VKS không được kháng nghị phúc thẩm vụ án

Những sai lầm thường gặp là: VKS chỉ truy tố một tội, tòa xử như cáo trạng nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, VKS cấp trên trực tiếp cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm nên kháng nghị phúc thẩm, đề nghị hủy án để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Có trường hợp, VKS chỉ truy tố bị cáo A, tòa cũng chỉ kết án bị cáo A nhưng tại phiên tòa bị cáo khai còn có B là đồng phạm. Sau phiên tòa, VKS kháng nghị phúc thẩm, yêu cầu hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhằm truy tố thêm B...

Những dạng kháng nghị phúc thẩm trên là sai vì ngoài quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (viện trưởng VKS có quyền hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của tòa án) còn có quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Theo Điều 33 của quy chế này (ban hành kèm theo Quyết định 121/2004/QĐ-VKSTC ngày 16-9-2004 của viện trưởng VKS Tối cao), căn cứ để kháng nghị phúc thẩm là: Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; có những vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự; có những vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Đối tượng kháng nghị phúc thẩm là bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật chứ không phải vụ án. Do đó, chỉ những nội dung nào mà tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, quyết định thì mới thuộc thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm của VKS. Cách khác, VKS chỉ được kháng nghị phúc thẩm khi và chỉ khi bản án hoặc quyết định sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hoặc có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm.

Được coi là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật trong các trường hợp: Cấp sơ thẩm kết án người không có hành vi phạm tội (làm oan người vô tội); kết án người mà hành vi của họ không cấu thành tội phạm; kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người được tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội (bỏ lọt tội phạm); kết án sai tội danh; áp dụng điều khoản của Bộ luật Hình sự không đúng.

Đối với những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của tòa án cấp sơ thẩm bao gồm: xác định sai người tham gia tố tụng; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án không đúng; việc giao các quyết định của tòa án không đúng quy định; triệu tập không đầy đủ những người cần triệu tập đến phiên tòa để xét hỏi hoặc tuy có triệu tập nhưng người được triệu tập không nhận được giấy triệu tập vì có lý do chính đáng; xét xử sai thẩm quyền; thành phần Hội đồng Xét xử sơ thẩm không đúng; xử vắng mặt bị cáo khi họ có lý do chính đáng; phiên tòa vắng kiểm sát viên hoặc người bào chữa thuộc trường hợp bắt buộc; xét xử vắng mặt người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định trong trường hợp sự vắng mặt của họ trở ngại cho việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo; biên bản nghị án phản ánh nội dung quyết định của Hội đồng Xét xử không đúng với phần quyết định của bản án đã tuyên tại phiên tòa; nghị án một đằng, tuyên án một nẻo; bản án phát hành không đúng với bản án đã tuyên...

Nếu những sai lầm đó trong giai đoạn điều tra, truy tố thì không thuộc thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm mà thuộc thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm