Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Đòi hỏi bức thiết từ nhu cầu phòng, chống tội phạm
. Phóng viên: Thưa ông, tố tụng hóa, luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt đã được kiến nghị từ lâu nhưng tại sao đến giờ mới đưa được vào BLTTHS?
+ Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Đây là vấn đề phức tạp, tác động trực tiếp tới quyền con người, quyền cơ bản của công dân nên không dễ đồng thuận ngay, không dễ công khai hóa trong luật tố tụng.
Thực ra vấn đề này không hoàn toàn mới. Ở bình diện quốc tế, chúng tôi tham khảo luật tố tụng hình sự của 15 nước, trong đó có những nước thể chế chính trị giống ta - như Trung Quốc, hay những nước có nền tư pháp tương đồng - như Hungary, Nga, cũng như những nước có nền tư pháp tiên tiến hơn như Đức, Pháp, Mỹ... Tất cả đều luật hóa biện pháp điều tra đặc biệt.
Còn với ta, trong luật chuyên ngành về phòng, chống ma túy đã cho phép áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt rồi. Nhưng sẽ tốt hơn khi đưa các quy định này vào luật tố tụng. Vì đó là nơi quy định tốt nhất các quy trình, thủ tục, biện pháp tố tụng để làm sáng tỏ sự thật vụ án.
Ngoài ra, VN đã tham gia một số công ước quốc tế liên quan đến phòng, chống tội phạm tham nhũng, ma túy, tội phạm có tổ chức... Tất cả đều khuyến nghị các quốc gia áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt và VN đã cam kết sẽ luật hóa vấn đề này.
Cho nên chúng tôi đã thảo luận để hình thành một chương về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong BLTTHS. Và đây là một trong những bổ sung quan trọng của lần sửa đổi luật này.
. Tố tụng hóa các biện pháp điều tra đặc biệt như vậy sẽ tác động thế nào tới công tác điều tra tội phạm?
+ Thực tiễn công tác phát hiện, điều tra tội phạm cho thấy những gì thu được từ hoạt động điều tra đặc biệt thường là nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm. Nhưng ta không luật hóa trong tố tụng thì những tài liệu, thông tin thu được đó phải mất thêm công đoạn chuyển hóa chứng cứ, mà nhiều khi không chuyển hóa được. Như vậy là ta tự bó tay mình, từ chối nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh hết sức thuyết phục - thuyết phục không chỉ với người có hành vi phạm tội, mà cả với dư luận xã hội.
Cho nên luật hóa các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt còn là đòi hỏi từ thực tiễn, nhất là trong công tác đấu tranh với một số loại tội phạm nguy hiểm.
Sao không luật hóa chuyện “cài đặc tình”?
. Trong thực tiễn đấu tranh với tội phạm, công an còn sử dụng nhiều biện pháp bí mật khác, chẳng hạn như cài đặc tình. Tại sao không được đưa vào luật này?
+ Trên thế giới, các nước áp dụng 11 loại biện pháp điều tra đặc biệt. Cơ quan soạn thảo chúng tôi lựa chọn ra năm loại phổ biến nhất, đề xuất đưa vào luật, tuy nhiên quá trình thảo luận cuối cùng chấp thuận ba. Hai biện pháp còn lại là theo dõi bí mật và sử dụng cộng tác viên bí mật.
Chẳng hạn như trong vụ bắt cóc, người mẹ mang tiền ra điểm hẹn để đưa cho bọn bắt cóc để chuộc con thì phải bố trí theo dõi bí mật, tìm chứng cứ. Rồi đấu tranh chống các tổ chức tội phạm thì rất cần cộng tác viên trong chính tổ chức tội phạm ấy. BLHS miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội nhưng tự thú và khai báo, góp phần tích cực phát hiện, điều tra tội phạm. Vậy tại sao ta không luật hóa được biện pháp sử dụng cộng tác viên bí mật? Như thế là chưa đồng bộ. Đây là những biện pháp mà trên thực tế chúng ta phải làm.
Nếu áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt, có thể đã chặn đứng nhiều phi vụ rút tiền "khủng" của Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashin?
. Khả năng tố tụng hóa thêm các biện pháp điều tra bí mật này thế nào?
+ Tôi là người làm công tác thực tiễn, có đề nghị bổ sung thêm trường hợp bị hại đề nghị áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt với chính mình để thu thập chứng cứ nhưng rất tiếc là không được chấp thuận.
Trên thế giới, lịch sử việc tố tụng hóa biện pháp điều tra đặc biệt bắt đầu từ một vụ dạng như vậy. Như vụ án bắt cóc trẻ em, người mẹ đề nghị cơ quan điều tra nghe lén điện thoại của chính họ để thu thập thông tin về kẻ bắt cóc qua những lần chúng liên lạc, ra giá, tống tiền. Cảnh sát đã chấp nhận và dùng kết quả thu thập được như chứng cứ chứng minh tội phạm.
Tôi nghĩ những đề xuất như vậy, đến lúc nào đó, sẽ được đưa vào BLTTHS.
. Đã tố tụng hóa ba biện pháp điều tra đặc biệt này rồi thì liệu trong các hoạt động tiền tố tụng, ngoài tố tụng, cơ quan công an còn được áp dụng các biện pháp bí mật nữa không?
+ Việc đó, các bạn phải hỏi Bộ Công an.
Ở đây tôi chỉ đề cập tới những biện pháp tố tụng đặc biệt, đã được đưa vào BLTTHS và theo quy trình, thủ tục phải được VKS phê chuẩn. Những gì thu thập được từ đó, có giá trị chứng minh tội phạm thì đều được công nhận là chứng cứ, sử dụng trực tiếp tại tòa. Còn những gì thu thập ngoài tố tụng, chẳng hạn tài liệu trinh sát thì vẫn phải chuyển hóa chứng cứ thì mới dùng trước tòa được.
Tùy tiện, lạm quyền sẽ bị xử lý
. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến từ phía cơ quan điều tra cho rằng thời hạn áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt chỉ hai tháng là quá ngắn, vì có những vụ án khó phải điều tra hàng năm trời. Vậy tính toán vấn đề này thế nào?
+ Trong luật có cho phép gia hạn.
Nhưng lưu ý đây là biện pháp điều tra đặc biệt, nên chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt thật cần thiết, không thể áp dụng tràn lan được.
Tôi tin rằng cơ quan điều tra đủ kinh nghiệm để biết lúc nào thực sự cần thiết và bố trí áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt ở đâu, lúc nào cho hiệu quả.
Nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashin Giang Kim Đạt có 40 biệt thự, căn hộ, đất.
. Từ thực tiễn kiểm sát điều tra với các vụ án ma túy, ngành kiểm sát có thấy nguy cơ lạm dụng biện pháp điều tra đặc biệt không?
+ Tôi nghĩ cơ quan điều tra không có ý lạm dụng. Mục tiêu cao nhất, nỗ lực cao nhất của người ta là tập trung để thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm, đưa ra tòa xét xử. Không ai sử dụng những thứ không liên quan làm gì khác cả.
Tôi cho rằng cấp có thẩm quyền áp dụng là thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên luôn ý thức trách nhiệm để quyết định áp dụng và triển khai các biện pháp điều tra đặc biệt ấy một cách chặt chẽ, không tùy tiện.
Với các quy định chặt chẽ thế này, nếu ai đó quyết định trái thẩm quyền, áp dụng quá thời hạn, rồi lại còn sử dụng tùy tiện vào mục đích khác thì chắc chắn sẽ bị kỷ luật, xử lý trách nhiệm.
. Xin cám ơn ông.
Cán bộ coi chừng bị tội xâm phạm bí mật đời tư . Phóng viên: Ba biện pháp điều tra đặc biệt trong BLHS gồm ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử đều can thiệp sâu, trực tiếp tới quyền con người. Vậy làm thế nào để phòng ngừa việc lạm dụng? + Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Đúng là các biện pháp này có phần nào hạn chế quyền con người, mà trực tiếp nhất là quyền bí mật đời tư. Nhưng cân nhắc thì thấy lợi ích xã hội có được từ việc tố tụng hóa các biện pháp điều tra bí mật này là rất cao và rõ ràng cần ưu tiên cho nhiệm vụ phòng, chống tội phạm. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế phòng ngừa lạm dụng. VKSND Tối cao là cơ quan chủ trì và Ủy ban Thường vụ QH có tính đến và đưa ra giải pháp trong luật, được QH chấp thuận thông qua. Theo đó, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được áp dụng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, chỉ áp dụng với các nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cũng để ngăn ngừa lạm dụng, luật mới quy định người có thẩm quyền ra lệnh áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt phải là thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh trở lên, phải được viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn và thời hạn áp dụng chỉ hai tháng. Thông tin, tài liệu thu thấp được từ quá trình điều tra tố tụng đặc biệt có thể gồm cả những thứ không liên quan đến vụ án, trong đó có những thứ về đời tư... thì tất cả phải được tiêu hủy kịp thời. Những người ra lệnh, phê chuẩn và thực hiện biện pháp điều tra đặc biệt phải giữ bí mật. Thông tin, tài liệu thu thập được chỉ được sử dụng cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Còn nếu sử dụng vào mục đích khác, việc khác thì sẽ phạm vào tội xâm phạm bí mật đời tư. Như vậy có thể yên tâm là sẽ không có chuyện sử dụng các thông tin bí mật đời tư ngẫu nhiên thu thập được từ điều tra tố tụng đặc biệt để chống lại công dân. |