Gần đây, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử phúc thẩm vụ ba bị cáo NTHC, NTTĐ, T.T.T.Ch. bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì có hành vi giả mạo CMND của người khác qua mặt công chứng vay vốn ngân hàng, sau đó mất khả năng chi trả.
Đây là một vụ án có quan điểm khác nhau giữa đại diện VKS và HĐXX phúc thẩm về việc đã có đủ căn cứ kết tội các bị cáo hay chưa…
Làm giả CMND người khác vay tiền ngân hàng
Theo hồ sơ, tháng 4-2009, cần vay vốn làm ăn nhưng không có tài sản thế chấp, C. đã bàn với Đ. nhờ Ch. và NTA (đã mất) làm các CMND giả cho phù hợp với giấy đỏ đứng tên vợ chồng người khác mà C. đang giữ để vay tiền ngân hàng.
Có các CMND giả, C. và Đ. đem giấy đỏ đến chi nhánh một ngân hàng ký hợp đồng vay vốn, thế chấp tài sản của bên thứ ba là quyền sử dụng mảnh đất và được ngân hàng cho vay 200 triệu đồng. Nhận được tiền vay, C. và Đ. mỗi người giữ 100 triệu đồng.
Đến thời điểm trả nợ gốc, C. và Đ. vay nóng bên ngoài rồi trả cho ngân hàng. Sau đó C. và Đ. tiếp tục sử dụng giấy tờ thế chấp nói trên, nhờ người giả làm vợ chồng chủ đất ký hợp đồng vay tiếp 200 triệu đồng của ngân hàng.
Đối với khoản vay thứ hai này, tính đến tháng 7-2011, C. và Đ. đã trả cho ngân hàng gần 74 triệu đồng tiền gốc và lãi, còn lại gần 173 triệu đồng gồm cả gốc lẫn lãi thì mất khả năng thanh toán.
Sau khi ngân hàng trình báo, Công an TP Nha Trang đã khởi tố C., Đ., Ch. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 8-2014, gia đình C. và Đ. đã trả hết nợ của khoản vay thứ hai cho ngân hàng.
Tháng 10-2015, VKSND TP Nha Trang truy tố C., Đ., Ch. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS. Theo VKS, các bị cáo chiếm đoạt của ngân hàng gần 173 triệu đồng (phần gốc và lãi chưa thanh toán của khoản vay thứ hai - NV).
Tháng 1-2016, TAND TP Nha Trang xử sơ thẩm đã phạt C. và Đ. mỗi người bốn năm tù, Ch. ba năm tù treo theo điểm a khoản 3 Điều 139 BLHS (khung hình phạt nặng hơn truy tố của VKS - NV). Theo HĐXX, các bị cáo đã chiếm đoạt của ngân hàng 200 triệu đồng.
Sau đó C. và Đ. kháng cáo xin giảm án, trình bày do không hiểu biết pháp luật, suy nghĩ nông cạn, nghĩ cứ làm giả CMND để vay tiền rồi sau đó sẽ làm ăn trả nợ nên mới phạm tội. Họ xin tòa phúc thẩm giảm hình phạt, cho hưởng án treo vì bệnh tật và hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Các bị cáo có phạm tội?
Tại phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa, đáng chú ý là đại diện VKSND tỉnh đã đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Theo đại diện VKS, tuy các bị cáo có hành vi gian dối nhưng chưa thể hiện rõ ý thức chiếm đoạt tài sản, các bị cáo cũng không có ý thức chiếm đoạt tài sản từ trước. Thực tế sau khi vay tiền ngân hàng, các bị cáo đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng thứ nhất, cũng như trả một phần khoản vay thứ hai nên chưa đủ căn cứ xét xử các bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận vì cho rằng không có căn cứ kết luận việc điều tra ở cấp sơ thẩm là chưa đầy đủ để hủy án sơ thẩm. Theo HĐXX, lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được có trong hồ sơ vụ án, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm. Bằng thủ đoạn gian dối, các bị cáo đã lừa được nhân viên tín dụng của ngân hàng để chiếm đoạt số tiền vay 200 triệu đồng.
HĐXX cho rằng trước khi xác lập hợp đồng tín dụng vay vốn thứ hai, các bị cáo đều biết rõ không có khả năng trả nợ vì thực tế khi đến thời hạn trả nợ gốc theo hợp đồng tín dụng thứ nhất, các bị cáo đã mất khả năng thanh toán, phải vay nóng bên ngoài để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy không có phương án trả nợ cho ngân hàng nhưng các bị cáo vẫn tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền, thể hiện ý thức chiếm đoạt tài sản đối với khoản tiền vay 200 triệu đồng của ngân hàng nên tội phạm đã hoàn thành kể từ khi các bị cáo nhận được số tiền này.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo đã đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt là 200 triệu đồng nên cấp sơ thẩm áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139 BLHS để xét xử các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố, các bị cáo đã cùng gia đình tích cực khắc phục hậu quả, hoàn trả lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Bản thân các bị cáo là nhân dân lao động, suy nghĩ nông cạn, hiểu biết pháp luật có phần hạn chế, chưa có tiền án, tiền sự. Do vậy HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm, giảm án cho C. và Đ. xuống còn mỗi người ba năm tù. Riêng Ch. không kháng cáo nhưng HĐXX xét thấy bị cáo có vai trò chỉ là đồng phạm giúp sức, không được hưởng lợi gì từ số tiền đã chiếm đoạt, tính chất, mức độ hành vi phạm tội hạn chế hơn nên giảm xuống còn hai năm tù treo.
Làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ công an Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS còn nêu thêm một lý do để yêu cầu hủy án sơ thẩm là cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ hành vi của một số cán bộ công an có liên quan trong việc làm CMND giả. Theo HĐXX, tòa sơ thẩm từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung về trách nhiệm của những cán bộ công an trong việc làm các CMND giả và cơ quan điều tra kết luận “đang tiến hành xác minh điều tra làm rõ trách nhiệm sẽ kết luận, xử lý sau”. Tòa sơ thẩm cũng đã kiến nghị nội dung này trong bản án. Mặt khác, kết quả xử lý đối với những cán bộ công an này không ảnh hưởng đến việc xem xét trách nhiệm hình sự của các bị cáo. |