TP.HCM sẽ tập trung chăm lo đời sống cho giáo viên

(PLO)- Vấn đề cải thiện thu nhập, giúp các thầy cô giáo yên tâm công tác được lãnh đạo TP.HCM cho biết đang tập trung quan tâm và sẽ có giải pháp trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-11, Thành ủy TP.HCM tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (1982-2022), gặp gỡ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiêu biểu TP, trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022.

Cần tăng lương cho giáo viên

Tại buổi lễ, nhiều cán bộ quản lý kiến nghị cần phải có thêm chính sách để hỗ trợ giáo viên, xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển TP. Bên cạnh công tác chuyên môn, hiện các giáo viên phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ áp lực khác nhưng thu nhập không tương xứng, đời sống đội ngũ giáo viên còn nhiều khó khăn.

Cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, cho biết các giáo viên thường xuyên được tập huấn các phương pháp dạy học tích cực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Bên cạnh đó, trường còn tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin. Cùng với đó là hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập nâng chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ.

Tại buổi lễ, Bộ GD&ĐT đã tặng cờ thi đua cho Sở GD&ĐT TP.HCM. Bộ GD&ĐT trao tặng bằng khen cho 25 nhà giáo tiêu biểu đã đạt giải thưởng Võ Trường Toản trong suốt 25 năm qua. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng trao tặng bằng khen cho 50 nhà giáo đạt giải Võ Trường Toản năm 2022.

Tương tự, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), cho biết trường thành lập các ban hoạt động đặc thù trong nhà trường bên cạnh công tác chuyên môn để phát huy năng lực sở trường, đóng góp hiệu quả nhất cho hoạt động của nhà trường. Trường cũng tạo điều kiện để giáo viên tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn của bộ, ngành.

Cô Lê Thị Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thạnh, TP Thủ Đức, là một trong 50 giáo viên đạt giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022. Ảnh: N.QUYÊN

Cô Lê Thị Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thạnh, TP Thủ Đức, là một trong 50 giáo viên đạt giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022. Ảnh: N.QUYÊN

Bà Tâm mong muốn duy trì các chính sách trong thời gian qua như Nghị quyết 03 và Nghị quyết 27 đã góp phần thúc đẩy sự nỗ lực, sáng tạo, cống hiến của giáo viên một cách tích cực. Bên cạnh đó, cần có thêm chính sách tăng lương, chăm lo đời sống giáo viên vì thu nhập bình quân của giáo viên hiện nay không cao, giáo viên trẻ có hệ số lương khá thấp.

“Việc tăng lương tuy không giải quyết triệt để khó khăn hiện nay của thầy cô giáo nhưng chắc chắn sẽ là một nguồn động lực to lớn, cho thấy sự quan tâm chăm lo thiết thực đến đời sống của thầy cô giáo” - bà Tâm bày tỏ.

Chăm lo cho thầy cô giáo là nhiệm vụ quan trọng

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi biểu dương ngành giáo dục TP đã xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập do Bộ GD&ĐT phát động. Đồng thời, ông cũng chúc mừng giải thưởng Võ Trường Toản qua 25 năm phát triển với nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là 50 cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu được nhận giải thưởng năm nay và năm nhà giáo được bổ nhiệm chức danh giáo sư năm 2022.

Ông Mãi cho rằng đứng trước mục tiêu phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, sứ mạng của ngành giáo dục hết sức nặng nề để đáp ứng kỳ vọng của người dân và xã hội.

Theo ông Mãi, UBND và Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của đội ngũ, chuyên gia và người dân trong xã hội để cụ thể hóa trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng bằng khen cho giáo viên đạt giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25. Ảnh: N.QUYÊN
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng bằng khen cho giáo viên đạt giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25. Ảnh: N.QUYÊN

Người đứng đầu TP nhấn mạnh vai trò của người thầy với sự nghiệp trồng người và sứ mạng tiên phong của TP. Ông Mãi cho rằng thầy cô giáo vừa là kỹ sư kiến thiết nền tảng tri thức và nhân cách cho học sinh, vừa là nghệ sĩ trên bục giảng, truyền cảm hứng, niềm đam mê và hoàn thiện tâm hồn cho các thế hệ trẻ. Để người thầy thực hiện đầy đủ thiên chức này, một trong những vấn đề lãnh đạo TP luôn quan tâm là chăm lo cho đội ngũ nhà giáo. Việc dạy học có hiện đại, thông minh đến đâu thì thầy cô vẫn là trái tim của hệ thống giáo dục. Việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm cũng như chăm lo, bồi dưỡng cho đội ngũ thầy cô giáo là nhiệm vụ thường xuyên, rất quan trọng.

“UBND TP.HCM đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM tập trung đề xuất giải pháp, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc đổi mới dạy học và thi đua trong thời gian tới theo hướng thực chất hơn. Song song đó, ngành giáo dục cần nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo TP cơ chế khả thi nhất để cải thiện thu nhập giúp các thầy cô yên tâm công tác và gắn bó với nghề” - ông Mãi khẳng định.

Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo

Với sứ mệnh được trao, lòng tự hào với nghiệp trồng người mình đã chọn, tôi mong muốn thầy cô giáo toàn ngành giáo dục TP phấn đấu thực hiện khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Bởi người thầy luôn tượng trưng cho sự chuẩn mực. Do đó, muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người, nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, giàu tính nhân văn. Muốn dạy được học trò, nhà giáo phải tích lũy kiến thức, giữ gìn phẩm chất, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU,Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, phát biểu tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm