Vớt vát mùa lũ muộn

Lũ ở vùng thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt đầu chớm nổi. Thế nhưng không như những mùa lũ trước, con nước đã không còn mang tôm cá, phù sa về vun đắp trên những cánh đồng.

Hết dám đánh bạc với trời

Mùa lũ hay còn gọi là mùa nước nổi ở ĐBSCL xưa nay vốn bắt đầu từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hạ lưu, con nước cũng sẽ mang tôm cá về cho những bữa cơm của người dân, đem phù sa về cho ruộng đồng.

Không những thế, khi mùa nước về còn tô đậm cho đồng bằng những phong sắc tuyệt vời, làm ngẩn ngơ lòng bao du khách. Vì thế mà người dân miền Tây xem đây là mùa vàng để kiếm sống.

Thế nhưng năm nay, mùa nước nổi ở ĐBSCL gần như không còn, mực nước từ thượng nguồn Mekong tỉ lệ nghịch với sự trông chờ của người dân. Năm nay lũ về khá muộn, do đó mà tôm cá, phù sa theo dòng nước đổ về đồng bằng cũng khan hiếm vô cùng…

Những ngày này, có theo chân bà con ở các xã Vĩnh Hội Đông, Phú Hữu, Vĩnh Lộc,… (huyện An Phú, An Giang), nơi giáp ranh với nước bạn Campuchia mới thấy hết bao nỗi lo toan, vất vả mưu sinh trong mùa lũ muộn. Lão nông Nguyễn Văn Huệ Ni (68 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hội Đông) than thở: “Mòn mỏi đợi chờ mới thấy nước về, tôi tưởng năm nay… hết lũ rồi! Lũ về muộn đồng nghĩa với việc tôm cá khan hiếm, già nua, bán không có giá. Ngay từ đầu tháng 6 âm lịch tôi đã đầu tư đồ nghề hàng chục triệu đồng nhưng bây giờ cả đêm mới kiếm được chục ký cá. Năm nay coi như lỗ vốn”.

Không riêng gì dân của huyện An Phú, trên cánh đồng bát ngát của vùng thượng nguồn những ngày này đang có rất nhiều ghe từ khắp nơi cũng lũ lượt kéo về săn tôm cá. Ông Trần Tiến Minh (ngụ xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cũng tỏ ra thất vọng với mùa lũ năm nay. Ông Minh cho biết đặt suốt cả ngày lẫn đêm cũng chỉ hứng được chục ký cá linh. Do lũ về muộn nên cá linh già, cân ngay tại chỗ cho thương lái cũng chỉ được gần 10.000 đồng/kg. Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, tôm cá cũng biến đâu hết. Chắc năm sau không dám… đánh bạc với ông trời.

Còn ở làng nghề Cồn Cốc (ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú) cũng đang ngóng lũ. Cồn Cốc mấy chục năm qua là địa chỉ quen thuộc của người dân vùng sông nước miền Tây. Bởi nơi này mỗi mùa lũ về, ngoài đồng khi đầy tôm cá là lúc các nghệ nhân miệt mài ngày đêm làm ra hàng chục ngàn cái lọp để cung cấp cho ngư dân khắp nơi đánh cá.

Từ nhiều năm trước, cứ mỗi khi vào mùa lũ, làng nghề Cồn Cốc luôn nhộn nhịp với việc chẻ tre, đục đẽo đan lọp suốt ngày đêm. Ông Nguyễn Văn Tòng, người được mệnh danh là “vua lọp cá linh”, cho biết: “Nếu như những năm trước thức ngày thức đêm làm vài chục ngàn cái lọp thì năm nay chỉ là quang cảnh nhàn rỗi, đìu hiu của làng nghề. Dù nước lũ mới về nhưng chỉ mới nhận được đơn hàng vài trăm cái lọp, tranh thủ cả nhà cũng tự đi đặt cá linh kiếm sống”.

Theo bà con làng nghề đan lọp ở Cồn Cốc, làng nghề bây giờ buồn lắm, rất nhiều người đã bỏ nghề đi làm công nhân ở TP.HCM, Bình Dương...

Lũ về muộn, dân đầu nguồn lũ lượt kéo nhau đi đặt lọp mưu sinh.

Bắt được mớ cá linh, bà Lê Thị Hải chở trên chiếc xe đạp đi bán quanh khắp xóm làng. Ảnh: BIÊN CƯƠNG

Lũ muộn vì hồ ở thượng lưu

Lý giải về tình trạng lũ về muộn tại ĐBSCL trong năm nay, chuyên gia môi trường sinh thái Nguyễn Hữu Thiện cho plo.vn biết: “Năm nay lũ có về nhưng là lũ thấp. Nếu tình hình không có mưa thêm thì dường như mực nước những ngày đầu tháng 10 vừa qua đã là đỉnh lũ. Đỉnh năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 30 cm. Điều này đồng nghĩa với việc có thể có hạn mặn vào đầu mùa khô năm tới nhưng sẽ không gay gắt như năm nay”.

Theo nhận định của các chuyên gia, gần 20 năm trở lại đây, lũ ở ĐBSCL có xu thế thấp dần do yếu tố tự nhiên như tình trạng biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự điều tiết của các hồ chứa ở thượng lưu. 

Mùa lũ ở ĐBSCL thường được gọi là mùa nước nổi, nước lên từ từ vì có ba túi nước tự nhiên điều hòa cho khu vực này mà khi nước về sẽ được tạm trữ vào đó. Đến mùa khô, khi những dòng chính yếu đi, nước từ ba vùng tạm trữ này sẽ bổ sung cho dòng chính đẩy mặn. Ba túi nước đó chính là hồ Tonlé Sap (Campuchia), vùng Đồng Tháp Mười phía tả ngạn sông Tiền, vùng tứ giác Long Xuyên hữu ngạn sông Hậu. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến 2012, rất nhiều vùng ngập trung bình và vùng ngập sâu đã được các tỉnh đắp đê bao để kiểm soát lũ nhằm sản xuất vụ thu đông, khiến khả năng trữ lũ của ĐBSCL giảm chỉ còn một nửa so với trước đây.

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT đang gấp rút triển khai các giải pháp, phát triển sinh kế bền vững cho người dân bằng cách nhân rộng các mô hình thích ứng mới, có hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Đồng thời đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi để hướng tới chủ động điều tiết nguồn nước, kiểm soát nước để gia tăng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Trẻ em liều mình qua sông tìm chữ

Cũng tại huyện An Phú, khi lũ đã về trên các con sông vùng thượng nguồn sông Hậu cũng là bao nỗi lo của người dân khi phải giao phó con em mình cho dòng nước dữ lúc đến trường. Hiện bên kia con sông Bình Di (chảy qua bảy xã biên giới của huyện An Phú), hơn 1.200 em học sinh cũng vất vả không kém cha mẹ khi phải tự bơi xuồng trên con nước chảy xiết để đi học.

Trong bảy xã biên giới của huyện An Phú thì xã Khánh An là nơi có lượng học sinh sống ở phía bên kia sông Bình Di về học tập nhiều nhất. Nơi đây mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 850 học sinh đủ các lứa tuổi từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học đến THCS. Bà Lê Thị Hải, một Việt kiều sống ở xã Pẹcchạy, huyện KoThom, Campuchia, cho biết: “Do mùa lũ về muộn, trái với kỳ nghỉ hè nên năm nay không thể đưa các con theo ra đồng được. Buổi sáng, các gia đình thường tập trung đưa các con qua sông. Nhưng lo nhất là lúc các con đi học về không ai rước vì cha mẹ phải bận đi kiếm tiền mưu sinh. Gia đình nào rảnh rỗi đi rước con thì mình gửi rước giùm, dù khó nhọc nhưng phải cho các con đến trường tìm chữ. Chỉ mong lũ về sớm hơn để cha mẹ và bọn trẻ bớt nhọc nhằn”.

Ông Võ Phúc Đa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Khánh An, trải lòng: “Lần theo các con đường mòn ngập nước ven sông trong mùa lũ mới thấy hết được cảnh nhọc nhằn tìm chữ của con em người dân nơi đây. Có em cũng tự trang bị cho mình áo phao trước khi qua sông nhưng đa số thì không mặc áo phao. Trong số 1.200 em từ xã biên giới về đây học tập thì hầu hết các em bị hạn chế tiếng Việt do phải sống trong cộng đồng người Khmer, Chăm nên được giáo viên quan tâm sát sao. Vì thế mà đa số đều ham học và có nhiều em là học sinh giỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm