Ông Xuyền cho rằng: Nếu hành vi cướp bánh mì do các bị cáo quá đói thì có thể áp dụng khung hình phạt nhẹ nhất. “Chúng ta cứ nói xử mức án như thế để răn đe là không phải, mà xử căn cứ đúng mức độ hậu quả và hành vi phạm tội gây ra”.
Ông Xuyền nói thêm: “Tôi chưa có điều kiện xem xét cụ thể vụ án này nhưng cũng thấy dư luận xử nặng. Mức án nặng hay nhẹ tôi chưa thể khẳng định được nhưng khi có dư luận, chánh án TAND Tối cao có chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, kể cả không có dư luận nhưng nếu một vụ án có vấn đề thì cũng cần chỉ đạo xem xét lại, theo quy trình từ cấp xét xử sơ thẩm lên phúc thẩm và giám đốc thẩm”.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền: "Xử án không phải là để răn đe, mà phải đúng pháp luật". Ảnh: CHÂN LUẬN
Trước đó, ngày 25-7, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giao TAND TP.HCM khẩn trương kiểm tra để xác định: Nếu có kháng cáo của các bị cáo, người đại diện hợp pháp của các bị cáo, người bào chữa cho các bị cáo hoặc có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của VKSND TP.HCM đối với bản án sơ thẩm thì TAND TP.HCM thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Khi xét xử phúc thẩm vụ án, tòa án cấp phúc thẩm cần nghiên cứu kỹ quy định của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để quyết định áp dụng nguyên tắc, biện pháp xử lý đối với các bị cáo Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giao chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM rút hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Xuyền cho hay: Cần phải xem xét điều kiện, hoàn cảnh xảy ra vụ án và tình hình địa phương mà có ý kiến khác nhau về mức án nhưng trên tất cả là phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, để bị can, bị cáo “tâm phục khẩu phục”; đảm bảo công minh thì mới có ý nghĩa giáo dục.