Vụ Hoàng Công Lương: 'Bị cáo trông chờ vào sự phán xét'

Chiều 14-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình (gọi tắt là BV) bước vào phần xét hỏi. Bị cáo Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV, là người bước lên bục khai báo đầu tiên.
Kiểm tra liên tục, thường xuyên
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc giám sát, thanh tra tại BV, bị cáo Dương khẳng định BV có các quy chế rất ngặt nghèo, trong đó nêu rõ các phó giám đốc có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo định kỳ.
Giữa bị cáo và các phó giám đốc, mối quan hệ vừa là anh em, vừa là cấp trên cấp dưới, do vậy việc báo cáo bằng nhiều hình thức. Ngoài làm việc theo hình thức văn bản giấy tờ, việc trao đổi trực tiếp là vô cùng quan trọng, mỗi ngày có một cuộc giao ban toàn BV bắt buộc, quy trình báo cáo hàng ngày chứ không cần chờ đến quý hay tháng.
Cùng với đó, công tác kiểm tra là hoạt động thường xuyên, liên tục tại BV. Đối với trực tiếp (bị cáo với các phó GĐ, trưởng khoa) thì gần như liên tục, hàng ngày, hàng tuần, nếu có bất cứ diễn biến gì đều có thể kiến nghị. Đối với gián tiếp (nhân viên cấp dưới), bị cáo thường xuyên thông qua lãnh đạo các khoa, phòng để thực hiện quy chế kiểm tra, giám sát của mình, khi có vấn đề thì đề xuất. Cùng đó, ngày nào bị cáo cũng xuống các khoa, phòng để hỏi thăm.
Bị cáo còn tổ chức các đoàn kiểm tra mang tính chính thống gồm lãnh đạo BV, lãnh đạo phòng khoa, không giới hạn thời gian, có khi kéo dài nửa tháng hoặc cả tháng, sau đó tổng hợp, báo cáo lại.
Ngoài ra, hằng năm có hai lần đoàn kiểm tra của Sở Y tế tới làm việc. Qua mỗi một lần kiểm tra, bản thân bị cáo và lãnh đạo BV họp rất tỉ mỉ, giao đến từng bộ phận.
Cựu giám đốc BV cho rằng có những thứ tồn đọng nhưng mang tính khách quan tuyệt đối (cơ sở vật chất) thì không thể khắc phục ngay được. Còn tất cả những khuyến cáo mang tính chuyên môn thì BV ngay lập tức có khắc phục.
Bị cáo Dương cũng cho rằng với một BV tuyến tỉnh gần 14.000 kỹ thuật, đây là một trong những kỹ thuật (lọc thận) mà lãnh đạo BV cùng BV Bạch Mai tâm huyết nhất, nhưng không ngờ rơi vào hoàn cảnh như vậy. Bị cáo không chối bỏ trách nhiệm, ngay sau khi xảy ra đã nói với công luận xin thay mặt BV nhận trách nhiệm.
“Về mặt chủ quan, bị cáo thấy rằng bản thân đã cố gắng làm những việc có thể, những gì còn lại trông chờ vào sự phán xét (của HĐXX)” – bị cáo nói.

Vụ Hoàng Công Lương: 'Bị cáo trông chờ vào sự phán xét' ảnh 1
Bị cáo Trương Quý Dương.

Đã đáp ứng cơ bản điều kiện
HĐXX sau đó tập trung vào các căn cứ thành lập đơn nguyên thận. Về pháp lý, ông Trương Quý Dương “nghĩ rằng cơ bản là đủ”. Ví dụ như kỹ thuật lọc thận là một trong những lý thuật được Bộ Y tế cho phép thực hiện ở nhiều tuyến BV (không chỉ có tỉnh mà còn huyện). BV đã có công văn đề nghị Sở Y tế phê duyệt và được đồng ý. Hơn thế, tại giai đoạn khi đó, Bộ Y tế chủ trương chuyển giao kỹ thuật từ BV tuyến trên xuống BV tuyến dưới.
Về thực tiễn, nhu cầu chạy thận của nhân dân vô cùng lớn, nếu triển khai thì mang lại nhiều lợi ích. Đây cũng là nhu cầu phát triển về chuyên môn. Bị cáo cũng tạo điều kiện cho cán bộ đi tham khảo rất nhiều mô hình, bị cáo thống nhất với lãnh đạo BV thành lập đơn vị như vậy.
Sau khi căn cứ vào các cơ sở trên, BV thống nhất đây là bộ phận thuộc Khoa hồi sức tích cực, thực hiện theo yêu cầu của BV chuyển giao kỹ thuật và quy chế Khoa lọc máu.
Cựu giám đốc BV tiếp tục khẳng định việc thành lập đơn nguyên lọc máu thuộc thẩm quyền của mình. Chỉ khi nào thành lập khoa, phòng mới thì mới phải làm đề án xin ý kiến cấp trên. Còn dưới cấp khoa, phòng thì thuộc thẩm quyền của BV. Về lý thuyết, việc ra quyết định thành lập đơn nguyên là không cần thiết.
Về cơ sở vật chất, bị cáo Dương cho rằng trách nhiệm điều phối con người là do khoa. Trách nhiệm của bị cáo là căn cứ vào đề xuất của khoa và tư vấn của đơn vị chuyển giao công nghệ để bổ sung nếu cần thiết.
“Qua việc trao đổi với đơn vị chuyển giao, bị cáo khẳng định cơ bản là đủ điều kiện. Những yếu tố chưa đáp ứng có thể là cơ sở vật chất hạ tầng; bởi nếu đủ thì đã thành lập thành một khoa riêng, vì không đủ nên chỉ cho hoạt động là một đơn vị thuộc khoa” – bị cáo cho hay. 
HĐXX nhắc đến việc muốn thành lập đơn nguyên thì phải có kỹ sư, kỹ thuật viên? Bị cáo phản đối điều này và nói “không hiểu như vậy”. Bởi theo quy chế Khoa lọc máu, chức danh của BV không có kỹ thuật viên lọc máu mà đây là chỉ nhiệm vụ của kỹ thuật viên. Như vậy, nếu một nhân viên nào được đào tạo về nhiệm vụ này cũng có thể đáp ứng.
“Vậy nhân viên nào đáp ứng đủ điều kiện của kỹ sư, kỹ thuật viên tại đơn nguyên?” – HĐXX truy vấn. Bị cáo Dương không trả lời trực tiếp mà cho rằng kỹ sư là về trang thiết bị, nhiệm vụ này đã được giải quyết bằng việc dùng cán bộ phòng vật tư, nếu vượt chuyên môn thì thuê khoán, thực tế đã có nhiều ký sư của các hãng được BV thuê.
“Như bị cáo biết, trừ các bác sĩ đươc đào tạo về lọc máu, hầu hết các điều dưỡng viên của khoa đều được đào tạo chương trình của kỹ thuật viên lọc máu. Còn việc sử dụng cụ thể ra sao thì phải hỏi khoa” – ông Dương nói.
Bị cáo này một lần nữa khẳng định đã đáp ứng được yêu cầu tối thiểu khi thành lập đơn nguyên lọc máu; còn nói về quy mô thì sẽ tiếp tục phải bổ sung.

Theo cáo trạng, với vai trò là người đứng đầu BV, ông Trương Quý Dương đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài, đã vi phạm nhiều quy định.

Trong đó, bị can là người ký Quyết định số 175 về việc thành lập Đơn nguyên lọc máu. Theo Điều 2 của Quyết định số 175 và theo trả lời của Bộ Y tế cũng như BV Bạch Mai thì Đơn nguyên lọc máu khi hoạt động phải có đầy đủ thành phần, nhân lực cần thiết theo quy chế công tác khoa lọc máu.

Tuy nhiên, từ khi thành lập Đơn nguyên lọc máu, bị can không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên, cũng không phân công ai làm nhiệm vụ của kỹ sư, kỹ thuật viên để kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu. Đáng chú ý, từ năm 2014 đến 2017, ông Dương cũng không có quyết định giao nguời phụ trách Đơn nguyên lọc máu.

Bên cạnh đó, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã không chỉ đạo Phòng Vật tư thiết bị y tế xây dựng và ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy, cụ thể là quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO.

“Hệ thống RO số 2 thực tế không được giao cho cá nhân quản lý và sử dụng theo Quy chế Quản lý và sử dụng vật tư thiết bị y tế, dẫn đến Đơn nguyên lọc máu tùy tiện sử dụng hệ thống RO sau sửa chữa, không chờ kết quả xét nghiệm nước” - cáo trạng nêu.

Ngoài ra, ông Dương là người ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa hệ thống RO nhưng không sâu sát trong kiểm tra, không phát hiện việc Đơn nguyên lọc máu thường xuyên sử dụng hệ thống RO ngay sau sửa chữa, không chờ kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh.

Tác giả

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm