“Rõ ràng ở đây có những sai sót của đăng kiểm viên trong quá trình kiểm tra chưa kiểm tra kỹ toàn bộ liên quan đến máy tàu. Có những máy cải tạo, làm giả rất tinh vi”. Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thừa nhận như vậy tại cuộc họp công bố kết quả sơ bộ thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng của ngư dân tỉnh Bình Định, do Sở NN&PTNT tỉnh này tổ chức chiều 22-6.
Đăng kiểm “chúng tôi làm đúng quy trình”
Theo ông Đức, trong quá trình đóng tàu có sự kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan, đơn vị. Trong đó, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra an toàn kỹ thuật con tàu. Ông Đức cũng thống nhất với kết luận của tổ thẩm định độc lập do UBND tỉnh Bình Định thành lập là có đến chín máy chính trên chín tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đóng không phải máy thủy mà là máy bộ cải hoán, không phải máy chính hãng Mitsubishi mà là hàng trôi nổi.
Lý giải việc cơ quan đăng kiểm cho lắp đặt máy đểu trên tàu của ngư dân, ông Đức cho hay: “Chúng tôi kiểm tra đầy đủ hồ sơ về chứng chỉ chất lượng, xuất xứ của máy. Khi kiểm tra hồ sơ, chúng tôi thấy đơn vị giám định chất lượng độc lập đã nói rất rõ là máy thủy, mới 100%. Chúng tôi căn cứ vào đó mà xác nhận để cho lắp máy trên tàu. Khi kiểm tra lắp đặt, chạy thử, máy vẫn hoạt động bình thường. Quy trình là đăng kiểm viên chỉ kiểm tra khi lắp đặt và chạy thử chứ không phải kiểm tra chi tiết của máy. Tuy nhiên, nếu đăng kiểm viên có trình độ rất sâu về lĩnh vực máy thì sẽ biết được những vấn đề vừa rồi. Đăng kiểm viên có những sai sót trong quá trình kiểm tra” - ông Đức nói.
Trả lời câu hỏi: “Vậy cơ quan đăng kiểm có liên đới cùng với các công ty đóng tàu bồi thường cho ngư dân không, có trả lại phí kiểm định không?”, ông Đức nói: “Đăng kiểm viên có sai sót là chưa biết máy thật hay giả. Sau này khi các cơ quan thẩm định mới phát hiện ra. Cơ quan đăng kiểm có những sai sót liên quan đến kiểm tra thì chúng tôi có trách nhiệm. Còn các vấn đề khác là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản khi các vấn đề này được làm rõ”.
Trước câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM: “Phải chăng các đăng kiểm viên đã bắt tay thông đồng với các nhà máy để lắp máy trôi nổi cho ngư dân?”, ông Đức nói: “Chúng tôi không phát hiện được tiêu cực của đăng kiểm viên”.
“Vậy Trung tâm Đăng kiểm tàu cá có đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ có tiêu cực hay không?”. ông Đức cho hay: “Vấn đề này là trách nhiệm của các cơ quan, trong đó có Bộ NN&PTNT. Các tỉnh cũng đã có ý kiến. Chúng tôi là cơ quan đăng kiểm, quản lý kỹ thuật nên chỉ xin báo cáo về kỹ thuật, về trách nhiệm của chúng tôi”.
Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận trình độ đăng kiểm viên có vấn đề nên sẽ chấn chỉnh sau vụ việc này.
Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, thừa nhận đăng kiểm viên sai sót trong quá trình kiểm tra đóng tàu vỏ thép. Ảnh: TẤN LỘC
Công ty đóng tàu: “Trách nhiệm thuộc nhà cung cấp máy”
Có mặt tại buổi đối thoại, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu (Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vắng mặt), cho hay thống nhất cao với kết luận của tổ thẩm định và cam kết khắc phục các hỏng hóc cho ngư dân trong thời gian sớm nhất.
“Hợp đồng Nam Triệu ký với các nhà cung cấp máy theo đúng hợp đồng đã ký với ngư dân là mua máy thủy Mitsubishi mới 100%. Trong quá trình tiếp nhận, lắp đặt chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình. Chúng tôi mời đăng kiểm, ngư dân, đơn vị giám định chất lượng độc lập đến thẩm định theo đúng các bước quy trình đóng tàu. Tuy nhiên, đến giờ này thì kết quả thẩm định xác định là không phải máy thủy mà là máy bộ cải tạo” - ông Hùng thanh minh.
Trước thông tin Công ty Hoàng Gia Phát (đơn vị cung cấp máy Mitsubishi Nhật Bản) cho rằng ký hợp đồng với Nam Triệu là model máy bộ và đã cung cấp đúng theo hợp đồng, ông Hùng nói: “Tôi xin khẳng định lại hợp đồng Nam Triệu ký với Hoàng Gia Phát là cung cấp động cơ máy thủy mới 100%”.
“Tại sao trước đây, trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Định, lãnh đạo Công ty Nam Triệu khẳng định Hoàng Gia Phát là nhà phân phối chính hãng Mitsubishi nhưng bây giờ xác định không phải cung cấp chính hãng mà mua hàng trôi nổi?”. ông Hùng phân trần: “Cái này thuộc trách nhiệm của Hoàng Gia Phát. Còn Nam Triệu ký với Hoàng Gia Phát đúng với hợp đồng đã ký với ngư dân”.
PV tiếp tục truy vấn: “Vậy ông cho là Hoàng Gia Phát lừa Nam Triệu? Nam Triệu có kiến nghị cơ quan chức năng xử lý chưa?”. ông Hùng cho hay: “Việc này Nam Triệu đang tiến hành theo ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần kỹ thuật Bộ Công an”.
Trước câu hỏi của chúng tôi: “Tổng cục Thủy sản có thấy trách nhiệm trong việc hàng loạt tàu vỏ thép bị hỏng không?”, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nói: “Cần xác định nguyên nhân của từng hỏng hóc mới làm rõ trách nhiệm các bên liên quan”.
Phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng Báo cáo kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng của tỉnh Bình Định do ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Tổ trưởng tổ thẩm định độc lập, cho biết đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quá trình đóng tàu, là nguyên nhân khiến 19 con tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định bị hư hỏng. Theo đó, năm tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc, xuất xứ thép từ Trung Quốc. Kiểm tra tại hiện trường 17 tàu thì có đến 12 tàu phần vỏ bị gỉ sét, trong đó có năm tàu phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng. Có chín máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA có hàng loạt chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ, không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Hãng Mitsubishi (Nhật Bản) đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có model, công suất như ghi trên decal máy. Hầu hết các máy chính này đều hoạt động không ổn định. Ngoài ra có ba máy chính tàu hiệu Doosan hoạt động không ổn định, trong đó có một máy chính Doosan bị hư hỏng nặng như gãy trục khuỷu, hư piston. Cũng theo ông Trần Văn Phúc, có nhiều máy phụ bị hỏng, hoạt động không ổn định. Nhiều trang thiết bị hàng hải, khai thác cũng bị hỏng, hoạt động không ổn định. |