Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Nông cũng đề xuất xử phạt tài xế Hoàng Văn Nghĩa (TP Buôn Ma Thuột) 35 triệu đồng về hành vi vận chuyển đá đi tiêu thụ. Các ông Nguyễn Chí Thanh, Trương Quốc Hảo (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) cũng bị đề xuất phạt 550 triệu đồng/người do có hành vi khai thác đá trái phép.
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 10-2, ông Thanh (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) trong quá trình đào hồ tưới nước tại rẫy thì phát hiện hòn đá bán quý canxedon nặng gần 30 tấn. Theo lời ông Thanh, bấy giờ ông Hảo là chủ máy múc đã thỏa thuận đưa cho ông 70 triệu đồng để được tự khai thác hòn đá này nhưng sau đó thì chính quyền xã Đắk Gằn đã cử lực lượng xuống lập biên bản, canh giữ hòn đá… Đến tối 11-2, công an phát hiện và bắt giữ xe rơmoóc do tài xế Nghĩa điều khiển đang vận chuyển hòn đá đi tiêu thụ.
Hòn đá bán quý 30 tấn sẽ bị sung công quỹ. Ảnh: ĐẠI DŨNG
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý: Theo Luật Khoáng sản thì khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòngđất, trên mặt đất… Như vậy, các hòn đá kiểu như trên chính là khoáng sản nên người dân buộc phải có cách xử lý chặt chẽ theo đúng quy định của luật này.
Về nguyên tắc, cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trong trường hợp phát hiện diện tích đất đang sử dụng có khoáng sản chưa khai thác thì tổ chức, cá nhân sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ, không được tự ý khai thác. Người có hành vi khai thác các loại khoáng sản (không phải khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định) mà không có giấy phép có thể bị xử phạt 500-600 triệu đồng theo khoản 3d Điều 37 Nghị định 142/2013 của Chính phủ. “Nếu các cá nhân liên quan không có tình tiết giảm nhẹ lẫn tình tiết tăng nặng thì việc công an tỉnh đề xuất mức tiền phạt cụ thể là mức trung bình của khung tiền phạt là đúng quy định” - luật sư Hoan nói.
ĐẠI DŨNG - TT