Vụ lọt hố ga chết người: Cẩu thả trong thi công

“Sau khi xảy ra vụ người dân lọt hố ga trên đường Kinh Dương Vương, quận đã báo cáo nhanh vụ việc về UBND TP.HCM và Sở GTVT”. Một lãnh đạo UBND quận Bình Tân nói với Pháp Luật TP.HCM  như trên vào ngày 23-10.

Theo vị lãnh đạo này, công tác điều tra vẫn đang được Công an quận Bình Tân triển khai. Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin về nạn nhân, thân nhân của nạn nhân.

Quấn dây nylon để… cảnh báo (!?)

Ngày 23-10, ông Võ Thanh Huy, Trưởng ban Quản lý dự án kênh Ba Bò thuộc Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM (đại diện chủ đầu tư dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương), cho biết bước đầu chủ đầu tư cùng các đơn vị thi công, tư vấn giám sát đã họp kiểm kiểm, đình chỉ thi công những cán bộ kỹ thuật trực tiếp thi công cũng như tư vấn giám sát ngày hôm đó.

Đơn vị thi công cũng túc trực ở nhà xác để đợi gặp người nhà nạn nhân mới tiến hành các công tác hỗ trợ. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chờ kết quả điều tra của cơ quan công an để xử lý tiếp theo” - ông Huy nói.

Khi PV đề cập đến sự tắc trách của đơn vị thi công là Công ty TNHH Liên doanh Xây dựng VIC thì ông Huy nói: “Đơn vị thi công cũng như tư vấn giám sát đã chủ quan, vì họ nghĩ trong ngày sẽ hoàn thành nên chỉ lấy các tấm ván dựng các góc rồi quấn dây nylon lại để cảnh báo nhưng không đảm bảo an toàn”.

Ông Huy cũng thông tin sau khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư đã yêu cầu tất cả đơn vị thi công ở dự án phải tuân thủ theo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông cũng như an toàn cho các công trình lân cận. Nếu đơn vị tư vấn giám sát cảm thấy không an toàn thì không cho đơn vị thi công triển khai. “Về phía chủ đầu tư, đây là bài học kinh nghiệm để sau này sẽ cố gắng chỉ đạo sâu sát hơn để các đơn vị nghiêm túc thực hiện, không để tình trạng này xảy ra nữa” - ông Huy nói.

Hố ga đã được đóng nắp và có rào chắn sau khi xảy ra sự cố chết người. (Ảnh chụp ngày 22-10). Ảnh: LÊ THOA

“Thi công cẩu thả, tắc trách”

Trở lại hiện trường vụ tai nạn trong các ngày 22 và 23-10, PV ghi nhận được nhiều ý kiến của người dân bày tỏ bức xúc việc rào chắn cẩu thả khi thi công. “Thời điểm trước khi xảy ra vụ việc thì hố ga này không được che đậy, nắp hố ga thì nằm kế bên miệng hố khiến người đàn ông vấp và ngã. Xung quanh hố có bốn trụ sắt và giăng dây nhưng rất mong manh, dây còn bị tuột cả ra nên nạn nhân mới té xuống” - ông Nguyễn Gia Hiếu, một người dân khu vực, khẳng định.

Theo ông Hiếu, lúc đó xảy ra vụ việc có một tốp công nhân đang lát gạch vỉa hè và thi công tại một hố ga khác gần đó. Riêng hố ga nơi người đàn ông té xuống thì không có ai đang làm việc.

Ông Hồng Hoàng Tăng cũng bức xúc không kém và cho biết miệng hố ga trống hoác từ nhiều ngày trước và chỉ sau khi sự việc xảy ra thì mới có người lấy ván che lại và rào chắn quanh hố. “Nhiều thông tin nói đơn vị thi công có đặt tấm ván che miệng hố nhưng thật sự không phải. Các hố ga khác cũng vậy, sau khi sự việc xảy ra thì mới được lập hàng rào chắn lại” - ông Tăng khẳng định.

Theo một clip do camera của một nhà dân ghi, vào 13 giờ 37 phút, một người đàn ông chạy theo xe buýt và vấp vào miệng hố ga, lọt xuống hố, tử vong sau đó. Hình ảnh trong clip ghi lại quanh hố có bốn trụ sắt, giăng dây nhưng không đảm bảo an toàn. “Qua báo cáo của các cơ quan cũng như clip từ camera của người dân thì sự việc đã quá rõ. Đơn vị thi công đã quá cẩu thả, tắc trách trong thi công. Lẽ ra sau khi họ dỡ nắp hố ga để thi công thì phải đặt nắp lại ngay khi làm xong và có người đứng cảnh báo. Nếu không thì phải có rào chắn xung quanh thật chắc chắn và có biển cảnh báo chứ không đơn giản là giăng sợi dây nhỏ là đủ. Rõ ràng có sự hời hợt trong an toàn thi công và từ đơn vị thi công, tư vấn giám sát đến chủ đầu tư đều phải có trách nhiệm trong vụ việc này” - vị lãnh đạo UBND quận Bình Tân nói.

Công trình phải có rào chắn vững chắc

Theo Thông tư 50/2015 của Bộ GTVT, ở các công trình đường bộ đang khai thác vẫn được thi công xây dựng một số công trình nhưng phải có giấy phép của Cục Quản lý đường bộ (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) hoặc Sở GTVT. Một trong những căn cứ quan trọng để được cấp phép là phải có biện pháp tổ chức thi công đảm bảo an toàn giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong suốt quá trình thi công, tổ chức, cá nhân thi công phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và chịu mọi trách nhiệm về sự mất an toàn giao thông do thi công gây ra.

Ngoài ra, UBND TP cũng có Quyết định 09/2004 quy định về xây dựng công trình thiết yếu (viễn thông, điện lực, cấp thoát nước…) trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Quyết định 09 yêu cầu khi thi công phải đảm bảo cho người và phương tiện qua lại an toàn, thông suốt. “Đối với các công trình thi công dở dang, để chướng ngại vật trên đường phải có rào chắn vững chắc, cẩn thận và lắp dựng đầy đủ biển báo, đèn (ban đêm) hoặc cờ (ban ngày) báo hiệu; phải có người điều tiết giao thông…”.

Quyết định này cũng không quên định nghĩa rào chắn là vật dùng để ngăn chặn, bao quanh khu vực thi công, được cấu tạo vững chắc, an toàn và mỹ quan nhằm cách ly phạm vi công trường với khu vực xung quanh.

Ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, cho biết thêm nếu các đơn vị thi công không có biển báo, rào chắn theo quy định và không tổ chức thi công theo phương án được duyệt sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46/2016.

G.NGHĨA

Sau vụ việc, Trung tâm Chống ngập TP đã họp với nhà thầu, tư vấn giám sát để phân định trách nhiệm của từng đơn vị. Cơ quan công an đang khám nghiệm tử thi nạn nhân để có kết luận.

Trong quá trình thi công, các công nhân đã tháo dây cảnh báo bao quanh miệng cống ra rồi bỏ đi uống nước nhưng lại không bố trí người đứng canh. Đây là cái sai của đơn vị thi công. Bởi vì khi tháo dây để thi công, đúng ra phải có biển chỉ dẫn. Đây là bài học kinh nghiệm cần rút ra. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm.

Ông NGUYỄN NGỌC CÔNG, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, trả lời báo Thanh Niên

Có đủ cơ sở khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Theo luật sư (LS) Đoàn Văn Nên (Đoàn LS TP.HCM): Việc người đàn ông bị rớt xuống hố ga đang thi công nhưng không có rào chắn và nắp đậy dẫn đến chết người là sự việc nghiêm trọng, cần xem xét các dấu hiệu tội phạm hình sự của những người có trách nhiệm.

LS Nguyễn Văn Hồng, Đoàn LS TP.HCM, cũng cho rằng hố ga nằm trên phần đường xe chạy nên đơn vị thi công phải thấy được sự nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khi không có rào chắn. Hành vi này của nhóm công nhân đã vi phạm khoản 2 Điều 47 Luật Giao thông đường bộ về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Theo quy định, trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. “Hậu quả của hành vi cẩu thả dẫn đến thiệt hại về người có mối quan hệ nhân quả trực tiếp với hành vi gỡ nắp cống để lại trên đường và không che đậy, rào chắn của nhóm công nhân đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông theo Điều 220 BLHS” - LS Hồng nói.

Vì vậy, LS Hồng cho rằng đã có đủ cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý nghiêm theo pháp luật nhằm răn đe, ngăn ngừa các trường hợp tương tự.

“Ngoài ra, cần phải xem xét dấu hiệu về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS của người được phân công giám sát thi công công trình này” - ThS Đồng Mạnh Hùng, Công ty Luật Phạm Nghiêm, bổ sung.

Theo ông Hùng, hình ảnh clip ghi lại diễn biến vụ việc cho thấy đơn vị thi công đã không thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn trong việc thi công, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông. “Cụ thể, đơn vị thi công đã không rào chắn gây hậu quả nghiêm trọng. Các bên liên quan phải chịu trách nhiệm về hình sự và dân sự theo quy định của pháp luật” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, chủ đầu tư đã giao việc quản lý công trình cho đơn vị thi công là Công ty TNHH Liên doanh Xây dựng VIC. Do vậy, VIC có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Điều 637 BLDS. “Phạm vi bồi thường gồm chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần cho người thân của người bị nạn, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt mạng có nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Điều 610 BLDS 2005 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” - ThS Hùng nói. 

PHƯƠNG LOAN - LÊ THOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm