Vụ cựu CSGT đánh bạc: Trích xuất điện thoại tại tòa có gì?

Chiều 11-10, phiên xử vụ đánh bạc của TAND huyện Tuần Giáo tiếp tục ngày làm việc thứ chín. HĐXX tiến hành thủ tục trích xuất điện thoại cũng như triệu tập thêm người làm chứng để xét hỏi.

Vụ án này có bảy bị cáo bị bắt quả tang vào chiều 6-2. Nhiều bút lục cũng cho thấy công an lập biên bản làm việc với các bị cáo trong khoảng thời gian 2 giờ 40 phút sáng 7-2.

Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Thị Vân, Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Thị Hòa (ba trong số bảy người không nhận tội) khai mình không bị bắt giữ như hồ sơ vụ án thể hiện. Các bị cáo cũng không hề có mặt tại cơ quan công an lúc 2 giờ 40 phút sáng 7-2.

Các bị cáo trong vụ án đánh bạc tại tòa. Ảnh: CLV

Cụ thể, Vân và Việt khai thời điểm này đang ngủ ở nhà, còn Hòa thì đang ngủ ở nhà nghỉ. LS bào chữa cho ba bị cáo cung cấp tới HĐXX các biên bản làm việc với bà Nguyễn Thị Hồng - chủ nhà nghỉ nơi Hòa ngủ qua đêm và Nguyễn Văn Huyền - người cho Việt đi nhờ xe về nhà để chứng minh cho những lời khai trên.

Được triệu tập bổ sung, bà Nguyễn Thị Hồng xác nhận việc rạng sáng 7-2, Hòa có đến nhà nghỉ của mình xin ngủ nhờ, đúng như lời khai của bị cáo. Tương tự, ông Nguyễn Văn Huyền khẳng định khoảng 18 giờ ngày 6-2 (sau khi công an bắt quả tang - PV), ông có cho Việt đi nhờ xe về nhà, đúng như lời Việt khai.

Người thứ ba được tòa triệu tập là ông Vũ Đình Hải, kinh doanh tiệm cầm đồ sát bên cạnh hiện trường vụ đánh bạc. Ông Hải khai cơ quan công an có thu giữ của tiệm một bộ camera và đã trả lại. Tuy nhiên, đối chất ngay tại tòa, cả ĐTV Công an huyện Tuần Giáo và nguyên trưởng Công an thị trấn Tuần giáo đều phủ nhận việc này.

Đáng chú ý, Việt, Vân và Hòa khai rằng công an lập biên bản thu giữ điện thoại ngay sau khi bắt quả tang nhưng thực tế phải đến chiều 7-2 thì điện thoại của họ mới bị thu giữ.

Để làm rõ, HĐXX đã cho trích xuất điện thoại của ba bị cáo, kiểm tra nhật ký cuộc gọi cũng như tin nhắn. Việc trích xuất có sự chứng kiến của đại diện VKS, LS và bị cáo.

Kết quả cho thấy nhật ký cuộc gọi trong điện thoại của Vân không có gì. Điện thoại của Việt có một số cuộc gọi đến vào ngày 7-2 (sau thời điểm công an lập biên bản thu giữ - PV). Điện thoại của Hòa có một số cuộc gọi nhỡ vào ngày 8-2…

Trước đó, HĐXX quyết định tạm ngưng phiên tòa để trích xuất điện thoại và triệu tập thêm người làm chứng. Ảnh: CLV

Trả lời về quy trình bảo quản điện thoại, ông Trương Xuân Hân, nguyên Trưởng Công an thị trấn Tuần Giáo, cho hay sau khi tạm giữ, cán bộ công an không tắt nguồn những chiếc điện thoại. Nếu có cuộc gọi đến thì cũng không ai tác động gì, cứ để đó. Đến 2 giờ 15 sáng 7-2, cơ quan này bàn giao hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Tuần Giáo.

Ngay sau đó, chủ tọa đề nghị đại diện VKS làm rõ hai vấn đề: thứ nhất là lời khai của bà Hồng khẳng định rạng sáng 7-2 bị cáo Hòa có tới nhà nghỉ của mình; thứ hai là tại sao điện thoại của các bị cáo lại có cuộc gọi đến sau khi bị thu giữ.

Vị kiểm sát viên cho rằng vấn đề điện thoại có cuộc gọi đến đã được ông Hân giải thích rõ. Còn về lời khai của bà Hồng, do bà là chị dâu của bị cáo Vân, bị cáo Vân lại gọi bị cáo Hòa là bà nên không khách quan.

Tuy nhiên, chủ tọa nhận định giải thích này thực sự chưa phù hợp, bởi nếu có cuộc gọi đến mà không ai tác động thì nó phải là cuộc gọi nhỡ, thực tế đã có ai đó tác động vào (tắt cuộc gọi - PV) thì mới hiện là cuộc gọi đến. Đại diện VKS cần phải làm rõ có hay không cán bộ  công an đã tác động vào điện thoại của bị cáo khi thấy có cuộc gọi đến.

Kết luận, chủ tọa cho rằng việc có hay không xâm phạm vào điện thoại sau khi bị thu giữ là một nội dung khác, không ảnh hưởng tới việc giải quyết toàn bộ vụ án nên sẽ được xem xét sau.

Quan điểm này lập tức bị các LS phản đối. LS cho rằng chủ tọa không thể nêu quan điểm theo hướng điện thoại bị cán bộ tác động, bởi họ đang chứng minh những chiếc điện thoại này không bị thu giữ vào ngày 6-2, các bị cáo vẫn sử dụng bình thường cho đến chiều 7-2…

Sáng 14-10, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm