Lũ ở miền Tây sẽ diễn biến thất thường

Ngày 21-9, báo Tuổi Trẻ (Văn phòng tại Cần Thơ) tổ chức tọa đàm “Ứng phó ra sao khi lũ không về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học cùng cho rằng không thể nói lũ không về nữa mà diễn biến thất thường, không ai biết trước cụ thể sắp tới sẽ như thế nào. Thực tế chỉ cho thấy năm 2016 lũ về chậm hơn so với bình thường cũng giống như năm 2015.

nguyễn hữu thiên

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, khuyến cáo không nên mở rộng sản xuất lúa vụ ba để phục hồi không gian tích trữ nước lũ. Ảnh: N.NAM

Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết năm 2015 mực nước lũ đạt thấp nhất đã gây ra hậu quả là năm 2016 thiếu nước, đời sống người dân khó khăn, nhiễm mặn… vùng cao thiếu nước sinh hoạt. Nếu năm 2016 không có lũ thì năm 2017 tiếp tục khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân phụ thuộc vào nguồn nước này tiếp tục bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trước tình hình này thì tỉnh An Giang cũng đã có những kế hoạch dự phòng.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái khu vực ĐBSCL, đưa ra kiến nghị là không nên lấy hiện tượng tiêu cực của năm nay làm chuẩn cho chiến lược lâu dài. Với diễn biến như hiện nay, ông Thiện cho rằng diễn biến lũ sẽ có xu hướng thất thường.

Theo ông Thiện, hiện tượng năm nay là sự kiện cực đoan hiếm xảy ra, ít nhất là 90 năm mới có một lần, chưa khẳng định đây là khuynh hướng… Đồng thời ông Thiện cũng kiến nghị là nên giảm bớt lúa vụ ba (hay nói cách khác là không mở rộng thêm diện tích lúa vụ ba nữa) để phục hồi không gian trữ lũ và tiết kiệm dinh dưỡng của đất.

Cùng quan điểm, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), khẳng định không ai dự báo được lũ năm tới như thế nào, giống như không quốc gia nào đoán trước được đường đi của bão trước một tuần. Tuy nhiên, có thể nhận định rằng khoảng cách lũ lớn và lũ nhỏ ngày càng lớn, tức là nó sẽ thất thường chứ không còn mang tính quy luật nữa.

TS Dương Văn Ni, giảng viên khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết trong lịch sử đã từng ghi nhận đã có lúc dòng sông Mekong cạn trơ đáy và cũng có những năm nước lũ cực lớn nên đã cuốn theo cả những cục đá lớn về ĐBSCL. Tuy nhiên, ở tầm nhà nước, cần thuyết phục được nước bạn Lào không xây hết 11 đập thủy điện trên dòng Mekong nữa vì đây là mối nguy hại trực tiếp đến ĐBSCL.

Các ý kiến đều thống nhất tình hình lũ năm nay về muộn là một hiện tượng đáng để các nhà khoa học, quản lý nhà nước phải lưu tâm để đưa ra các cảnh báo cũng như phương hướng ứng phó phù hợp. Tuy nhiên, trước mắt không nên sa đà vào việc trồng cây gì, nuôi con gì hay làm những công trình quá lớn gây lãng phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm