VKS vạch rõ hành vi gian dối và động cơ vụ lợi trong vụ kit test Việt Á

(PLO)- Đối đáp với các luật sư, bị cáo, VKS nói rằng các bị cáo biết rõ Công ty Việt Á sắp có sản phẩm rồi nhưng vẫn đưa Việt Á vào tham gia đề tài nghiên cứu là vì động cơ vụ lợi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-12, HĐXX Tòa án quân sự thủ đô Hà Nội tiếp tục nghe tranh luận giữa các luật sư, bị cáo với đại diện VKS trong vụ kit test Việt Á.

Việt Á
Đại diện VKS tại phiên tòa kit test Việt Á. Ảnh: CTV

Cấp bách không phải là lý do để gian dối

Ở hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đối đáp với các bị cáo và luật sư về ý kiến biện hộ cho rằng hành vi phạm tội từ yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, VKS cho rằng dù cấp bách cũng không thể biện hộ cho hành vi gian dối.

Tin nhắn của bị cáo Phan Quốc Việt, TGĐ Công ty Việt Á và bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó Vụ Các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN thể hiện rất rõ "vài tuần nữa Công ty Việt Á có kit test rồi".

Vì vậy, VKS khẳng định hành vi đưa Công ty Việt Á vào tham gia Đề tài nghiên cứu kit test của Học viện Quân y, đưa sản phẩm của Việt Á đi kiểm nghiệm, tạo điều kiện được cấp phép cho thấy mục đích vụ lợi. Việc tham gia đề tài nghiên cứu là để nhanh chóng được cấp phép.

“Bị cáo Hồ Anh Sơn (cựu Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y -PV) là Chủ nhiệm đề tài nhưng đã lợi dụng chức vụ thống nhất với bị cáo Hùng, Việt gian dối, vi phạm hợp đồng ký với Bộ KH&CN gây thiệt hại hơn 18 tỉ đồng”- đại diện VKS nhấn mạnh.

VKS dẫn chứng bản thân bị cáo Sơn khai rất rõ về yếu tố vụ lợi: “Tôi mong muốn có ngay thành tích khoa học để phòng chống dịch”.

Học viện Quân y có nghiên cứu thực hiện đề tài không? Trả lời vấn đề này, đại diện VKS nói rằng “có nhưng khi thực hiện thì phải có trách nhiệm đến cùng. Bị cáo Sơn phải chịu trách nhiệm”.

Đồng thời VKS cũng nhấn mạnh, theo quy định, khi đề tài nghiên cứu không có sản phẩm thì phải có trách nhiệm bồi thường 100% kinh phí đề tài. Từ đó, VKS không chấp nhận ý kiến đề nghị trừ những khoản chi phí cho nghiên cứu.

Không phải là tình thế cấp thiết

Ở hành vi vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, ý kiến bào chữa cho các bị cáo ở Học viện Quân y và Công ty Việt Á cho rằng hành vi phạm tội diễn ra trong tình thế dịch bệnh Covid-19, các bị cáo phạm tội trong tình thế cấp thiết. Đề nghị VKS và HĐXX xem xét.

Theo đại diện VKS, chiếu theo quy định, hành vi trong tình thế cấp thiết là do tránh thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, Nhà nước nên phải gây ra thiệt hại nhỏ hơn. Việc mua bán kit test diễn ra trong thời gian dài, nhiều hợp đồng thì đây không phải tình thế cấp thiết.

Một số bị cáo là cấp dưới cho rằng hành vi bị quy kết là do phải chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Theo VKS, theo quy định Luật Sỹ quan quân đội Nhân dân Việt Nam, nếu thấy mệnh lệnh sai thì phải báo cáo. Do đó, ý kiến này không được VKS chấp nhận.

Khi tự bào chữa, bị cáo Trịnh Thanh Hùng cho rằng việc tách vụ án khiến bị cáo chịu thiệt thòi khi bị xét xử ở hai vụ án. Đại diện VKS nói rằng hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho quân đội do đó thẩm quyền giải quyết thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng quân đội là đúng theo quy định pháp luật.

Ý kiến luật sư nêu người ký văn bản ở Học viện Quân y không phải chịu trách nhiệm trong khi người ký văn bản ở Công ty Việt Á, dù không vụ lợi, vẫn bị chịu trách nhiệm. Về nội dung này, VKS cho biết căn cứ tài liệu chứng cứ và lời khai các bị cáo thì PGĐ, GĐ Học viện Quân y không được báo cáo về việc nhận hàng trước hợp thức sau. Hành vi do tin tưởng cấp dưới thì cáo trạng đã xác định tách ra để xem xét hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm