Phiên toà xử vụ hoa hậu Phương Nga tạm khép lại với quyết định trả hồ sơ của toà để VKS điều tra bổ sung, đồng thời toà cho hai bị cáo Phương Nga và Thuỳ Dung tại ngoại. Sau phiên toà này, có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nhưng đa số đều có chung nhận định: phiên xử thể hiện được tinh thần của cải cách tư pháp, điều mà nền tố tụng chúng ta đang hướng đến.
Dưới đây là góc nhìn của PGS-TS VÕ TRÍ HẢO về phiên toà này.
PGS-TS Võ Trí Hảo
Thành công lớn nhất của HĐXX là đã tôn trọng tranh tụng ở các biểu hiện sau đây:
- Tôn trọng quyền im lặng của bị cáo; và tìm phương pháp chứng minh, chứng cứ, nhân chứng khác để làm rõ nội dung vụ án; bằng việc sử dụng tranh luận giữa các bên liên quan;
- Cho phép luật sư cả hai bên trình bày hết ý kiến của mình; không tìm cách ngắt lời, khống chế thời gian trình bày của luật sư. Tương tự như vậy đối với bị cáo, đương sự, người làm chứng;
- Cho phép luật sư đặt câu hỏi thẩm vấn chéo. Điều này là một biểu hiện rất quan trọng; bởi trong tố tụng xét hỏi thì chỉ có kiểm sát viên và HĐXX mới được đặt câu hỏi. Thẩm vấn chéo bởi các luật sư là một biểu hiện rất quan trọng của tố tụng tranh tụng; HĐXX trở về đúng chức năng quan toà: vì công lý, công bằng, phán xét dựa trên tranh luận giữa bên buộc tội (tức kiểm sát viên) và luật sư gỡ tội; toà ở giữa điều phối cuộc tranh luận, thẩm vấn chéo giữa các bên, góp phần làm rõ. Rồi sau đó đưa ra phán quyết.
Còn trong tố tụng xét hỏi thì HĐXX trước đây dường như đã tham gia vai trò "luật sư buộc tội" cùng với kiểm sát viên. Chỉ khi cho phép luật sự đặt câu hỏi, thẩm vấn chéo, thì mới có thể tạo ra thế cân bằng giữa “luật sư gỡ tội” và “luật sư buộc tội”; mới có thể tránh oan sai.
- Nội dung vụ hoa hậu Phương Nga liên quan nhiều đến phạm trù đạo đức nên HĐXX đã cho bị cáo, cũng như các luật sư trình bày một số nhận định quan điểm liên quan đến đạo đức để nhận định về bản chất thật sự của vụ án. Điều này rất cần thiết trong tất cả các vụ án. Nhưng nhiều HĐXX khác đã lấy lý do “hạn chế về thời gian” tìm cách không cho bị cáo, luật sư và các bên liên quan trình bày khía cạnh này và thường nhắc “Đề nghị luật sư chỉ tập trung vào căn cứ pháp lý”. Nhưng HĐXX sơ thẩm TAND TP.HCM do thẩm phán Vũ Thanh Lâm - phó chánh toà Hình sự làm chủ toạ, đã rất tôn trọng quyền trình bày này.
Vụ án Phương Nga cho thấy ở giai đoạn điều tra, truy tố có những biểu hiện vi phạm pháp luật, trước mắt là việc tổ chức thông cung và còn nhiều khuất tất, nghi vấn... Nhưng bằng việc tôn trọng tố tụng tranh tụng, HĐXX đã tỏ ra khách quan, vô hiệu hoá những vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra, truy tố trước đó; lấy lại niềm tin trong công chúng.
Tố tụng tranh tụng giống như ánh sáng, nó có tác dụng "diệt khuẩn" rất cao. Vì vậy, "vi khuẩn" rất ghét tranh tụng.
Tố tụng tranh tụng đã nảy mầm, bắt rễ, nhưng nó phát triển tiếp theo như thế nào phụ thuộc không chỉ vào nỗ lực từ phía cơ quan nhà nước, mà cả từ sự nhận thức, đòi hỏi, áp lực từ công chúng. Bằng việc cho phép báo chí, truyền hình trực tiếp đưa tin rộng rãi, HĐXX vụ án đã thành công trong vai trò phụ “giáo dục ý thức pháp luật” cho toàn bộ công chúng một cách vô cùng sinh động, hơn ngàn vạn tờ rơi, băng rôn.
Thẩm vấn chéo là gì? Thẩm vấn chéo (Cross Examination) là một hình thức thẩm vấn nhân chứng trong một phiên tòa thường có tại các nước theo truyền thống Thông Luật (Common Law). Theo hình thức này, luật sư của bên đối lập đặt câu hỏi cho chính nhân chứng vừa trình bày chứng cứ, mục đích để cật vấn, thách thức, bắt bẻ, và bộc lộ ra các khuyết điểm trong chứng cứ của bên này. Phần thẩm vấn chéo như thế thực chất cho phép các luật sư của cả hai bên “đấu tay đôi” trong việc tìm ra cách phản bác và làm giảm mức độ đáng tin cậy của nhân chứng và bằng chứng của phía bên kia. Việc thẩm vấn chéo này buộc người luật sư phải chuẩn bị kỹ càng nhưng đồng thời cũng phải biết nhanh nhạy ứng biến hợp lý tùy theo phản ứng của nhân chứng và của luật sư phía đối lập. Những luật sư tranh tụng giỏi trong các nước theo Thông Luật thường cũng đồng thời là những người thẩm vấn chéo lão luyện. |