Sáng 14-11, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Nghĩa (cựu trưởng phòng TN&MT huyện Long Thành) cùng các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến sai phạm đất đai tại xã Bình Sơn.
Các bị cáo cùng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Nguyễn Văn Bế (cán bộ địa chính xây dựng xã), Trần Quốc Tuấn (cựu chủ tịch UBND xã Bình Sơn), Nguyễn Quang Thảo (cựu tổ trưởng Tổ đăng ký thống kê, Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Long Thành), Bùi Văn Hồng (cựu cán bộ đo đạc), Trần Quốc Đạt (cựu phó giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Long Thành) và Dương Thị Duyên (cựu chuyên viên Phòng TN&MT huyện Long Thành).
Theo cáo trạng của VKS cáo buộc tháng 3-2017, bà Lê Thị Tho (52 tuổi) và bà Nguyễn Thị Loan (67 tuổi) nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hai thửa đất 2,5 ha tại xã Bình Sơn.
Đây là đất công do UBND xã Bình Sơn đang quản lý nhưng các bị cáo trên đã thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ, tham mưu cho UBND huyện Long Thành ký cấp giấy chứng nhận lần đầu vào năm 2017 đối với hai thửa đất trên trái quy định pháp luật.
Hậu quả của những sai phạm trên đã làm cho Nhà nước bị mất quyền quản lý, sử dụng đối với hai thửa đất trên với tổng giá trị hơn 18,1 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Bế cho rằng không quen biết với bà Loan và bà Tho. Bị cáo thấy hai người này nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) viết chữ khó đọc nên đánh đơn giúp.
Bị cáo Bế cho biết nội dung đơn xin cấp giấy hai người này kê khai đất canh tác 1991 trồng mì. Vì thủ tục cấp giấy lần đầu không có thổ cư nên bị cáo chỉ kiểm tra xem đất có phải đất công hay không.
“Vậy trong hồ sơ trong đơn có xác nhận sử dụng đất từ 1975 thế nào?”, HĐXX hỏi? Bị cáo Bế nói “không biết cái đó”.
Hai người dân được cấp đất khai tại tòa từ năm 1991 đã trồng mì và là người viết đơn xin cấp sổ hồng.
HĐXX hỏi: "Trong hồ sơ xin cấp sổ hồng theo kết luận giám định có nhiều chữ ký trong bộ hồ sơ không phải của hai bà, tại sao có chữ ký của người khác trong hồ sơ xin cấp giấy và hai bà không phải là người nộp hồ sơ, chữ ký đó của ai".
Bà Tho và bà Loan trả lời:“ Cái đó thì chúng tôi không biết”. HĐXX cho biết sẽ xem xét nội dung này sau.
Bà Tho và bà Loan khai trước khi làm thủ tục cấp xin cấp sổ hồng thì có ông Nguyễn Thanh Hoàng và người tên Phúc nói có đất gần đó có ý định muốn mua với giá 500 triệu đồng một sào. Tuy nhiên khi nào có sổ hồng mới mua
Qua lại phần xét hỏi bị cáo Bế, bị cáo sau khi nhận đơn đề nghị cấp giấy và bản vẽ của người dân thấy đất phù hợp quy hoạch và sử dụng đất nên đủ điều kiện cấp giấy. Quy hoạch sử dụng xã 2010 toàn bộ đất này đất cây xanh và đất ở và sổ mộc kê 2011 đất này hộ gia đình cá nhân đang sử dụng trên đất đất.
“Năm 2013, bị cáo chuyển về làm địa chính xã được bàn giao hai thửa đất này không phải nằm đất công, đất không tranh chấp. Bị cáo chỉ quản lý sổ mộc kê cuối cùng là 2011 để xác định nguồn gốc đất tham mưu chủ tịch xã ký tờ trình cấp giấy. Vì vậy, nếu căn cứ theo Điều 101 Luật đất đai 2013 thì các thủ tục như vậy là đúng”- bị cáo Bế trình bày.
Cũng theo bị cáo Bế, năm 2006 đoàn thanh tra tỉnh về kiểm tra đất công trên địa bàn cũng không đưa thửa đất này vào đất công.
Tại phiên tòa, HĐXX triệu tập nhiều người nguyên là lãnh đạo, cán bộ xã Bình Sơn thời kỳ trước để có thông tin khách quan. Những người này cho biết nguồn gốc trước kia thuộc đất lâm nghiệp trồng tràm. Sau đó, diện tích đất này nằm trong phần đất sử dụng làm khu công nghiệp, không còn nằm trong diện tích đất công do xã quản lý.
Tuy nhiên, khu công nghiệp không lấy hết đất nên bỏ trống. Vì vậy, từ năm 2005, người dân trồng mì. Còn bà Tho, bà Loan không phải người địa phương nhưng mọi người cũng không biết hai bà này có trồng mì ở đây hay không.