Ngày 8-9, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ “chai nước có ruồi”. Gia đình bị cáo Võ Văn Minh có mặt từ sáng sớm, mua sẵn cho bị cáo một trái dừa và mấy ổ bánh mì, quà vặt. Được cảnh sát dẫn giải tới tòa, Minh nhìn gầy, đen và có vẻ buồn hơn các phiên xử trước.
“Kêu oan thì không giảm án”
Như chúng tôi đã thông tin, chiều 27-1-2015, trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45, Công an tỉnh Tiền Giang) bắt quả tang Minh (chủ quán cơm) đang nhận 500 triệu đồng từ nhân viên Công ty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát. Minh khai nhận cuối tháng 12-2014, lúc đem một chai nước ngọt hiệu Number One bán cho khách, Minh phát hiện có con ruồi trong chai nên gọi điện thoại báo công ty. Sau đó, Minh yêu cầu công ty đưa 1 tỉ đồng nếu không sẽ phát tờ rơi, cung cấp thông tin cho báo chí đăng. Sau nhiều lần thương lượng, công ty đồng ý đưa cho Minh 500 triệu đồng và trình báo công an... Cuối năm 2015, TAND tỉnh Tiền Giang đã phạt Minh bảy năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Sau đó, Minh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm hôm qua, Minh lại chỉ kêu oan, cho rằng đây chỉ là giao dịch dân sự giữa Minh và Tân Hiệp Phát.
Phát biểu quan điểm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận định bản án sơ thẩm phạt Minh bảy năm tù là có căn cứ và đã rất chiếu cố. Đúng ra tại phiên tòa này, kiểm sát viên (KSV) sẽ căn cứ vào BLHS 2015 để đề nghị HĐXX giảm cho bị cáo từ hai đến ba năm tù vì nhân thân bị cáo tốt. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo lại kêu oan nên KSV đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan và y án sơ thẩm.
Tranh luận, luật sư (LS) Phạm Công Hùng (một trong sáu LS bảo vệ Minh) phản đối: “Giảm án hay không phải có căn cứ pháp luật. Làm gì có chuyện kêu oan thì không được áp dụng các tình tiết có lợi cho bị cáo”. Đồng tình, một LS khác của Minh là Nguyễn Tấn Thi cho rằng bị cáo đã khai nhận rất rõ sự thật, không quanh co chối tội... Việc bị cáo kêu oan là hợp lý. Đây không phải là lý do làm mất đi quyền được giảm án của bị cáo.
Bị cáo Minh bị dẫn giải ra xe về trại giam sau phiên xử. Ảnh: H.GIANG
Tranh luận căng thẳng
Các LS của Minh đều thống nhất quan điểm bào chữa xuyên suốt là đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì việc buộc tội không thuyết phục, không thể xử một con người khi chưa có cơ sở vững chắc. Các LS đưa ra nhiều lập luận chứng minh đây là giao dịch dân sự, phù hợp với Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các LS cũng yêu cầu HĐXX xem xét tình tiết Tân Hiệp Phát “cố tình gài bẫy, phối hợp với công an đẩy bị cáo vào vòng lao lý”. Công ty này giải quyết sự việc rất bài bản và đã có nhiều kinh nghiệm nên không thể có tâm lý lo sợ. Trong khi đó, bị cáo không ý thức được mình đang phạm tội mà chỉ xem đây là cuộc mua bán, ngã giá. Mặt khác, quá trình điều tra có vi phạm tố tụng nghiêm trọng như điều tra viên hỏi cung bị cáo lại cho LS của Tân Hiệp Phát tham dự. Hành trình của chai nước ngọt trước khi đưa đi giám định có nhiều “bí ẩn”...
Đối đáp, KSV tiếp tục khẳng định bị cáo đã phạm tội. Nói về vấn đề “kêu oan thì không giảm án”, KSV cho rằng KSV và LS đều có quyền đưa ra quan điểm, còn quyền quyết định là của HĐXX. Về việc bị cáo có quyền thương lượng với nhà sản xuất hay không, KSV cho rằng bị cáo không phải là người tiêu dùng, cũng không phải là nhà phân phối sản phẩm vì chị của bị cáo mới là người kinh doanh, bị cáo là người nắm được cơ hội khi phát hiện chai nước nên không có quyền thương lượng...
KSV cũng nhận định việc bắt quả tang bị cáo là nghiệp vụ của CQĐT, Tân Hiệp Phát không có lỗi. Về tố tụng, KSV nói quá trình điều tra, CQĐT có những sai sót nhưng không phải là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, chưa vi phạm điều cấm của pháp luật nên VKS chỉ kiến nghị đề nghị rút kinh nghiệm trong ngành...
Tòa: “Bị cáo đe dọa về tinh thần”
Nói lời sau cùng, Minh vẫn kêu oan. Sau năm phút nghị án, HĐXX nhận định: Lập luận bào chữa của các LS không có cơ sở vì bị cáo biết rõ việc tung tin chai nước giải khát có ruồi sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Tân Hiệp Phát. Bản thân bị cáo không đe dọa dùng vũ lực nhưng đe dọa về tinh thần đối với phía công ty để đòi tiền. Hành vi này đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Về vi phạm tố tụng, các LS không chỉ ra được điều khoản cụ thể. Vi phạm nếu có cũng không làm thay đổi nội dung của vụ án. Bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội. Tại phiên tòa, bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan, không kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX quyết định không giảm hình phạt cho bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Phiên tòa khép lại. Mẹ Minh nước mắt lã chã: “Trước khi đi tôi đã đốt nhang vái ông bà ơn trên phù hộ xin cho thằng Minh nó về với tôi mà”. Cha Minh cố cười chào cảm ơn các LS mà ánh mắt buồn bã hằn trên gương mặt khắc khổ: “Trời ơi bảy năm, biết tôi có chờ nổi nó không?”. Một LS an ủi: “Ông bà cố gắng động viên em Minh, kêu oan là không có giới hạn thời gian, mình có quyền hy vọng”.
Minh bị dẫn giải ra xe chở phạm, người nhà bồng đứa con nhỏ bốn tuổi chạy theo xin cho con gặp cha. Minh được cảnh sát dẫn giải thương tình cho ôm đứa nhỏ một phút. Từ xa, tiếng của bà nội đứa nhỏ vọng tới tai nhiều PV: “Cháu tôi còn đi học, các anh đừng chụp nữa”...
HĐXX không hỏi đại diện Tân Hiệp Phát Suốt quá trình tranh luận, HĐXX không hề hỏi đại diện Tân Hiệp Phát có ý kiến gì về vụ án. Trong lúc nghị án, trả lời PV, đại diện công ty này nói nếu được tòa hỏi thì sẽ xin giảm án cho bị cáo. Trước khi phiên tòa được mở, công ty đã nộp văn bản đề nghị tòa giảm hình phạt cho bị cáo, được thư ký tòa ký nhận rõ ràng. Trước thông tin chủ tọa không biết gì về văn bản đó và trong suốt phiên tòa cũng không nhắc gì đến, công ty vừa nộp thêm một văn bản khác xin giảm hình phạt cho bị cáo. |