Xin nhấn F5 để tiếp tục cập nhật.
Phần cập nhật mới nhất:
5h35: HĐXX nghỉ.
17h00: Luật sư Thiệp cũng đặt vấn đề, ngày 7-7-2007, có thỏa thuận về việc ăn chia số tiền bán ụ nổi 1,666 triệu USD, tháng 8-2007, em gái Sơn thành lập công ty Phú Hà, vợ Sơn là sáng lập viên. Phải chăng chuẩn bị “sân bãi” để tiếp nhận khoản tiền này?” Luật sư Thiệp cũng đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
16h45: Luật sư Được cho rằng lời khai của các nhân chứng không bảo đảm tính khách quan.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp lại cho rằng: tinh thần cải cách tư pháp và yêu cầu cải cách tư pháp đã không được quán triệt tại phiên tòa. Quan điểm của VKS đã được chuẩn bị trước dựa trên hồ sơ, còn diễn biến phiên tòa đã không được thể hiện bất cứ một chữ nào.
Những chứng cứ bổ sung tại phiên tòa đã không được xem xét.
Và cũng do sự chuẩn bị trước và không cập nhật diễn biến phiên tòa nên đại diện VKS đã không điều chỉnh nội dung kháng cáo của Mai Văn Phúc. Tại phiên tòa, bị cáo đã nhận trách nhiệm về việc để xảy ra thất thoát tài sản tại Vinalines, nhưng bị cáo cho rằng mình không cố ý…
***
Diễn tiến phiên tòa:
Hôm nay (23-4) TANDTC TP Hà Nội tiếp tục phiên làm việc ngày thứ hai xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm.
Trong phiên xét xử ngày hôm qua, HĐXX đã lần lượt thẩm vấn các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều và các bị cáo khác nhằm làm rõ việc có hay không việc phạm tội tham ô mà bị cáo Dũng và Phúc cũng kháng cáo kêu oan.
Theo diễn tiến tại phiên tòa, hai bị cáo Dũng và Phúc vẫn một mực kêu oan, phủ nhận việc có nhận tiền "lại quả" mà cấp dưới Trần Hải Sơn đã chia.
Bị cáo Phúc cho rằng mình không biết gì về số tiền 1,666 triệu USD lại quả, bị cáo Dũng thì cũng khẳng đị nếu biết thì sẽ nhận luôn án tử hình.
Đặc biệt tại phiên tòa hôm qua, chỉ ít phút sau khi phiên phúc thẩm vụ tiêu cực xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bắt đầu, luật sư của Dương Chí Dũng đã cung cấp cho HĐXX một số chứng cứ mới có lợi cho bị cáo Dũng và đề nghị hoãn phiên tòa. Đó là bản khai đã được công chứng dịch thuật của ông Goh Hoon Soew, giám đốc điều hành Công ty AP (công ty môi giới trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M).
Theo đó, ông Goh thừa nhận biết cha con Dương Chí Dũng trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, ông Goh nói “chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M”, cũng “chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu Tổng Giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này”. Ông này khẳng định: “Chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD”.
8h04: Tòa bắt đầu làm việc
Các luật sư bắt đầu đặt câu hỏi cho các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
LS Hoàng Huy Được hỏi Mai Văn Phúc. Phúc xác nhận việc bàn giao công việc khi nhậm chức TGĐ Vinalines theo phương thức “trọn gói”, chỉ cùng Dương Chí Dũng ký một chữ ký là xong, chưa đến một phút. Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được triển khai trước khi Phúc nhậm chức 14 tháng. Theo Phúc, việc làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã diễn ra trước thời điểm Phúc nhậm chức.
Phúc cho rằng mình có nhiều thành tích với Vinalines, trong hai năm Phúc về làm TGĐ, Vinalines đã thu về 4.000 tỷ đồng.
Phúc cho rằng không có NQ của HĐQT thì Phúc không được quyền mua ụ nổi.
Phúc khai mình không có chỉ đạo gì cụ thể, chỉ căn cứ vào ý kiến của Phó TGĐ Trần Hữu Chiều và ý kiến tham mưu của các cơ quan dưới quyền. “Bị cáo rất tin anh Chiều”- Phúc nói.
LS Được: Có bao giờ ông nhận lợi ích vật chất từ ông Sơn không?
Bị cáo Phúc: Không bao giờ.
LS Được: nhưng Sơn khai đưa tiền 3 lần tại làng Quốc tế Thăng Long, sau thì khai đưa hai lần. Một lần ở quê, một lần ở Làng quốc tế Thăng Long.
Bị cáo Phúc: Sơn thay đổi lời khai liên tục. Ví dụ, Sơn khai cuối năm 2008 ra HN công tác, điện muốn đưa tiền cho bị cáo, bị cáo hẹn ở quê (không có âm lịch). Ở cơ quan điều tra, bị cáo nói lời khai đó man trá. Lúc đó con trai bị cáo đang học ở Anh thì làm gì có chuyện lái xe đưa bị cáo về quê. Tới lúc bị cáo nhận được kết luận điều tra và cáo trạng lại thêm chữ “âm lịch” vào.
Luật sư Được: Nếu đoàn khảo sát báo cáo đúng sự thật về ụ nổi thì bị cáo có đồng ý cho mua không?
Bị cáo Phúc: Không. Mới chỉ báo cáo như thế bị cáo đã rất trăn trở rồi.
Luật sư Được cũng trích lại lời khai tại cơ quan điều tra, theo đó Sơn khẳng định TGĐ Phúc trực tiếp chỉ đạo Sơn mua ụ nổi vào tháng 1-2007. Tuy nhiên luật sư đã bẻ lại điều này:
Luật sư Được: nhưng tháng 1-2007, Phúc chưa làm TGĐ thì chỉ đạo anh bằng cách gì?
Bị cáo Sơn liên tục khẳng định giữ nguyên lời khai trước cơ quan điều tra nhưng “mốc thời gian thì tôi không khai cụ thể trong lời khai”.
8h30: Luật sư hỏi về việc có chứng cứ gì về việc Sơn đã 3 lần đưa tiền cho Phúc không thì Sơn nói không có. “Sự thật vẫn là sự thật. Có thể có một vài nhầm lẫn trong các bút lục lời khai cũng là chuyện bình thường, dù là với người trẻ như tôi”- Sơn khằng định. Sơn cũng nói thêm mình không thể nhớ chính xác được ngày tháng, chỉ nhớ được khoảng thời gian các lần chuyển tiền cho Phúc ở quê.
Luật sư Được: Anh có khai về mối quan hệ giữa Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc: “Tôi phải trao đổi với riêng từng người vì hai người này có mâu thuẫn trong đời sống cũng như trong công việc”. Tương tự, anh khai, ông Dũng và ông Phúc mâu thuẫn, gây bè phái với nhau trong tổng công ty (TCT), vậy anh có phải là người của TCT không?
Bị cáo Sơn: Bị cáo không phải là người của TCT.
Luật sư Được: Hai người có mâu thuẫn, gây bè phái với nhau như vậy thì họ có cùng bàn bạc để tham nhũng không?
Bị cáo Sơn: Đó thuộc về đánh giá chủ quan của từng người, tôi không đưa ra nhận xét.
Luật sư chất vấn, “3 lần đưa tiền cho Phúc, một lần do em gái chuẩn bị tiền, hai lần sử dụng chứng minh thư rút tiền ở ngân hàng nhưng ngân hàng đã xác nhận không có việc rút tiền. Anh nghĩ sao?” “Tôi vẫn giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và tòa sơ thẩm”- Sơn đáp.
9h10: Luật sư Thắng hỏi Trần Đại Sơn. Sơn khẳng định việc AP chuyển 1,666 triệu USD cho công ty Phú Hà thông qua một hợp đồng liên danh được lập khống. Đó là yêu cầu của ông Goh. Sơn là người trực tiếp soạn thảo.
Sơn giải thích việc lập khống hợp đồng này liên quan đến các thủ tục chuyển tiền. Luật sư Thắng cho rằng việc chuyển tiền được thực hiện để trả cho hóa đơn thương mại, cần gì phải lập hợp đồng liên danh khống (trong khi lập hợp đồng liên danh phải xin giấy phép đầu tư).
9h00: Luật sư Trần Đại Thắng thẩm vấn nguyên Phó TGĐ Trần Hữu Chiều. Bị cáo Chiều cho biết sau khi đi khảo sát về, việc đàm phán liên lạc với công ty AP thông qua mail của bị cáo Mai Văn Khang.
Luật sư Triển hỏi bị cáo Trần Hải sơn. Ảnh: Thu Nguyệt
8h50: Luật sư Triển chất vấn, Sơn xác nhận giữ nguyên lời khai là đã bàn bạc với ông Goh Hoon Soew về việc chuyển số tiền 1,666 triệu USD về VN thông qua một hợp đồng liên danh với công ty Phú Hà (công ty của em gái Sơn-NV).
Luật sử Triển cũng cho biết mình đã sang Singapore lấy lời khai của ông Goh, theo đó ông Goh khẳng định việc thương thảo mua ụ nổi được tiến hành giữa ông và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Sơn là người đứng đầu.
Quang cảnh phiên tòa sáng nay. Ảnh Thu Nguyệt
8h40: Luật sư Trần Đình Triển hỏi Trần Hải Sơn, có giữ lời khai hôm trao 5 tỷ cho Dương Chí Dũng ở khách sạn Victory là 4h ngày hôm đó gọi điện cho Dũng hẹn gặp không? +Tôi nhớ không nhầm thì tôi không khai 4h. Làm sao tôi nhớ chính xác được, chỉ nhớ ngày hôm đó tôi có liên lạc với Dũng.
Luật sư Triển chứng minh sự mâu thuẫn trong ba bản khai của Sơn. Có bản khai, Dũng chỉ đạo chia cho Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ, Chiều 1 tỷ, còn lại chia cho anh em. Có bản lại khai Dũng, Phúc mỗi người 10 tỷ, Chiều 500 triệu… Sơn đáp: “Có bản khai không kịp đọc hết lại vì hết giờ, có bản khai không được đọc lại, cũng có bản sau nhiều ngày mới ký…”.
9h37: Luật sư Ngô Ngọc Thủy (báo chữa cho Dương Chí Dũng) hỏi thân chủ về việc có tiếp xúc riêng với ông Goh lần nào không? ông Dũng cho biết chỉ gặp duy nhất một lần và cũng chỉ bắt tay xã giao.
Bị cáo Dương Chí Dũng luôn chỉn chu, lịch lãm trước tòa. Ảnh: Thu Nguyệt
9h35: Luật sư Thắng hỏi Trần Hải Hà (em gái Trần Hải Sơn): Hà khai hoàn toàn không biết gì, anh trai nhờ giúp thì làm. Vì quan hệ anh em ruột thịt, tin tưởng anh trai nên cũng không hỏi.
“Tôi đã khai hết với cơ quan điều tra, tôi đang bị bệnh nên chỉ xin bảo lưu lời khai này”- Hà đáp.
- Luật sư: Việc quyết toán thuế đối với khoản tiền chuyển về thế nào?
- Hà: Đấy là nghiệp vụ của công ty chúng tôi. Chúng tôi không có trách nhiệm trả lời luật sư.
Luật sư Thắng hỏi việc bà Hà có hai tài khoản, trong thời gian khoản tiền 1,666 triệu USD được chuyển về, bà Hà có tiến hành việc mua nhà đất…
Ngay lập tức, bà Hà phản ứng cho rằng việc mua nhà đất là việc riêng tư của gia đình bà, bà không có trách nhiệm phải trả lời. Còn một tài khoản thứ hai mà luật sư vừa đề cập là tài khoản cá nhân, là công sức tích cóp nhiều năm của gia đình bà.
9h40. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi Trần Hải Sơn về việc đưa tiền cho Dũng và Phúc.
- Luật sư: Khi đưa tiền cho Dũng và Phúc, anh có nói với các anh ấy đây là tiền gì không?
+Sơn: Mặc nhiên các anh ấy biết là tiền gì.
-Luật sư: Vậy tại sao tại cơ quan điều tra, anh phải lặp đi lặp lại với các anh ấy rằng đây là tiền mua ụ nổi. Điều này có bình thường không?
+Sơn: Tôi không thể đi bình luận về lời khai của mình được.
-Luật sư: Anh từng tả nhà của Phúc tại quê An Dương (Hải Phòng) như thế nào?
+Khổ quá, cái này luật sư cũng đã hỏi ở phiên tòa sơ thẩm rồi. Tôi không nhớ những cái đó, nhưng nếu tòa bố trí ngay xe bây giờ, tôi có thể đưa đến đúng ngay địa chỉ đó.
Luật sư xin phép được nộp hai ảnh chụp nhà ông Phúc để đối chiếu với lời khai của Sơn. (Sơn từng mô tả vào phòng khách nhà Phúc ở lầu 1 để đưa tiền, nhưng thực tế nhà Dũng ở quê chỉ là nhà cấp 4-NV)
-“Cái gì cũng không nhớ, không biết, vậy thì nhớ và biết cái gì bây giờ?”- luật sư than.
10h15. LS Đào Hữu Đăng (bào chữa cho bị cáo Lê Văn Dương) tham gia thẩm vấn.
Bị cáo Lê Văn Dương khai, trước khi đi giám định, bị cáo chưa hình dung được công việc thế nào nên chưa xin ý kiến lãnh đạo. Sau khi đi giám định về, bị cáo đã lập một báo cáo trình lên lãnh đạo Chi cục 6. Bị cáo không biết bị cáo làm sai gì? Nếu bị cáo làm sai thì ngay khi trình, lãnh đạo đã phải cho ý kiến. Dương nói thêm, ngay trong báo cáo giám định, bị cáo đã thể hiện vì thời gian có hạn nên chỉ kiểm tra “xác suất”, không thể kiểm tra toàn bộ ụ nổi.
Bị cáo Dương đề nghị: "nếu có thể, mong HĐXX miễn trách nhiệm dân sự cho bị cáo. Nếu không thể miễn thì chỉ chịu trách nhiệm liên quan đến chi phí mua ụ nổi là 3,2 triệu USD. Các chi phí sửa chữa về sau này hoàn toàn là do các cán bộ của Vinalines làm, bị cáo hoàn toàn không hay biết gì".
10h00: Luật sư Lê Minh Công (luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Văn Khang) bắt đầu phần thẩm vấn.
Luật sư cho rằng, việc mua ụ nổi có căn cứ vào bản báo cáo của một cơ quan giám định độc lập nhưng cơ quan điều tra lại không đưa bản báo cáo này vào hồ sơ vụ án là không hợp lý.
10h38: Luật sư Hồng Phúc (bào chữa cho nhóm cán bộ hải quan) tham gia phần xét hỏi.
Lê Văn Dương (cựu đăng kiểm viên) cho biết đã có đơn kêu oan gửi Bộ GTVT, tại đó có kiến nghị mở hội thảo khoa học bàn việc ụ nổi có phải là tàu biển hay không? Bộ GTVT đã có văn bản phúc đáp (lần thứ 3) trả lời bị cáo ụ nổi không phải là tàu biển.
Lê Văn Dương cũng cho biết: hệ thống quy phạm tàu biển bao gồm cả hệ thống quy phạm container, hệ thống điều khiển thiết bị tự động và từ xa, gồm cả hệ thống chuông lặn. Nhưng rõ ràng, những thiết bị này không phải là tàu biển, vậy thì sao lại quy kết ụ nổi cũng là tàu biển.
Luật sư Phúc đề nghị được hỏi thêm đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài Chính. Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng không biết văn bản trả lời của Bộ gửi cho bị cáo Lê Văn Dương.
10h45: Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho nhóm cán bộ hải quan) hỏi bị cáo Trần Hải Chiều.
Bị cáo Chiều nói theo nhận thức của bị cáo, nhóm cán bộ hải quan “vô can” trước thiệt hại phát sinh thiệt hại do mua bán ụ nổi. Dù nhóm cán bộ hải quan có cho thông quan hay không, thì việc mua bán ụ nổi cũng đã hoàn tất.
Tranh thủ cơ hội, bị cáo Huỳnh Hữu Đức (cựu Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) đã "than" với HĐXX trong phần thẩm vấn ngay sau đó về món tiền bồi thường 9 tỷ đồng mà bị cáo đã bị tòa sơ thẩm tuyên. theo bị cáo, đó là số tiền quá cao trong khi bị cáo và các đồng nghiệp không có sai phạm gì.
11h45. Đại diện Cục đăng kiểm VN cho biết: hiện ở VN có những ụ nổi 60-70 tuổi vẫn đang hoạt động bình thường. Ông này còn dẫn chứng, ụ nổi của nhà máy đóng tàu Ba Son hiện nay thậm chí đã gần 100 tuổi.
Chủ tọa hỏi: Chức năng của đăng kiểm viên, đi giám định kỹ thuật ụ nổi 83M theo yêu cầu của Vinalines. Dương đã ghi phần kiểm tra thực tế đối với ụ này. Trường hợp kiểm tra ụ có 3 máy phát điện, một máy hoạt được, một máy không hoạt động được, một máy đang đưa lên bờ sữa chữa. Kết luận lại nói các thiết bị vẫn hoạt động bình thường thì có đúng với thực tế không?
Đại diện Cục đăng kiểm liên tục trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi nên chủ tọa cũng không tiếp tục truy nữa.
11h15. Chủ tọa công bố các văn bản của Bộ GTVT khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển mà là thiết bị dùng để sửa chữa tàu nên không bị giới hạn bởi quy định tuổi nhập khẩu (không quá 15 tuổi nếu là tàu biển).
Chủ tọa cũng công bố kết luận giám định liên ngành phần nhận định các cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa) không có sai phạm khi thực hiện thủ tục cho thông quan ụ nổi 83M.
11h50: Chủ tọa hỏi bị cáo Lê Văn Dương có biết nội dung kết luận trong báo cáo nhận định ụ nổi vẫn hoạt động bình thường, đặc biệt là thời gian nổi nhanh hay không?
Dương đáp không biết nội dung này. Sau đó, bị cáo Mai Văn Khang xác nhận trong báo cáo kết quả khảo sát trình lãnh đạo Vinalines có nội dung như chủ tọa vừa công bố. Bị cáo Trần Hữu Chiều cũng thừa nhận trong báo cáo khảo sát có những nội dung không đúng thực tế.
12h10. Tòa tạm nghỉ phiên làm việc buổi sáng. Đầu giờ chiều, đại diện VKS sẽ phát biểu quan điểm về vụ án.
11h55. Luật sư Nguyễn Chiến hỏi ông Trần Thái Sơn (giám định viên, đại diện Bộ Tài chính)
Ông Sơn cho biết: đã có NĐ 49 quy định việc mua bán, đăng ký tàu biển. Hải quan chỉ làm thủ tục hải quan, không liên quan đến việc đăng ký sau này. Thời điểm 2008 hoàn toàn không có danh mục của các cơ quan chuyên ngành quy định mặt hàng ụ nổi là cấm nhập khẩu hoặc phải nhập khẩu có điều kiện. Vì vậy, việc hải quan Vân Phong cho nhập khẩu như hàng hóa thông thường là không sai. Còn việc nhập khẩu sản phẩm về không đăng ký, đăng kiểm được thuộc trách nhiệm của Vinalines. Bộ Tài chính không quản lý trực tiếp về phương tiện vận tải, vận chuyển, thiết bị nên việc đặt tên nó là gì (trong nội địa của ta) là việc cần thiết. Còn thế giới gọi là ụ rồi. Giữa Công ước HS và luật nội địa có sự vênh nhau thì cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc này.
14h00: Tòa bắt đầu phiên làm việc buổi chiều.
Bước vào phần tranh luận. Đại diện VKS nêu quan điểm về vụ án.
Phần nhận định của đại diện VKS tương tự nội dung cáo trạng. Cụ thể : Hành vi cố ý làm trái như nhất : Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã phê duyệt chủ trương xây dựng nhà máy sữa chữa tàu biển phía Nam trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi dự án này chưa được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch.
Thứ hai, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines tiến hành tổ chức khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng, thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore). Ụ nổi 83M được sản xuất từ năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Công ty Nakhodka (Nga) là chủ sở hữu đưa ra giá để đàm phán là dưới năm triệu USD.
Tuy nhiên, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo “phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua ụ nổi 83M qua Công ty AP (Singapore) (chỉ là công ty môi giới- PV), không mua trực tiếp của Nakhodka”. Sau đó, Dũng ký quyết định phê duyệt đầu tư mua ụ nổi này với tổng giá trị đầu tư trên 14 triệu USD rồi tiếp tục phê duyệt điều chỉnh mức đầu tư lên gần 20 triệu USD, trong đó giá mua ụ nổi là chín triệu USD. Điều đáng nói ở chỗ, trước khi Vinalines ký hợp đồng với Công ty AP thì công ty này đã mua của Nakhodka chiếc ụ nổi 83M với giá 2,3 triệu USD.
Hành vi cố ý làm trái thứ ba là hành vi cố ý của Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Bùi Thị Bích Loan trong việc thanh toán ụ nổi. Loan biết công ty AP không cung cấp đầy đủ giấy tờ như hợp đồng nhưng Loan vẫn ký ủy nhiệm chi, Phúc ký giải ngân khoản ký quỹ cho AP.
Hành vi cố ý làm trái thứ 4 là nhóm nhân viên hải quan Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện dù biết ụ là tàu biển vẫn ký cho thông quan.
Nhận định của VKS cho rằng bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên việc các bị cáo kêu oan là không có cơ sở.
Đối với nhóm hành vi tham ô: VKS cho rằng, căn cứ thứ nhất là việc có thỏa thuận giữa công ty Global Success và Công ty AP về việc chuyển cho bên thứ 3 (do công ty GS chỉ định) số tiền 1,666 triệu USD.
Dương Chí Dũng đã thừa nhận mối quan hệ thân thiết giữa Dũng với ông Goh .
Dũng, Phúc và các đồng phạm đã bất chấp các quy định, mua bằng được ụ nổi không sử dụng được bằng mọi giá. Sau khi hoàn tất việc mua bán ụ nổi, công ty AP đã chuyển 1,666 triệu USD về VN thông qua công ty Phú Hà.
Cả Dũng, Phúc đều công nhận chỉ có hai người này mới có quyền quyết định mua hay không mua ụ nổi quá tuổi này.
Lời khai của Trần Hải Sơn về việc trước khi Vinalines mua bán ụ nổi với AP, ông Goh thông báo với Sơn về việc ông Dũng thống nhất để Sơn nhận số tiền "lại quả". Căn cứ vào lời khai về việc đưa tiền của Sơn, lời khai này phù hợp với lời khai của các nhân chứng khác như Trần Hải Hà, Trần Hải Huyền (em gái Sơn)… phù hợp với các chứng từ của ngân hàng. Hành vi của Dũng và Phúc đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội tham ô với vai trò chủ mưu, hai bị cáo Chiều và Sơn là đồng phạm giúp sức.
VKS khẳng định: Kháng cáo kêu oan của Dũng và Phúc là không có cơ sở.
Xét thấy bị cáo Dương Chí Dũng phạm tội cố ý làm trái với vai trò chủ mưu, đồng thời là người thực hành tích cực nhất. Với động cơ mục đích tham ô tài sản, ở cương vị của mình, bị cáo đã chỉ đạo bị cáo Chiều, Sơn triển khai dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, chỉ đạo mua ụ nổi 83M. Việc xử phạt bị cáo 18 năm tù về tội cố ý làm trái là có cơ sở, tuy nhiên cần tăng mức bồi thường đối với bị cáo này.
Bị cáo Trần Hải Sơn: Kháng cáo xin giảm hình phạt và giảm trách nhiệm dân sự trong vụ án này là không có cơ sở.
Bị cáo Mai Văn Khang: Vai trò đồng phạm của bị cáo Khang thấp hơn Phúc, Chiều, Sơn nên bản án sơ thẩm phạt bị cáo 7 năm tù, buộc bồi thường 12 tỷ là phù hợp. Kháng cáo không có cơ sở để chấp nhận.
14h10: Theo Viện kiểm sát, để giảm mức bồi thường cho các bị cáo nhóm cán bộ hải quan (Đức, Lừng, Triện), cần xem xét tăng mức bồi thường của các bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều.
Đại diện VKS cũng nêu quan điểm về nhóm cán bộ hải quan như sau:
Bị cáo Lê Văn Dương: Án sơ thẩm phạt bị cáo 7 năm tù về tội cố ý làm trái là có cơ sở, nhưgn buộc bị cáo bồi thường 15 tỷ là cao so với hành vi phạm tội của bị cáo này. Đề nghị giảm một phần mức bồi thường.
Nhóm cán bộ hải quan Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện: Vai trò đồng phạm thấp hơn các bị cáo khác trong vụ án này. Việc tuyên phạt mỗi bị cáo 8 năm tù và buộc bồi thường 9 tỷ đồng là quá nghiêm khắc. Có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt và giảm một phần mức bồi thường.
Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng không nhận tội. Dù gia đình đã nộp gần 5 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả nhưng không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Mai Văn Phúc: Án sơ thẩm quyên mức án tử hình là phù hợp. Việc gia đình nộp 3,5 tỷ đồng không phải là căn cứ để giảm nhẹ hình phạt.
Trần Hải Sơn: Mức sơ thẩm tuyên bị cáo 14 năm tù về tội tham ô là quá nhẹTrần Hữu Chiều: Chiều không tham gia quá trình bàn bạc việc chia chác khoản lại quả nên vị trí, vai trò thấp hơn so với ba bị cáo kia, bị cáo cũng đã nộp lại 340 triệu tiền tham ô. Việc xử phạt bị cáo 10 năm tù về tội tham ô là phù hợp, kháng cáo không có cơ sở chấp nhận
Đối với kháng cáo của ba người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan : Việc kê biên ba căn nhà là đúng quy định. Theo quy định của BLHS, người phạm tội tham nhũng có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, án sơ thẩm chưa đề cập đến quyền lợi và nghĩa vụ của những người liên quan, sẽ bất cập trong việc thi hành án sau này. Kháng cáo về việc kê biên căn nhà của vợ chồng bị cáo Mai Văn Phúc là không có cơ sở.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy: cho rằng không đủ chứng cứ pháp lý quy kết DCD tội tham ô tài sản. Theo quy định của BLHS, dấu hiệu cấu thành tội tham ô theo điều 278 BLHS là phải « tham ô tài sản do mình trực tiếp quản lý ». Nhưng Dũng không trực tiếp quản lý tài sản của Vinalines, người trực tiếp quản lý tài sản Vinalines là ban giám đốc.
Luật sư cho rằng không có chứng nào chứng minh số tiền 1,666 triệu USD đó là tài sản của Vinalines và không có tài liệu nào chứng minh họ đã thống nhất với nhau trong việc chia chác khoản tiền 1,666 triệu USD.
Luật sư cũng cho rằng cơ quan điều tra đã rất khéo trong việc sử dụng lời khai của bị cáo và các nhân chứng sao cho phù hợp. Lời khai của các nhân chứng cũng lại là người nhà của bị cáo Sơn, gần gũi như vậy nên đứng trước tình huống bị cáo Sơn đang phải đối mặt với một bản án, một hình phạt nghiêm khắc thì có tránh khỏi tâm lý khai báo có lợi cho người thân của mình hay không ?
15h00: Vẫn trong phần tranh luận, luật sư Thủy (bào chữa cho bị cáo Dũng) cũng kiến nghị việc giảm án tử hình, vì theo luật sư tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, áp dụng với kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, "trời không dung, đất không tha", người phạm tội không còn cơ hội để hoàn lương.
Còn tham ô 10 tỷ đồng mà buộc tội chết, tôi cho rằng cần xem xét lại. Thời gian vừa qua có nhiều vụ án, việc tham ô 7, 8 tỷ đồng, mức hình phạt cũng chỉ 10 năm, 20 năm, cùng lắm là chung thân. Vậy mà vụ án này có đến hai án tử hình.
15h10: Luật sư Thủy đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Các luật sư đang tham gia tranh luận tại tòa . Ảnh: Thu Nguyệt
15h20: Luật sư Trần Đại Thắng cho rằng có sự mâu thuẫn trong lời khai của Sơn về những lần đưa tiền. Chẳng hạn, lần đầu giao 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory. Sơn khai khoảng 4h gọi điện hẹn Dũng tới đưa tiền tại khách sạn Victory, nhưng khoảng thời gian đó Dũng đang trên máy bay, không thể nghe điện thoại. Chuyến bay từ 3h30 thì sớm nhất phải 6h30- 7h tối Dũng mới có thể làm thủ tục check in tại khách sạn.
Luật sư Thắng cũng thống nhất đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại để bảo đảm đúng sự thật khách quan của vụ án.
Luật sư Trần Đình Triển lại cho rằng đã có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đó là "Chúng ta đã có hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước, trong đó có Nga và các nước ASEAN, nhưng hiện nay vẫn chưa có kết quả tương trợ tư pháp, đặc biệt từ phía Nga. Trong vụ án này có sự hiểu khác đi về ụ nổi hay tàu?" Trong Điều 2 Bộ luật Hàng hải đã quy định "trong trường hợp điều ước quốc tế mà VN là thành viên có quy định khác với Bộ luật này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế". Mặt khác, nếu có cách hiểu khác nhau về một quy định thì Ủy ban Thường vụ QH sẽ là cơ quan giải thích luật, nhưng hiện nay vẫn chưa làm điều này.
Luật sư triển cũng nhấn mạnh "VKS căn cứ vào đâu để đề nghị nâng mức hình phạt thân chủ tôi trong khi VKS không có kháng nghị ?
16h00: Luật sư Triển cũng nhắc lại bản khai của ông Goh về việc chưa từng liên hệ hay trao đổi với bị cáo Dũng. Luật sư Triển cho rằng đây là tình tiết mới của vụ án.
Luật sư cũng đặt câu hỏi: Vậy ai trước đây ở Vinalines đã từng thương thảo với Global Success về việc mua ụ nổi? và đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm phần tham ô, trả hồ sơ điều tra lại. Yêu cầu thực hiện việc tương trợ tư pháp với Cộng hòa Liên bang Nga.
Hai vợ chồng Dương Chí Dũng tranh thủ trao đổi trong giờ nghỉ trưa. Ảnh chụp qua màn hình: TN
16h20. Luật sư Hoàng Huy Được (bào chữa cho Mai Văn Phúc) bắt đầu phần bào chữa cho thân chủ.
Luật sư cho rằng, Phúc đã tiếp nhận ý chí của Dũng để làm trái ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Bị cáo Phúc trong rất nhiều lời khai khẳng định ý chỉ chủ quan của bị cáo trong việc cố gắng làm tất cả những gì có thể để thực hiện nghị quyết của HĐQT. Việc bàn giao chức tổng giám đốc cũng chỉ diễn ra trong có 1 phút.
Thời gian đó, ông Phúc vừa mới về nhận nhiệm vụ tại Vinalines, ông Phúc buộc phải tin vào cơ quan tham mưu ở cấp dưới. Mặt khác, nếu ông không thực hiện Nghị quyết của HĐQT thì đồng nghĩa với việc ông không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Goh cũng khẳng định ông Phúc chỉ gặp ông Goh một lần duy nhất khi tiếp xã giao, có mặt cả Trần Hải Sơn.
Luật sư cũng cho rằng Sơn có bất nhất trong lời khai. Khi đưa số tiền 10 tỷ cho Phúc, ban đầu Sơn khai cả ba lần đều giao tiền cho Phúc ở chung cư Làng quốc tế Thăng Long. Khi biết cả ba thời điểm này ông Phúc đều không có Làng quốc tế Thăng Long thì Sơn lại thay đổi lời khai giao tiền cho Phúc tại nhà ở Thụy Khuê, lần giao ở quê… Khi đưa khoản tiền 5 tỷ đồng, Sơn khai em ông Sơn là bà Huyền chuẩn bị 3 tỷ đồng, còn 2 tỷ ông Sơn rút ở ngân hàng mang về nhà, cho vào vali và mang đến nhà Phúc. Nhưng ngân hàng đã xác nhận không có việc rút tiền này.
Việc Sơn khai đưa 2,5 tỷ đồng cho Phúc ở quê. Nhà của Phúc là nhà cấp 4, đã cũ nát, nhưng Sơn lại khai đưa tiền cho Phúc ở lầu 1…