Vụ chánh án Ninh Phước tự tử: Nữ thư ký tòa nói về quyết định đình chỉ bị can

(PLO)- Nữ thư ký TAND huyện Ninh Phước chia sẻ việc mang thân phận bị can khiến bà mất đi cơ hội trong công việc và ảnh hưởng lớn đến uy tín, sức khỏe.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-12, trao đổi với PLO, bà Quảng Thị Thái Bình, thư ký TAND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết sẽ không khiếu nại quyết định đình chỉ bị can của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đối với bà.

ninh phước.jpg
Nữ thư ký TAND huyện Ninh Phước được đình chỉ điều tra bị can. Ảnh: PN

Tuy nhiên, bà Bình cho rằng Cơ quan điều tra VKSND Tối cao không bám vào quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là bà không sai để đình chỉ. Đồng thời, cơ quan điều tra cho rằng lý do đình chỉ là “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” là quan điểm, lập luận riêng.

Ngoài ra, bà Bình cho rằng quyết định đình chỉ nêu lý do bị can là người dân tộc thiểu số, có nhân thân tốt là không đúng quy định pháp luật. Người này cho rằng cơ quan điều tra đưa vào để lập luận cho suôn sẻ, bảo vệ ý kiến riêng.

“Người dân tộc thiểu số và nhân thân tốt không phải là điều kiện để đình chỉ bị can. Chèn điều này vào quyết định thấy vô lý”- bà Bình nói.

Về việc mang thân phận bị can thời gian qua, nữ thư ký tòa chia sẻ vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín khi công tác trong cơ quan tòa án. Bên cạnh đó, bà Bình cũng hai năm liền mất cơ hội đi thi thẩm phán.

Đặc biệt, vụ việc ảnh hưởng rất lớn đối uy tín của bà với cộng đồng người Chăm. “Uy tín của mình bị ảnh hưởng với cộng đồng rất nghiêm trọng. Nó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, phải đi điều trị nhiều lần do suy nghĩ nhiều”- nữ thư ký TAND huyện Ninh Phước chia sẻ.

Với những ảnh hưởng trên, bà Bình cho biết sẽ nghiên cứu quy định pháp luật về việc bồi thường. “Mình không khiếu nại quyết định đình chỉ nhưng nghiên cứu lại Luật Bồi thường Nhà nước khi vụ án được đình chỉ, oan sai. Nhưng tạm thời đình chỉ bị can thì cảm thấy vơi đi bớt căng thẳng”- bà Bình chia sẻ.

Ngày 12-12, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Bình. Trước đó, tháng 12-2021, bà Bình bị Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố bị can về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Lý do đình chỉ là bà Bình chỉ là thư ký giúp việc cho thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án dân sự; do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; bị can là người dân tộc thiểu số, có nhân thân tốt.

Cơ quan điều tra đã hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đang áp dụng đối với bà Bình là lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và trả lại cho bà những tài sản đã bị tạm giữ.

Tóm lược quá trình giải quyết vụ án dân sự

Theo hồ sơ vụ án, tại quyết định số 14/2017/QĐST-DS ngày 27-6-2017 TAND huyện Ninh Phước công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau: nguyên đơn bà Viên Thị Thanh Loan yêu cầu bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, ông Nguyễn Quốc Hoàng phải trả số nợ gốc là 2,9 tỉ đồng cho bà Loan và bà Loan không yêu cầu tính lãi. Bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, ông Nguyễn Quốc Hoàng đồng ý trả nợ gốc là 2,9 tỉ đồng cho bà Viên Thị Thanh Loan.

Ngày 16-3-2021, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định tái thẩm, chấp nhận kháng nghị tái thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2017/ của TAND huyện Ninh Phước.

Ngày 29-3-2022, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm hủy quyết định tái thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, giữ nguyên quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2017/QĐST-DS ngày 27-6-2017 của TAND huyện Ninh Phước.

Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao được xem là động thái minh oan cho thẩm phán, Chánh án Chánh án TAND huyện Ninh Phước Hán Văn Nhuận.

TAND Tối cao nhận định, việc thẩm phán Nhuận giao cho thư ký Bình tiến hành viên họp công khai chứng cứ, hòa giải, lấy lời khai giữa các đương sự là chưa đúng quy định của BLTTDS, nhưng vi phạm này không làm sai lệch hồ sơ vụ án, không làm thay đổi cơ bản nội dung của vụ án. Vì vậy, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị tái thẩm đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là không có căn cứ.

Đồng thời, TAND Tối cao cho rằng không có việc thư ký Bình lập khống biên bản hòa giải, biên bản hòa giải thành ngày 19-6-2017 mà việc lập biên bản hòa giải ngày 19-6-2017 bắt nguồn từ việc thư ký Quảng Thị Thái Bình lập từ ngày 16-6-2017, nội dung như lời trình bày của bà Loan, bà Oanh tại bản tự khai của bà Loan đề ngày 12-6-2017, bản tự khai của bà Oanh đề ngày 16/6/2017.

Thời điểm đó bà Loan, bà Oanh cùng có mặt và đã ký biên bản hòa giải, biên bản hòa giải thành nhưng Thư ký Quảng Thị Thái Bình chưa đề ngày. Đến ngày 19-6-2017, thư ký Quảng Thị Thái Bình lấy lời khai của ông Hoàng và lập biên bản hòa giải, Biên bản hòa giải thành trên cơ sở đã có ý kiến của bà Loan, bà Oanh và thư ký Quảng Thị Thái Bình đề ngày 19-6-2017 tại biên bản hòa giải, biên bản hòa giải thành.

Ông Hoàng đã được đọc nội dung bà Loan, bà Oanh đã thỏa thuận trước đó và có ý kiến, thư ký tiếp tục ghi ý kiến của ông Hoàng vào biên bản, sau đó ông Hoàng đã ký biên bản hòa giải, Biên bản hòa giải thành và không có ý kiến phản đối nội dung các đương sự đã trình bày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm