nhận chuyến bay chở người Việt về nước Bộ GTVT vừa có văn bản về việc tạm dừng vận chuyển công dân Việt Nam từ nước ngoài đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, do khu cách ly tại đây đã quá tải, không còn khả năng tiếp nhận thêm. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thông báo đến tất cả hãng hàng không dừng vận chuyển hành khách là công dân Việt Nam từ nước ngoài đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Thời điểm áp dụng từ 0 giờ ngày 25-3 đến hết 31-3. TP.HCM đang thực hiện cách ly tập trung đối với hơn 7.000 trường hợp, 500 trường hợp cách ly ở quận huyện, hơn 1.000 trường hợp được cách ly tại nhà. VIẾT LONG Chủ tịch Hà Nội khuyên người dân nên ở nhà Chiều 23-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 của Hà Nội. Tại cuộc họp, Sở Y tế nhận định từ ngày 15-3, Việt Nam chưa áp dụng cách ly hành khách nhập cảnh với một số nước, vì vậy vẫn còn những hành khách từ các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Hà Nội chưa qua 14 ngày có nguy cơ nhiễm bệnh, đây là nguồn lây truyền cao cho cộng đồng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và trong cơ sở у tế nên thời gian tới nguy cơ lây truyền sẽ cao hơn, diễn biến dịch sẽ phức tạp hơn. “Hai tuần tới sẽ là giai đoạn cao điểm nên TP phải tập trung mọi nguồn lực để phát hiện dịch bệnh, xét nghiệm, quản lý tốt các nơi tập trung để không bị lây nhiễm chéo, kể cả bệnh viện. Nếu khoanh vùng tốt, phát hiện ca bệnh sớm, đưa đi cách ly đối với trường hợp nghi nhiễm, đưa vào bệnh viện chữa bệnh đối với các ca dương tính và chữa bệnh thành công là sẽ thắng lợi” - ông Chung nói. Ông Chung khuyên người dân, từ nay đến 5-4, nếu không có việc gì quan trọng nên ở nhà càng nhiều càng tốt. Nếu phải ra ngoài thì đeo khẩu trang nghiêm túc; nếu đi bộ phải giữ khoảng cách với nhau. Khuyến khích các công ty làm việc trên hình thức trực tuyến, làm dịch vụ công trực tuyến; giảm đáng kể các cuộc họp không cần thiết, giữ khoảng cách trong phòng họp. Ông Chung cũng đề nghị các gia đình có thân nhân đang cách ly tập trung không nên gửi đồ ăn. Các đơn vị quản lý cũng không nhận các đồ ăn, đồ dùng mà người nhà gửi cho người đang thực hiện cách ly. TRỌNG PHÚ |