Sáng 22-11, các ứng viên tham gia ứng tuyển vị trí phó hiệu trưởng 3 trường THPT ở TP.HCM bắt đầu bước vào vòng thi trình bày đề án.
Theo kế hoạch trong ngày hôm nay, hội đồng giám khảo tổ chức cho ứng viên thi vào Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ (sáng 2 ứng viên và buổi chiều 1 ứng viên). Thời gian trình bày đề án của mỗi ứng viên không quá 40 phút. Sau đó, mỗi ứng viên sẽ trả lời các câu hỏi của hội đồng giám khảo (gồm 11 thành viên) không quá 30 phút.
Nội dung đề án gồm: đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển, chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn. Bên cạnh đó, các ứng viên phải nêu lên chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp nếu được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại Hội đồng thi tuyển vị trí Phó Hiệu trưởng. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu kiêm Chủ tịch Hội đồng thi cho hay thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý được Sở tổ chức thí điểm với 3 đơn vị gồm trường THPT Quang Trung, THPT An Nhơn Tây và THPT An Nghĩa.
Có 11 ứng viên đủ điều kiện tham gia vòng 2 là trình bày đề án sau khi lọt qua vòng thi viết. Cụ thể, trường THPT An Nghĩa cùng THPT An Nhơn Tây có 3 ứng viên và THPT Quang Trung có 5 ứng viên.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu chỉ đạo trước giờ diễn ra vòng thi tuyển Phó Hiệu trưởng. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Phát biểu chỉ đạo tại vòng thi, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, cho hay đây là lần đầu tiên TP thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo của các trường phổ thông, lần này tập trung cho các vị trí phó hiệu trưởng.
“Tôi vui khi có nhiều ứng viên quan tâm đến kỳ thi. Điều này cho thấy việc tổ chức đã theo đúng hướng và được sự hưởng ứng của nhiều thầy cô - những người luôn tâm huyết với ngành giáo dục. Do đó, hội đồng giám khảo cần phát huy tinh thần làm việc nghiêm túc, công bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho các ứng viên thể hiện được năng lực, tâm huyết. Từ đó, chọn được ứng viên nổi trội nhất” - ông Đức nhấn mạnh.
Thầy Phạm Hải Dương, giáo viên trường THPT An Nghĩa trình bày về đề án của mình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Ứng tuyển vào vị trí phó hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa, nơi mình đang giảng dạy, thầy Phạm Hải Dương có mặt từ rất sớm tại phòng thi. Thầy Dương cho biết bản thần là người dân địa phương lại công tác ở trường nên mong muốn ứng tuyển, đóng góp vào sự phát triển của trường.
Theo thầy Dương, để tham gia vòng 2, các ứng viên phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu để hiểu về ngôi trường mình chọn lựa. “Với vòng này, tôi xây dựng đề án dựa trên mặt mạnh và hạn chế của trường để từng bước khắc phục, tìm giải pháp đưa trường ngày càng đi lên khi ở vị trí phó hiệu trưởng chuyên môn" - thầy Dương nói.
Thầy Nguyễn Hoàng Tấn, giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến xem lại đề án trước giờ thi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Thầy Nguyễn Hoàng Tấn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10, ứng tuyển vị trí Phó Hiệu trưởng THPT An Nghĩa chia sẻ kỳ thi là một hoạt động bổ ích để những người trẻ có cơ hội trải nghiệm và phấn đấu.
“Tôi mạnh dạn ứng tuyển vào vị trí này vì tôi còn trẻ, đang tràn đầy nhiệt huyết với công việc. Hơn nữa, tôi chưa vướng bận gia đình nên sẵn sàng cống hiến, phấn đấu” - thầy Tấn nói.
Thầy Tấn cho biết đã tìm hiểu đặc thù, điểm mạnh và hạn chế của trường qua nhiều kênh thông tin. Qua đó, thầy Tấn đề ra chiến lược ngắn hạn và dài hạn từng bước phát triển trường tốt hơn.
“Hiện Trường THPT An Nghĩa có hơn 50% học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với hơn 10 năm công tác ở trường nội thành, cùng nhiều kinh nghiệm xây dựng các nguồn xã hội hóa, học bổng để giúp đỡ học sinh khó khăn, tôi tin tưởng có nội lực để hỗ trợ tốt nhất cho trường mà mình ứng tuyển” - thầy Tấn bộc bạch.