Phú Yên:

Vụ năm CA đánh chết người: Gia đình nạn nhân gửi đơn lên Chủ tịch nước

Ngày 24-9, đại diện gia đình bị hại trong vụ án năm sĩ quan công an ở Phú Yên đánh chết người cho biết đã gửi đơn yêu cầu khởi tố gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Đơn do bà Ngô Thị Tuyết là chị ruột của anh Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên), người bị năm sĩ quan công an ở tỉnh này đánh chết khi lấy lời khai do nghi liên quan đến một vụ trộm), đứng tên, thay mặt gia đình cảm ơn Chủ tịch nước đã trực tiếp chỉ đạo viện trưởng Viện KSND Tối cao, chánh  án TAND Tối cao xử lý nghiêm vụ án này theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, gia đình bị hại cho rằng đến nay vụ án này vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Yên đã bỏ lọt nhiều người phạm tội, định tội danh không đúng. Gia đình bị hại đề nghị Chủ tịch nước can thiệp chỉ đạo khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa ba tội gồm giết người, bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng Viện KSND TP Tuy Hòa tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Đồng thời đề nghị truy tố, xét xử các bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, Công an TP Tuy Hòa), Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy), Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá), Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, đều là cán bộ Công an TP Tuy Hòa) tội giết người.

Ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa (ngồi phía sau cha của nạn nhân) tham gia phiên tòa phúc thẩm với tư cách người làm chứng. Ảnh: TẤN LỘC 

Theo trình bày của gia đình bị hại, ông Lê Đức Hoàn đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới đến nhà bắt anh Ngô Thanh Kiều lúc 3g sáng ngày 13-5-2012 nhưng không có lệnh bắt, không có biên bản bắt người trong khi anh Kiều không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp, không phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Gia đình bị hại cho rằng ông Lê Đức Hoàn đã phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Mặt khác, trong quá trình cán bộ cấp dưới dùng dùi cui thay nhau đánh chết anh Kiều tại trụ sở Công an TP Tuy Hòa, ông Hoàn có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo cấp dưới lấy lời khai anh Kiều; ông Hoàn thường xuyên ra vào phòng lấy lời khai, thấy các đồng sự đánh người nhưng không ngăn cản, không có ý kiến; điều đó thể hiện ông Hoàn đồng phạm tội dùng nhục hình.

Năm bị cáo cựu công an tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TẤN LỘC 

Ngoài ra, với cương vị phó Công an TP Tuy Hòa, Trưởng ban chuyên án 312T, ông Hoàn đã ra lệnh cho cán bộ cấp dưới đến nhà bắt anh Kiều trái pháp luật và để cho cán bộ cấp dưới dùng dùi cui đánh chết người nên ông Hoàn còn phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Gia đình bị hại cho rằng việc các cơ quan tố tụng không truy tố, xét xử ông Lê Đức Hoàn ba tội trên là đã bỏ lọt một tội phạm rất nguy hiểm.

Gia đình bị hại cũng yêu cầu khởi tố ông Lê Minh Chánh tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, vì cho rằng với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan được Viện KSND Tối cao ủy quyền truy tố trong vụ án này nhưng ông Chánh đã bao che, không khởi tố ông Lê Đức Hoàn là người có dấu hiệu phạm ba tội. Mặt khác, ông Chánh đã tự ý thay đổi cáo trạng trong khi nội dung vụ án không có gì mới, chỉ với mục định giảm khung hình phạt cho các bị can. Ngoài ra, trong quá trình thụ lý vụ án, TAND TP Tuy Hòa đã hai lần ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu Viện KSND TP Tuy Hòa điều tra một số nội dung của vụ án chưa được rõ ràng, đồng thời yêu cầu truy tố các bị cáo tội cố ý gây thương tích nhưng Viện KSND TP Tuy Hòa không chấp nhận. Gia đình bị hại cho rằng điều này cũng thể hiện ông Chánh cố tình bao che, không khởi tố người có tội. Đơn yêu cầu khởi tố cho rằng hành vi của ông Chánh đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội, làm mất niềm tin của người dân đối với hệ thống pháp luật của nhà nước, dẫn đến việc đích thân Chủ tịch nước phải trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ án này.

Cũng theo đơn trên, gia đình bị hại cho rằng việc định tội danh không đúng quy định của pháp luật. Trong vụ án này, trước khi bị đánh chết, anh Kiều không phải là người bị tạm giữ, không phải là bị can, bị cáo nên không phải là khách thể tội dùng nhục hình. Khi khám nghiệm tử thi, trên thi thể anh Kiều có đến 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương bị đánh trên đầu; toàn bộ nội tạng đều bị đánh dập nát. Trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo đều biết việc dùng dùi cui đánh trên đầu và đánh vào nội tạng sẽ dẫn đến chết người. Do đó, gia đình bị hại yêu cầu truy tố tội giết người đối với tất cả các bị cáo .

Gia đình bị hại cũng cũng đặt ra câu hỏi vì sao vụ án bốn công an xã Kim Nỗ, huyện Đông An, TP Hà Nội đánh chết ông Nguyễn Mậu Thuận giống với vụ án này nhưng các cơ quan tố tụng lại truy tố, xét xử hai tội danh khác nhau. Gia đình bị hại nói rằng phải chăng các bị cáo công an xã Kim Nỗ là cán bộ cấp xã, không phải công an chính quy nên bị truy tố, xét xử tội giết người, còn các bị cáo trong vụ án này là công an chính quy nên chỉ truy tố, xét xử tội dùng nhục hình.

Như PLO đã thông tin, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 3-4, TAND TP Tuy Hòa tuyên phạt Nguyễn Thân Thảo Thành năm năm tù, Nguyễn Minh Quyền hai năm tù, Phạm Ngọc Mẫn một năm sáu tháng tù, Nguyễn Tấn Quang một năm ba tháng tù cho hưởng án treo, Đỗ Như Huy một năm tù cho hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9-7, TAND tỉnh Phú Yên tuyên  hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

 

Ngày 16-9, Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa. Hiện Cục Điều tra Viện KSND Tối cáo đang tiếp tục điều tra bổ sung vụ án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm