VKS đề nghị 7-8 năm, vì sao tòa xử bị cáo Dũng tử hình?

Tại phiên tòa sơ thẩm xử vụ bị cáo Doãn Trung Dũng sát hại bốn bà cháu ở Quảng Ninh, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo tử hình về tội giết người, 7-8 năm tù về tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Dũng mức án tử hình về tội giết người và mức án tử hình về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.
Ở tội giết người, với năm tình tiết định khung tăng nặng (giết nhiều người, giết trẻ em, giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện tội phạm một cách man rợ và có tính chất côn đồ) không ai thắc mắc mức án tử hình dành cho bị cáo.
Nhưng ở tội cướp tài sản, nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao VKS chỉ đề nghị phạt 7-8 năm tù mà tòa lại tuyên mức án tử hình.
Trước hết, VKS chỉ truy tố khoản 1 Điều 133 BLHS nhưng tòa lại xử đến khoản 4 điều luật này thì có được không?
Theo khoản 2 Điều 298 BLTTHS thì tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật… Như vậy, việc tòa xử khoản 4 (nặng hơn) nhưng vẫn nằm trong tội cướp tài sản là đúng quy định.
Nhưng tại sao tòa lại xử ở khoản 4 nặng hơn và tuyên mức án “cao ngất” như vậy?
Thẩm phán Phạm Ngọc Bình, Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Quảng Ninh, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xử vụ án trên lý giải: VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù dựa vào khoản 1 Điều 133 BLHS là chưa hợp lý. Bị cáo giết hai cháu nhỏ trước, sau đó giết bà Hát và một cháu nhỏ nữa rồi cướp tài sản. Việc giết hại hai mạng người thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo điểm c khoản 4 Điều 133 BLHS. Vì vậy HĐXX phải áp dụng khoản 4 điều luật này (mức án cao nhất là tử hình). Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Tổng hợp hình phạt chung cho hai tội mà bị cáo phải chịu là tử hình.

Điều 133: Tội cướp tài sản

Khoản 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

...

Khoản 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.