Mới đây, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa hai người hàng xóm là ông NSN và bà LTV (cùng ngụ xã Đông Anh, huyện Đông Sơn) do bà V. kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Đông Sơn.
Không bị khởi tố
Trước đó, trong đơn khởi kiện ông N. trình bày: Khoảng 15 giờ ngày 29-12-2015, ông nhờ một người quen ở cùng xã đến chặt giùm cây hoa phượng mọc bên cạnh tường rào giáp ranh giữa vườn nhà ông và vườn nhà bà V.
Khi cưa đổ cây, một số cành phượng bị rơi vào vườn nhà bà V. Bà V. cầm dao đi ra vườn nhà mình chặt các cành cây phượng gãy ném sang vườn nhà ông N. Sau đó bà V. chạy sang vườn nhà ông N. vung dao chặt… cây hoa sữa. Ông N. từ trong nhà mình chạy ra giật dao, vứt ra ngoài đường thì bà V. ra nhặt dao rồi đi về.
Một lúc sau, bà V. lại sang vườn nhà ông N. chặt tiếp cây hoa sữa. Ông N. chạy ra xem sao thì bị bà V. quay lại vung dao chém. Ông N. giơ tay trái đỡ thì bị chém làm đứt gân và các mạch máu. Sau đó gia đình ông N. phải thuê xe đưa ông xuống BV đa khoa Phúc Thịnh để sơ cứu vết thương và điều trị từ ngày 29-12-2015 đến 13-1-2016.
Ông N. làm đơn yêu cầu xử lý hình sự bà V. Theo kết luận giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh Thanh Hóa, tỉ lệ tổn thương cơ thể của ông do thương tích gây ra là 8%. Tuy nhiên, làm việc với Công an huyện Đông Sơn, bà V. phủ nhận việc cố ý chém ông N., nói do hai bên giằng co con dao nên ông N. mới bị thương.
Công an huyện Đông Sơn xác định bà V. có hành vi vô ý gây thương tích cho ông N. nhưng chưa đến mức xử lý hình sự nên tháng 4-2016 đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính bà V. 2,5 triệu đồng. Sau đó, ông N. khởi kiện yêu cầu bà V. bồi thường tổng cộng các khoản là gần 60 triệu đồng.
Phải bồi thường
Tại bản tự khai cũng như trong quá trình TAND huyện Đông Sơn giải quyết án, bà V. trình bày: Ngày hôm đó giữa bà và ông N. có sự giằng co dao với nhau dẫn đến việc ông N. bị thương theo bệnh án. Nay ông N. yêu cầu bồi thường, bà không chấp nhận vì cho rằng vết thương của ông N. không phải do bà gây ra mà do lỗi hoàn toàn của ông N.
Tháng 4-2018, TAND huyện Đông Sơn xử sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông N., buộc bà V. phải bồi thường cho ông N. hơn 15 triệu đồng.
Sau đó bà V. kháng cáo, cho rằng do ông N. chủ động giằng giật dao trên tay bà nên mới bị lưỡi dao cứa đứt tay, chảy máu. Thương tích trên tay ông N. là do ông tự gây ra nên bà không chấp nhận bồi thường.
Mới đây, xử phúc thẩm vụ án, TAND tỉnh Thanh Hóa nhận định: Từ các tài liệu, chứng cứ liên quan đủ cơ sở xác định lúc hai bên giằng co con dao, bà V. cầm phần cán, ông N. cầm phần lưỡi dao. Khi ông N. giằng dao gần tuột, bà V. dùng hai tay để giữ, sau đó giật dao khỏi tay ông N. nên đã gây thương tích cho ông N. Do vậy, bản án sơ thẩm buộc bà V. phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho ông N. là có căn cứ, đúng pháp luật.
Từ đó HĐXX đã tuyên bác kháng cáo của bà V., giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vô ý gây thương tích, khi nào bị khởi tố? Theo điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Theo khoản 1 Điều 108 bộ luật trên, người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trong vụ án này, bà V. không bị khởi tố vì cơ quan công an xác định bà chỉ có hành vi vô ý gây thương tích cho ông N. nhưng tỉ lệ tổn thương cơ thể của ông N. chỉ có 8% nên chưa đến mức xử lý hình sự. |