Ngày 29-5, phiên tòa phúc thẩm vụ gây thất thoát hơn 3.608 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB) bước vào phần tranh luận.
Đáng chú ý là phần tự bào chữa của bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79). Vũ kêu oan tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà tòa sơ thẩm tuyên 17 năm tù. Không cần cầm giấy nhưng lời trình bày của Vũ rõ ràng, dứt khoát. Vũ nói cựu tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình cho Vũ mượn 200 tỉ đồng nhưng hoàn toàn che giấu nguồn gốc của số tiền này.
“Bị cáo rất buồn” - Vũ cho biết cảm xúc của mình khi nghe luận tội của VKS. Vũ nói ba đêm liền “hoàn toàn không ngủ” và một thời gian trong trại giam Vũ cũng “không sao ngủ được”. Vũ mong HĐXX tôn trọng các chứng cứ, sự thật khách quan, lời khai của mình…
Vũ nói để quy kết bị cáo là đồng phạm với ông Bình thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được ba điều. Thứ nhất, phải chứng minh được Vũ và ông Bình cùng mục tiêu, cùng ý chí, cùng bàn bạc. Thứ hai, phải chứng minh được Vũ biết nguồn tiền 200 tỉ đồng là của DAB, không phải tiền của ông Bình. Thứ ba, phải chứng minh Vũ được hưởng lợi vật chất, ăn chia.
Vũ “nhôm” mong được tranh luận đến cùng với VKS. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Vũ tái khẳng định việc không bàn bạc, thống nhất trước và không thể biết trước về nguồn gốc số tiền 200 tỉ đồng, còn cựu trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB Nguyễn Đức Vinh thì làm theo sự chỉ đạo của ông Bình. Vinh chỉ hướng dẫn Vũ kê khai nộp tiền và ký vào hai giấy nộp tiền giống như những khách hàng khác. Ông Bình và ông Vinh cũng đã thừa nhận việc này nhiều lần trước HĐXX phúc thẩm.
Vũ làm phép tính so sánh: “Người ta (ý nói một số bị cáo, người liên quan khác trong vụ án) cũng có hành vi như bị cáo nhưng không bị xem xét trách nhiệm hoặc xử tù hai năm, cao nhất là bảy năm. Giả sử bị cáo có tội, bị cáo trả nợ 200 tỉ đồng xong rồi mà xử bị cáo 17 năm. Bị cáo khác chưa trả nợ xong thì lại được xử hai năm. Như vậy có công bằng không?”.
“Làm sao bị cáo ngủ được, luật pháp ở đâu, công bằng ở đâu. Bị cáo sống đâu làm gì cho VKS ghét vậy đâu” - Vũ than và mong HĐXX xem xét cho Vũ vô tội và tuyên án tâm phục, khẩu phục. Vũ cũng tha thiết mong HĐXX cho Vũ tranh luận đến cùng với VKS.
Luật sư bào chữa cho Vũ thì đề nghị HĐXX xem xét toàn diện, khách quan để đưa ra một mức án đúng luật và mong tranh luận đến cùng với VKS để làm sáng tỏ các cáo buộc.
Theo luật sư, ông Bình khai “đã thu xếp xong” có nghĩa là đã có kế hoạch từ trước, còn Vũ hiểu đây có nghĩa là có tiền cho vay. Ông Bình đã không thành thật trao đổi về thực trạng DAB với Vũ. Bởi nếu biết rõ hoàn cảnh trên, không riêng gì công ty của Vũ mà bất kỳ công ty nào khác cũng chắc chắn không tham gia vào việc mua cổ phần của DAB. Trong việc này, Vũ chỉ là người bị hại bởi những toan tính, không trung thực, che giấu thực trạng âm quỹ, nợ xấu… của DAB và sự chủ động đưa ông Vũ vào giao dịch bị lừa dối bởi chính ông Bình.
Hôm nay (30-5), phiên tòa tiếp tục.
Lập luận của Viện Kiểm sát Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm, bác các kháng cáo kêu oan, giảm nhẹ và phần trách nhiệm dân sự của các bị cáo và người liên quan. Theo VKS, án sơ thẩm đã tuyên xử là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai. Theo VKS, bị cáo Vũ biết rất rõ số tiền 200 tỉ đồng mà bị cáo Bình cho mượn là của DAB nhưng vẫn ký vào giấy tờ nộp khống rồi nhận tiền chuyển về tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 mà không trả lại. Vì thế mức án 17 năm tù cho Vũ là tương xứng tính chất, mức độ và hành vi phạm tội. Về kháng cáo không tính lãi các khoản tiền vay của ông Bình, VKS cho rằng DAB vẫn phải trả lãi cho các khoản vay nên kháng cáo này không có cơ sở chấp nhận. Việc ông Bình đề nghị nhận trách nhiệm dân sự cho các bị cáo và người liên quan, VKS xét thấy những người này gây thiệt hại cho DAB nên phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cho DAB là phù hợp. Cũng theo VKS, đối với Phạm Văn Tân là trợ lý của Trần Phương Bình, sau được bổ nhiệm là phó tổng giám đốc DAB phụ trách kinh doanh từ năm 1997 đến cuối 2006 đã đứng tên nhiều khoản vay và tham gia ký khống nhiều chứng từ, giúp sức cho bị cáo Bình chiếm đoạt hơn 221 tỉ đồng. Như vậy, Tân có liên quan đến nhiều khoản tiền mà bị cáo Bình chiếm đoạt của DAB. Hành vi của Tân có dấu hiệu giúp sức nhưng chưa được điều tra, truy tố là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Đây cũng là một trong các nội dung nêu trong đơn của bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến đã gửi cho HĐXX và VKS giai đoạn xét xử phúc thẩm. |