Voi giẫm chết người, chủ voi phải chịu tội?

Ngày 16-10 vừa qua, một bé gái ở Lào Cai bị con voi của Liên đoàn Xiếc VN giẫm chết tại chỗ. Sau vụ một bé trai bị voi rạp xiếc quật chết ở Đồng Nai vào tháng 4-2010 thì đây là sự cố lần hai liên quan đến voi. Những thông tin trên báo chí (nơi nhốt voi không có cũi, lồng sắt bảo vệ…) cho thấy Liên đoàn Xiếc đã có hành vi trái pháp luật khi để con vật do mình chịu trách nhiệm quản lý xâm phạm tính mạng người khác.

Có lỗi đối với thiệt hại

Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (trong đó có thú dữ) phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ…, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Voi giẫm chết người, chủ voi phải chịu tội? ảnh 1

Voi tên Na của Liên đoàn Xiếc VN đã giẫm chết bé gái Nguyễn Thảo Oanh (11 tuổi), học lớp 6C Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Lào Cai. Ảnh: CTV

Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Bộ GD&ĐT (NXB Văn hóa-Thông tin) thì: Thú dữ là loài thú lớn, dữ tính, có thể làm hại con người. Với các tai nạn chết người đã xảy ra, có thể coi voi là nguồn nguy hiểm cao độ để ràng buộc trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, quản lý voi.

Khi nuôi, trông giữ thú dữ giữa khu dân cư, nơi công cộng bất kể mục đích gì, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, quản lý thú dữ buộc phải tuân thủ một nguyên tắc bao trùm, đó là không gây nguy hại cho tính mạng con người. Với con voi nói riêng, những người có trách nhiệm quản lý buộc phải có cách rào chắn, phòng thủ kiên cố để ngừa khi thú tính của nó nổi lên, với chiếc vòi và sức nặng khủng khiếp nó có thể làm chết người.

Về mặt pháp lý, pháp luật đã chỉ rõ trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó cũng đã là có lỗi. Đằng này, ở vụ voi ở Lào Cai, những người có trách nhiệm đã có thể thấy trước hậu quả có thể gây nguy hiểm cho xã hội nhưng vì chủ quan cho rằng hậu quả đó không thể xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Theo Điều 10 Bộ luật Hình sự, đây là lỗi vô ý vì quá tự tin hay do cẩu thả.

Phải xử hình sự?

Hiện nay BLHS không có quy định tội danh nào về hành vi chủ nuôi hoặc người chiếm hữu, quản lý thú dữ để thú tấn công người. Thế nhưng để những người này phải thấy hết tính chất nguy hiểm của hành vi nuôi thú dữ để kinh doanh, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan pháp luật vận dụng nhiều tội danh trong BLHS để xem xét, xử lý hình sự.

Có người nói đó là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS). Song điều luật này dành cho người có chức vụ trong khi thực hiện một công vụ nhất định do cơ quan, tổ chức giao (Điều 277 BLHS), còn đây là việc quản lý voi để biểu diễn, áp dụng có phù hợp?

Nhiều người khác cho đó tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS); tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 99 BLHS); tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 108 BLHS); tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 109 BLHS)...

Có lẽ phải đợi cơ quan điều tra xác định cá nhân nào là chủ voi hoặc là người chiếm hữu, quản lý con voi gây án; xem xét kỹ lưỡng các tình tiết liên quan thì mới rõ tội danh nào. Khi xét xử hình sự, tòa án cũng sẽ xem xét luôn trách nhiệm dân sự, cụ thể là việc bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Theo luật định, đó là các chi phí hợp lý cho việc mai táng và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm