Theo hồ sơ, chiều tối 13-11-2015, H. đi ngang nhà ông NĐC, thấy cửa khóa, trong nhà tắt điện nên đã trèo qua mái tôn, dùng thanh sắt đập vỡ ô kính cánh cửa chính rồi đột nhập vào nhà. Trong lúc H. đang cạy két sắt thì có người phát hiện nên H. bỏ chạy ngay. Hai ngày sau H. bị bắt tạm giam.
Cáo trạng của VKS huyện sau đó truy tố H. về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 BLHS. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS giữ nguyên quyết định truy tố, đề nghị HĐXX phạt H. từ 12 tháng tù đến 15 tháng tù. HĐXX đã phạt H. 18 tháng tù theo đúng điều khoản truy tố.
Sau đó, VKS tỉnh kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND tỉnh áp dụng khoản nặng hơn của điều luật để xét xử đối với H. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh đã chấp nhận kháng nghị của VKS tỉnh, phạt H. 24 tháng tù theo khoản 2 Điều 138 BLHS.
Theo VKSND Tối cao, việc VKS và tòa cấp sơ thẩm truy tố, xét xử H. về tội trộm cắp tài sản là đúng nhưng áp dụng khoản 1 Điều 138 BLHS là không chính xác trong việc áp dụng pháp luật hình sự. Bởi lẽ H. có đến bốn tiền án về tội trộm cắp tài sản. Đáng lưu ý, ngay trong một bản án hình sự sơ thẩm liền trước đó, H. bị xác định là phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng là “tái phạm nguy hiểm” (điểm c khoản 2 Điều 138 BLHS) nhưng trong vụ này VKS và tòa cấp sơ thẩm vẫn chỉ truy tố, xét xử H. theo khoản 1 Điều 138 BLHS là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự. Vì vậy, cần phải truy tố, xét xử bị cáo theo điểm c khoản 2 Điều 138 BLHS mới đúng quy định của pháp luật.