Sáng 20-12, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi khảo sát tại chợ Bến Thành (quận 1) để phục vụ chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề Xuân Quý Mão 2023 an vui nghĩa tình.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM khảo sát tại chợ Bến Thành (quận 1). Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Ông Ngô Văn Hà, trưởng Ban quản lý (BQL) Chợ Bến Thành, cho biết BQL đang tăng cường kiểm tra nguồn hàng nhập chợ mỗi ngày nhằm góp phần ổn định thị trường, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời thường xuyên kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra vi phạm.
“Chúng tôi yêu cầu hộ kinh doanh các loại thực phẩm chế biến không được sử dụng hàn the, phải ghi rõ hạn sử dụng, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không xé bao bì (thịt gà), bảo quản thịt trong tủ bảo ôn…” - ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, BQL chợ cũng phối hợp các ngành chức năng nhắc nhở hộ kinh doanh không bán hàng quá hạn sử dụng. Hàng hóa nhập chợ phải có nguồn gốc, xuất xứ, không bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng.
Ông Hà cho biết thêm, lực lượng bảo vệ chốt cửa của chợ có trách nhiệm kiểm tra thông tin vòng nhận diện hoặc tem truy xuất nguồn gốc (thịt heo), giấy thông tin nguồn gốc sản phẩm động vật và số lượng, thời hạn sử dụng, bao bì, tem nhãn của hàng nhập vào chợ.
Ông Ngô Văn Hà (bên trái) cùng đoàn khảo sát đến thăm hỏi tiểu thương ở chợ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Đối với các hộ kinh doanh ăn uống phải tuân thủ các nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn như: chọn thực phẩm an toàn; đeo găng tay, tạp dề, khẩu trang; dùng găng tay sử dụng một lần; để riêng biệt thực phẩm sống và chín, mới và cũ khi trưng bày hoặc trữ hàng; rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm, thức ăn đã nấu chín; dùng đũa, muỗng, kẹp gắp thức ăn; trang bị thùng rác.
Về nguồn hàng cung ứng Tết, ông Hà chia sẻ: “Hiện nay, do nguồn cung dồi dào, khách mua chưa nhiều nên các thương nhân không trữ hàng hóa, chỉ nhập số lượng hàng vừa phải”.
Anh Đỗ Phan Trọng Tín, tiểu thương sạp bánh mứt, cho biết năm nay anh chuẩn bị các mặt hàng đa dạng hơn so với năm trước.
“Sau dịch COVID-19 chợ chỉ mới đông đúc hồi giữa năm đến nay nên tôi không trữ hàng nhiều. Hiện còn hơi sớm nên người dân đi sắm bánh mứt chưa đông. Thường phải nửa tháng nữa thì người ta mới bắt đầu mua nhiều” - anh Tín cho hay.
Ông Cao Thanh Bình (bìa phải) hỏi thăm tình hình buôn bán bánh mứt của anh Tín. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Theo anh Tín, các loại bánh mứt của sạp có hạn sử dụng trung bình 6 tháng, hầu hết là hàng mới vừa nhập để phục vụ dịp tết. Những loại hàng bán không chạy, hết hạn sử dụng sẽ được mang đi tiêu hủy. Hàng tháng, BQL chợ đều kiểm tra hóa đơn, chứng từ.
Kết luận tại buổi khảo sát, ông Cao Thanh Bình, trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, đề nghị BQL chợ Bến Thành tiếp tục rà soát thật kỹ hệ thống phòng cháy chữa cháy, công tác đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và ngoài chợ. Đặc biệt, an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ phải được đảm bảo chặt chẽ. Thực phẩm phải được kiểm soát ở tất cả cửa vào chợ và xử lý những loại thực phẩm quá hạn theo đúng quy định.
Bánh mứt trưng bày được che đậy cẩn thận. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Thực tế cho thấy trên toàn địa bàn TP, nhất là quận 1 thường xảy ra tình trạng giá giữ xe không hợp lý. Người dân hay gặp sự cố như “chặt chém” hay “nâng khống giá”.
Dịp tết, giá giữ xe cho du khách có thể tăng nhưng phải hợp lý. Ví dụ nên tăng từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng. Những nơi giữ xe từ 15.000 đồng trở lên hay giá trên phiếu giữ xe khác với giá thực tế phải trả là điều không hợp lý. Đây là một trong những vấn đề cần phải xử lý nghiêm. Quận 1 nên nâng cao vai trò của đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh và được ghi nhận ý kiến đóng góp.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM.