Ngày 21-3, thông tin từ VKSND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-VKSTC về việc thành lập Phòng Xử lý sau Thanh tra thuộc Thanh tra VKSND Tối cao.
Phòng Xử lý sau thanh tra có chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý các vấn đề phát sinh sau thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đối với VKSND cấp dưới.
Ngoài ra, đơn vị này sẽ tổng hợp các vi phạm, thiếu sót trong ngành thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền để ra thông báo rút kinh nghiệm chung; tổ chức theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; cập nhật, thu thập các thông tin phản ánh có liên quan đến cán bộ trong ngành để tham mưu cho chánh thanh tra xem xét, xử lý; nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, đề tài, đề án và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được chánh thanh tra phân công.
Đáng chú ý, viện trưởng VKSND Tối cao cũng đã ban hành các quyết định thành lập thanh tra thuộc VKSND cấp tỉnh đối với 38 VKSND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, gồm: Lai Châu, Đắk Nông, Hà Giang, Phú Yên, Trà Vinh, Hậu Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Sơn La, Long An, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Long, Bình Dương, Thái Nguyên, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Bắk Kạn, Ninh Thuận, Hà Nam, Ninh Bình, Cao Bằng, Điện Biên, Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, Gia Lai, Bình Phước, Bạc Liêu.
Theo đó, Thanh tra thuộc VKSND cấp tỉnh là đơn vị tương đương cấp phòng được thành lập kể từ ngày 1-4-2017. Tổ chức, biên chế thanh tra VKSND cấp tỉnh do viện trưởng VKSND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quyết định trên cơ sở biên chế của VKSND cấp tỉnh được giao và quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy VKSND cấp tỉnh.