Phép lạ và tình thương
Ông Dương Minh Thời hiện 73 tuổi, khi vụ thảm sát Cát Bay diễn ra ông vừa bước vào tuổi 16. Ông là đứa con thứ sáu sống sót duy nhất trong gia đình có 13 người gồm cha, mẹ, anh, chị, em đều chết thảm thương dưới họng súng và lưỡi lê của hai tiểu đoàn quân đội Pháp khát máu trong cuộc hành quân Sang et feu (Máu và nước mắt).
Ông Sáu Thời thắp nhang tưởng nhớ toàn bộ gia đình mình đã bỏ mạng trong vụ thảm sát tang thương. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Thắp nhang trên bàn thờ chung của gia đình, ông Sáu Thời lau vội nước mắt kể: “Chỉ có phép lạ và tình thương tôi mới sống nổi đến hôm nay. Khi bọn lính đến, gia đình tôi đang ăn cơm sáng và khoai mì để chuẩn bị chia nhau đi làm rẫy. Bỗng một nhóm lính đến trước nhà hô to: “Levez vous et sortez a l’exterieur! (Tất cả đứng dậy bước ra ngoài sân!). Cả nhà tôi sợ quá không dám ra, túm tụm ôm nhau đứng giữa nhà. Ba tên lính đen thui xả súng Garant M1 và tiểu liên Thompson không thương tiếc. Tất cả mọi người trong gia đình tôi đều ngã gục. Một tên châm lửa lên mái tranh đốt nhà. Tôi chỉ bị thương ở chân và đứa em trai nhỏ bốn tuổi tên Dương Minh Thái vẫn còn sống nên tôi bịt miệng không cho em khóc, ráng chịu nóng chờ tốp lính sang nhà bên cạnh mới lẻn cửa sau chạy ra. Thế nhưng một tốp lính khác lại phát hiện, chúng bắn tôi trúng bụng ngã xuống, còn em tôi bị văng ra ngoài. Tội nghiệp, em tôi vừa khóc vừa ráng bò đến gần tôi thì bị một tên lính rút lưỡi lê chém vào đầu, em chết tại chỗ. Tên lính ấy lại tiếp tục xả súng vào ngực tôi”.
Sau này khi tỉnh dậy ông Sáu Thời mới biết mình được cứu sống và đang nằm ở nhà bà Mười Cẳng ở Liên Hương. Tại đây có một thiếu nữ biết nghề y, hằng ngày đến chùi rửa vết thương cho ông rồi đắp lá chứ lúc đó không hề có một viên tân dược nào, thế mà ông vẫn sống. Ông Sáu Thời nằm ở nhà bà Mười được nuôi cơm nước miễn phí vài tháng rồi được chuyển sang nhà khác để nuôi xoay vòng. Cứ thế, sau gần một năm vết thương mới lành hẳn. Bây giờ thì chúng tôi mới hiểu việc ông Sáu Thời luôn nói ông sống được đến ngày nay nhờ tình thương là vậy.
Đời cát - đời người
Vết thương sau lưng ông Thời vẫn còn in hằn sau hơn nửa thế kỷ. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ông già ngồi giữa cái nắng khô khốc như đổ lửa ở Tuy Phong, giữa những ngôi mộ giống hệt nhau nhìn xa xăm ra đồi cát. Vò mái đầu bạc trắng, ông Sáu day dứt cho biết tất cả mồ mả của gia đình ông đều do những người còn sống trong làng sau vụ thảm sát chôn cất. Khi ông lành lặn họ mới chỉ 12 ngôi mộ đất mà họ đã chôn nên sau này khi cải táng ông không thể phân biệt đâu là mộ cha, mẹ đâu là mộ của anh, chị, em trong nhà. Vì thế tất cả các ngôi mộ đều giống nhau và đều ghi trên bia mộ dòng chữ “Phần mộ thảm sát”. Để cải táng, xây 12 phần mộ này, ông Thời đã phải bán đất và tiền dành dụm nhiều năm trời mới làm được. Tại đây, ông cũng đã dành sẵn một chỗ cho mình để sau này xuôi tay về đoàn tụ với gia đình.
Sau khi được cứu chữa, ông Sáu Thời sống bằng nghề làm mướn và không đi đâu xa, cứ quanh quẩn bên đồi Cát Bay. Ông tâm sự tất cả gia đình ông đều nằm ở đó nên ông không thể rời xa được và đời của ông đã gắn liền như đời cát ở đây. Thế nhưng năm 1971 khi đang đi trên đường, ông bỗng nhiên bị xe bắt quân dịch hốt lên đưa về Trung tâm II ở Khánh Hòa. Ông phản đối dữ dội và cho họ biết đang mang thương tích đầy người. Lập tức ông Thời được họ đưa sang nhà thương Nguyễn Huệ ở Nha Trang để giám định. Giữa hội đồng giám định có cả bác sĩ Việt và Mỹ, ông Thời vạch áo chỉ vết thương và dõng dạc nói ông thù ghét chiến tranh vì cả 12 người trong gia đình ông đã bị giết chết. Thấy thế mấy tay bác sĩ quân đội vội vã ký giấy cho ông về mà chẳng nói thêm câu nào.
Năm 2001, thấy có tội với những người đã khuất, hơn nữa trong đó còn có cả 14 gia đình với 96 người tuyệt tự không ai nhang khói nên các nhân chứng sống và người thân các nạn nhân quyết định bỏ tiền túi hùn nhau làm nhà tưởng niệm. Ông Thời kể chỉ xây căn nhà tưởng niệm nhỏ ở đầu làng Cát Bay nhưng bị đình chỉ đến hai lần, nhiều hôm phải lén lút làm ban đêm để kịp ngày giỗ thứ 50. Cuối cùng sau nhiều trắc trở căn nhà cũng xây xong, sau đó đến năm 2004, tỉnh Bình Thuận mới chi tiền xây đài tưởng niệm và vòng thành bao quanh. Ông già bức xúc cho rằng đài tưởng niệm thì đẹp nhưng lại thiếu lư hương lấy gì người thân tưởng niệm. Ngoài ra, theo ông lẽ ra cần phải đặt một tấm bảng công nhận và chỉ dẫn đây là chứng tích của vụ thảm sát cho mọi người biết nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thấy đâu.
Giở lưng áo chỉ cho chúng tôi xem vết thương đã thành sẹo xuyên từ ngực ra sau lưng sâu hoắm, ông Thời nói vết thương đã thành sẹo, những nhân chứng sống có thể quên đi cũng được nhưng điều ông mong nhất là đừng quên 311 hương hồn đã khuất mà hãy làm một điều gì đó. “Chẳng hạn làm một khu chứng tích để giáo dục lòng yêu chuộng hòa bình, căm ghét chiến tranh cho các thế hệ sau này là quá đủ rồi” - ông Thời đề xuất.
***
Hãng phim Mekong cùng đạo diễn Lan Phương gặp gỡ những nhân chứng sống trong vụ thảm sát. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc ông Sáu Thời cùng những nhân chứng sống chuẩn bị cho buổi cúng ngày Xá tội vong nhân vào rằm tháng 7. Buổi tối, ông Thời đưa ra nhà tưởng niệm, dưới ánh trăng non đầu mùa, giữa lớp lớp những ngôi mộ, giữa sự im lặng của vạn vật xung quanh, nghe tiếng nói lối trong điệu bài chòi cùng tiếng đàn có nhỏ giọt, ai cũng thấy cay cay trong mắt:
Gió Đông phong đau lòng xứ Gộp
Đón xuân về Pháp đốt thôn Đông
Xóm Cát Bay bom cày đạn nổ
Gió Nam hồng - máu đổ tim gan….(*)
Vụ thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi 16-3-1968), toàn thế giới biết đến là nhờ những tấm ảnh của PV quân đội Haeberle, nhờ sự thức tỉnh lương tâm của viên chuẩn úy phi công Hugh Thompson. Vụ thảm sát Cát Bay tuy số người thiệt mạng không bằng Mỹ Lai nhưng về sự hủy diệt, về đỉnh cao tội ác thì như nhau. Ở đây, vụ Cát Bay vẫn còn nhiều nhân chứng sống sẵn sàng kể về nỗi đau của họ và người thân cách nay hơn nửa thế kỷ. Ở một nơi nào đó trên đất Pháp, có thể những người trực tiếp tham gia vụ thảm sát vẫn còn sống êm ấm cùng gia đình. Họ có thể lên tiếng hoặc im lặng nhưng chắc chắn họ sẽ phải day dứt bởi tội ác mà họ đã gây ra đối với những thường dân vô tội ở làng Cát Bay dù thời gian đã đi qua hơn nửa thế kỷ… |
-------------------------------------------------------------------------------------------------
(*). Đoạn thơ sử dụng trong bài đều là của ông Châu Thanh Thiên, một nhân chứng trong vụ thảm sát.