Trong vụ người dân đào được hòn đá bán quý canxedon nặng 30 tấn, theo tôi cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông đã vận dụng pháp luật chưa chính xác khi xử phạt, đề xuất xử phạt những người liên quan.
Tài xế: Không phải kinh doanh
Trước hết là việc UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định xử phạt hành chính tài xế Hoàng Văn Nghĩa (người lái xe chở hòn đá đi tiêu thụ) về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với mức phạt 35 triệu đồng theo điểm c khoản 1 và khoản 12 Điều 21 Nghị định 185/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) là chưa đúng.
Để áp dụng quy định này đòi hỏi anh Nghĩa phải có hành vi kinh doanh, trong khi anh Nghĩa chỉ là lái xe vận chuyển thuê.
Thứ nữa, điều luật cũng quy định rõ “phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên”. Vẫn biết bằng trực quan, cảm tính, chúng ta có thể đoán rằng hòn đá này có giá trị hơn 100 triệu đồng nhưng để ra quyết định xử phạt, UBND tỉnh Đắk Nông bắt buộc phải tiến hành định giá hòn đá.
Hòn đá lúc bị bắt giữ. Ảnh: Đ.DŨNG
Chủ rẫy, chủ máy múc: Không khai thác khoáng sản
Tiếp đó là đề xuất của Công an tỉnh Đắk Nông phạt ông Nguyễn Chí Thanh (chủ rẫy) và ông Trương Quốc Hảo (chủ máy múc) mỗi người từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản trái phép (không có giấy phép khai thác khoáng sản) theo điểm d khoản 3 Điều 37 Nghị định 142/2013 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản).
Đề xuất này vận dụng không đúng quy định của pháp luật. Bởi khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản quy định khai thác khoáng sản là“hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan”. Theo đó, hành vi khai thác khoáng sản là hoạt động có chủ đích nhằm hướng đến việc khai thác khoáng sản. Còn hành vi đào ao, đào móng xây nhà… của người dân không nhằm thu hồi khoáng sản nhưng vô tình phát hiện khoáng sản thì pháp luật về khoáng sản không liệt vào dạng hành vi khai thác khoáng sản.
Như vậy, hành vi của ông Thanh và ông Hảo không phải là khai thác khoáng sản nên không thuộc hành vi phạm vi điều chỉnh của Nghị định 142/2013.
Chỉ vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép
Vậy hành vi của tài xế Nghĩa, ông Thanh và ông Hảo là vi phạm gì? Có thể xử lý theo quy định nào?
Theo tôi, tài xế Nghĩa có hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép, ông Thanh và ông Hảo có hành vi mua bán khoáng sản trái phép. Hiện nay pháp luật về khoáng sản không còn điều chỉnh các loại hành vi này nữa. Theo hướng dẫn của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, việc quản lý hoạt động mua bán, tiêu thụ, vận chuyển khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật thương mại và quản lý thị trường.
Ở đây, các cơ quan chức năng có thể vận dụng Điều 10 Nghị định 185/2013 để xem xét xử lý tài xế Nghĩa về hành vi vận chuyển hàng cấm, ông Thanh và ông Hảo về hành vi buôn bán hàng cấm. Tuy nhiên, điều kiện đầu tiên là phải có kết quả giám định của cơ quan chức năng chuyên môn kết luận rõ rằng hòn đá đó là hàng cấm (hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 185/2013), đồng thời phải có kết quả định giá hòn đá.
Trong vụ này điều làm tôi suy nghĩ đó là thực tế có mấy ai rành rẽ quy định của pháp luật đối với hòn đá tình cờ đào được, nhặt được trong vườn nhà mình? Ông Thanh, ông Hảo không đúng khi chính quyền xã đã lập biên bản mà còn mua bán, thuê người vận chuyển hòn đá đi. Nhưng có cần “động chút là phạt” hay chỉ cần nhắc nhở, cảnh cáo họ là đủ, trong bối cảnh người dân cả xã đó vẫn thường xuyên lượm, nhặt, mua bán loại đá này mà không bị xử lý? Việc họ vô tình phát hiện ra tảng đá đẹp, cho đến nay là điều đáng mừng vì người dân sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng tại bảo tàng như dự kiến. Do đó thay vì xử phạt, nên chăng cơ quan chức năng cần giải thích, tuyên truyền để không chỉ những người liên quan mà người dân trong vùng cũng hiểu hơn về quy định của pháp luật.
ThS VŨ THỊ BÍCH HƯỜNG, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM
“Đề xuất phạt khắc nghiệt quá”! Trong vụ việc này, các hành vi chiếm hữu, mua bán, vận chuyển trái phép khoáng sản đều rõ. Còn nói đây là việc khai thác khoáng sản trái phép thì chưa đúng lắm nhưng cũng không hẳn là sai, có thể còn tranh cãi bởi có việc dùng máy móc đưa hòn đá lên. Việc người dân tìm thấy hòn đá lớn, có giá trị như vậy không phải là phổ biến, chỉ là trường hợp cá biệt. Cơ quan chức năng đề xuất mức phạt như vậy có vẻ khắc nghiệt quá. Tôi nghĩ xử lý vụ việc này cần xem đến yếu tố là người chủ vườn có công phát hiện hòn đá. Nếu không thì cơ quan nhà nước sẽ không biết được rằng ở đó có một hòn đá có giá trị như thế. Trường hợp người dân thấy hòn đá, tưởng không có giá trị gì mà phá đi thì hòn đá quý cũng không còn. Như vậy, họ không vi phạm vì không khai thác nhưng lại lãng phí tài nguyên. Xử lý vụ việc này nên nhân văn! Quan trọng nhất là làm sao để việc quản lý được tốt hơn mà người dân cũng ý thức được vi phạm. Ông HOÀNG VĂN KHOA, Vụ trưởng Vụ Khoáng sản - |