Đó là nội dung được các chuyên gia thông tin tại Tọa đàm kinh nghiệm quốc tế và tham vấn dự thảo luật chuyển đổi giới tính do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ, chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức sáng 26-8, tại Hà Nội.
Toạ đàm có hơn 80 đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tư pháp, các tổ chức xã hội, cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế và Liên Hợp Quốc đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đóng góp cho Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính.
Toạ đàm kinh nghiệm quốc tế và tham vấn dự thảo luật chuyển đổi giới tính diễn ra ngày 26-8. Ảnh: NHƯ LOAN |
Theo Bộ Y tế, ước tính có khoảng 480.000 người chuyển giới tại Việt Nam. Do các định kiến trong xã hội, người chuyển giới thường phải đối mặt với sự kì thị và phân biệt đối xử từ xã hội trên nhiều phương diện, ví dụ như khi thực hiện các thủ tục y tế, hành chính hay xin việc làm.
Phát biểu tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đối với quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới, những năm vừa qua, Việt Nam đã có một số bước tiến trong việc bảo đảm các quyền này.
Cụ thể, Hiến pháp quy định công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới; năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi, trong đó bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính; năm 2015, Bộ luật Dân sự được sửa đổi, trong đó bỏ quy định cấm phẫu thuật chuyển đổi giới tính với những người đã hoàn thiện về mặt giới tính, đồng thời hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính…
Về dự án Luật Chuyển đổi giới tính, bà Thuý cho biết, theo đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được ban hành kèm theo Kết luận của Bộ Chính trị, dự án Luật chuyển đổi giới tính là một trong các nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội khóa XV. Các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ dự án luật khi Chính phủ trình.
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật này, bà Thúy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm đến các vấn đề như: Nghiên cứu, bổ sung quy định hỗ trợ về tâm sinh lý đối với nhóm trẻ dưới 16 tuổi có bản dạng giới khác với giới tính khi sinh, nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…
Các chuyên gia cũng cho biết, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc xoá bỏ kỳ thị đối với cộng đồng người chuyển giới. Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý cụ thể về việc chuyển đổi giới tính, người chuyển giới Việt Nam vẫn phải đi ra nước ngoài hoặc tới các cơ sở khám, chữa bệnh bất hợp pháp để thực hiện can thiệp y tế, gây ra nhiều hệ luỵ sức khoẻ.
Ngày 28- 6, Bộ Y tế đã trình Chính phủ hồ sợ đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Nếu được xây dựng và thông qua, Luật Chuyển đổi giới tính sẽ là cơ sở pháp lý để người có mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.