Vụ kiến nghị xử lý giám đốc sở vì không thi hành án: Cục thi hành án dân sự nêu quan điểm

(PLO)- Cục THADS tỉnh Khánh Hòa cho rằng nếu doanh nghiệp khởi kiện hành chính UBND tỉnh Khánh Hòa về việc chậm (hoặc không) ký GCN thì tỉnh có khả năng sẽ thua kiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-8, nguồn tin PLO xác nhận Cục Thi hành án Dân sự (THADS) tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa nêu quan điểm về việc thi hành bản án hành chính phúc thẩm ngày 11-3-2022 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.

UBND tỉnh Khánh Hòa có khả năng thua nếu bị doanh nghiệp kiện

Theo Cục THADS, bản án hành chính phúc thẩm trên đã có hiệu lực pháp luật. Bản án buộc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa phải thực hiện hành vi hành chính giải quyết hồ sơ giao đất của Công ty T. theo đúng quy định tại điều 4 và điều 23 của quy chế 2721 của UBND tỉnh Khánh Hòa.

UBND tỉnh Khánh Hòa có khả năng thua nếu bị kiện vụ án hành chính mới về việc cấp GCN cho doanh nghiệp thực hiện dự án trồng rừng. Ảnh: T.N

UBND tỉnh Khánh Hòa có khả năng thua nếu bị kiện vụ án hành chính mới về việc cấp GCN cho doanh nghiệp thực hiện dự án trồng rừng. Ảnh: T.N

Sở TN&MT đã có tờ trình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho Công ty T. là đã thi hành bản án. Trong đó, sở báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết vướng mắc trước khi ký GCN. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản cho biết chỉ cấp GCN khi doanh nghiệp đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cục THADS cho rằng theo quy định của điều 23 quy chế 2721, sau khi Sở TN&MT trình ký cấp GCN thì UBND tỉnh ký giấy chứng nhận trong thời gian 4 ngày. “Trường hợp Công ty T. khởi kiện hành chính UBND tỉnh về việc chậm (hoặc không) ký GCN thì theo nhận định của bản án hành chính phúc thẩm có khả năng sẽ thắng kiện”- Cục THADS nêu quan điểm.

Lý giải về điều này, Cục THADS cho biết nếu Công ty T. kiện, tòa chỉ xét xử tranh chấp về giải quyết thủ tục hồ sơ giao đất cho công ty theo thời hạn quy định tại quy chế 2721 đã nêu trong bản án hành chính phúc thẩm.

Bên cạnh đó, Cục THA cho biết theo quy định Điều 53 Luật Đất đai năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa phải thực hiện xong việc thu hồi và bồi thường hỗ trợ (nếu có) trước khi có quyết định cho thuê đất và Sở TN&MT ký hợp đồng thuê đất với Công ty T.

Cục THADS khẳng định việc UBND tỉnh ký GCN là một thủ tục hành chính cần phải thực hiện đúng quy định của quy chế 2721 để Bộ phận một cửa Sở TN&MT trả kết quả, đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung bản án hành chính phúc thẩm.

Cơ quan tham mưu phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh

Đối với việc UBND tỉnh đề nghị Công ty T. thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 7 hộ trong phạm vi dự án, Cục THADS cho biết nguồn gốc đất dự án có hơn 34 ha do vợ chồng bà B. tự nguyện trả cho Nhà nước. Hơn 92 ha còn lại là đất Nhà nước giao UBND xã Phước Đồng, TP Nha Trang quản lý, không ai sử dụng.

Hơn 5 năm, doanh nghiệp chưa được cấp GCN để thực hiện dự án trồng rừng. Ảnh: T.N

Hơn 5 năm, doanh nghiệp chưa được cấp GCN để thực hiện dự án trồng rừng. Ảnh: T.N

Tuy nhiên, ngày 3-2, UBND xã Phước Đồng báo cáo có 7 trường hợp đang sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 6 hộ lấn chiếm đất rừng để làm lò than và sản xuất nông nghiệp từ năm 2005, đến năm 2008 thì bỏ hoang. Chỉ có 1 hộ có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất.

Hơn một tháng sau, UBND xã Phước Đồng lại báo cáo 7 hộ trên đều đang quản lý, sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. Còn Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa thì cho rằng có hai hộ đang sử dụng đất trong ranh giới thuê đất của dự án.

Cục THADS nhận định các cơ quan trên chưa có căn cứ pháp lý để xác định chính xác, cụ thể ranh giới, diện tích, thời điểm sử dụng đất của từng hộ mà chỉ dựa vào lời khai, trình bày, chỉ dẫn của những hộ dân là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.

Mặc khác, bản đồ lâm nghiệp và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 tỉnh Khánh Hòa thì khu vực trên nằm trong quy hoạch 3 loại rừng. Do đó, các hộ dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp là trái mục đích sử dụng đất.

Cơ quan này cho biết theo quy định của Luật Đất đai thì những hộ dân lấn chiếm không đủ điều kiện để xem xét bồi thường khi Nhà nước thu hồi vì không đủ điều kiện để cấp GCN. Riêng hộ dân có quyết định giao đất của UBND TP Nha Trang thì Công ty T đã thỏa thuận bồi thường xong.

Cùng quan điểm với Cục THA, VKSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh yêu cầu Công ty T phải thỏa thuận đối với những hộ dân đang sử dụng đất trong khu vực dự án là không đúng với Luật Đất đai. Các cơ quan, tổ chức đã tham mưu không đúng thực tế như báo cáo của Sở TN&MT, dẫn đến việc UBND tỉnh ban hành quyết định cho doanh nghiệp thuê đất sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phát sinh tranh chấp xảy ra và được giải quyết theo quy định pháp luật.

Theo hồ sơ, năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa trên căn cứ đề nghị của Sở TN&MT đã quyết định cho công ty T thuê 120 ha tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang thực hiện dự án trồng rừng trong thời hạn 50 năm.

Công ty T nộp hồ sơ xin giao đất thực hiện dự án tại bộ phận một cửa của Sở TN&MT nhưng hồ sơ chậm được giải quyết. Công ty T khởi kiện, đề nghị tòa buộc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa thực hiện hành vi hành chính, giải quyết hồ sơ giao đất cho công ty theo đúng thời hạn luật định.

Xử phúc thẩm ngày 11-3-2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên buộc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa giải quyết hồ sơ giao đất của Công ty T.

Tuy nhiên, hơn năm năm kể từ ngày được UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định cho thuê đất và 17 tháng khi có bản án hành chính phúc thẩm, doanh nghiệp này vẫn chưa được giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở TN&MT xem xét giải quyết kiến nghị của Công ty T. trong việc thực hiện hành vi hành chính theo đúng bản án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm