Nguồn tin từ Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết doanh nghiệp (DN) của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986) vẫn chưa có bất kỳ động thái nào về việc góp đủ vốn cho DN của mình.
“Cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) sẽ đề nghị DN báo cáo lý do và DN có quyền phản hồi lại. Nếu không góp đủ vốn, chúng tôi sẽ tiến hành các bước xử lý theo luật định” - nguồn tin cho hay.
Được biết, hết ngày 18-8 là đến hạn mà DN của ông Quốc Anh phải nộp đủ số vốn điều lệ (VĐL) 500.000 tỉ đồng (tương đương 21,7 tỉ USD) cho Công ty CP tập đoàn đầu tư công nghệ tự động toàn cầu và Công ty CP tập đoàn kinh doanh tự động toàn cầu (VĐL 25 ngàn tỉ đồng). Hai DN này đăng ký lần đầu vào ngày 20-5.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng. Ảnh: MINH CHUNG/ Sở KH&ĐT TP.HCM cung cấp
Khi trả lời câu hỏi làm sao để có đủ tiền góp vốn như đã đăng ký, ông Quốc Anh từng nói: “Còn số tiền hơn 21,7 tỉ USD, với tôi chỉ là con số khiêm tốn, nên không có vấn đề gì. Việt Nam sẽ có hơn 1,4 triệu DN, tập đoàn tôi có cả một rổ sản phẩm, tới chào DN, doanh nghiệp nào cũng khó khăn, bèo bèo mỗi DN cũng chọn sử dụng mỗi tháng một sản phẩm. Số tiền thu về rất là khủng. Chưa kể tôi còn làm việc với các quốc gia khác, tập đoàn sẽ đẩy sản phẩm sang các quốc gia khác để bán nữa”.
Ngày 15-6, ông Quốc Anh cũng đã live stream trên mạng xã hội và cho rằng mình không nổ, không PR bản thân.
Theo TS Bùi Thị Hằng Nga (Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), hiểu một cách đơn giản thì VĐL do chủ sở hữu (CSH), thành viên công ty (TVCT) đã góp hoặc cam kết góp khi làm hồ sơ đăng ký thành lập DN.
Luật Doanh nghiệp quy định cơ quan ĐKKD chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của bộ hồ sơ. Do đó, cơ quan ĐKKD không có quyền yêu cầu người thành lập DN phải có đủ số tiền như đăng ký mới quyết định cấp hay không cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCN ĐKDN).
TS Hằng Nga nói thêm, hết thời gian luật định (thông thường là 90 ngày không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản) mà không góp đủ vốn thì phải đăng ký giảm VĐL.
Hành vi vừa nêu là vi phạm khoản 5 Điều 16 Luật DN do “kê khai khống vốn điều lệ…”. Tuy nhiên, chế tài đối với hành vi này chỉ là phạt hành chính 5-10 triệu đồng theo khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016 (áp dụng đối với cá nhân, tổ chức phạt gấp đôi) và “buộc đăng ký điều chỉnh VĐL…”.
Tới thời điểm hiện tại, chúng ta có thể khẳng định không có cổ đông nào góp vốn cho đủ 500.000 tỉ đồng cho DN “siêu to, khổng lồ” này cả.