Buổi sáng khủng khiếp và kinh hoàng
Ông Phạm Thanh Tân (năm nay đã 77 tuổi) nhớ lại: “Nghe tiếng súng nổ biết Pháp đã vào làng. Tôi núp kín trong nhà, thấy mẹ bị bắn chết trước mặt mà phải cắn răng đến bật máu để chịu đựng”.
Ông Sáu Thời thắp nhang tưởng nhớ toàn bộ gia đình mình đã bỏ mạng trong vụ thảm sát tang thương. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ông Tân kể tiếp: “Cháu gọi tôi bằng cậu (bé Ngô Thiên mới hai tuổi) đang khóc, bò tìm mẹ đã bị hai tên lính giằng xé gần như đứt đôi rồi ném vào lửa. Anh Ngô Lôi, cha cháu Thiên, nóng ruột nhào ra liền bị chúng đút họng súng vào miệng bắn chết tại chỗ”. Ông Tân nói dù đã gần 60 năm nhưng những hình ảnh đó ông luôn nhớ rõ mồn một như một cuốn phim chiếu chậm và trong giấc ngủ những hình ảnh ấy luôn hiện về. “Tội nghiệp, cháu tôi lúc đó rất kháu khỉnh và bụ bẫm, do chị tôi có sữa tốt dù cơm không đủ ăn”. Ông già gần bước vào tuổi bát tuần bỗng ôm mặt khóc rưng rức khiến ai nấy đều cảm thấy cay xè nơi khóe mắt.
Cũng giống như hoàn cảnh của ông Tân, ông Trần Kính khi nghe nhắc lại vụ thảm sát Cát Bay, nước mắt từ đâu bỗng tuôn về chảy tràn rồi đọng lại bên hai gò má nhăn nheo. Gia đình ông Kính bị giết chết bảy người, ông móm mém kể: “Buổi sáng gia đình tôi bị lính Pháp kêu ra bắn ở trước sân. Mãi đến chiều khi tỉnh dậy tôi mới biết mình may mắn còn sống. Nhìn xung quanh toàn là xác người, nhà cửa đều bị thiêu rụi, còn lính Pháp lúc đó cũng đã rút đi hết. Bỗng tôi nghe tiếng khóc rồi thấy một đứa nhỏ mà tóc tai, mình mẩy đều bị cháy xém đang cố bò đến thau nước rửa chén gần đó để uống. Nhìn kỹ mới biết đó là thằng cháu ruột tên Phạm Xinh lúc đó vừa tròn hai tuổi. Tôi bồng nó lên dùng tay bụm nước cho nó uống thì nghe tiếng kêu cứu của em gái tôi nằm lẫn trong đống xác của gia đình”.
Vì bị thương, ông Kính không thể cõng em gái nổi nên đành chọn lựa cứu đứa cháu. Trước khi bế cháu đi, ông Kính đến bên em gái dặn dò cố gắng chịu đựng để đưa cháu về sẽ quay lại đón. Vượt hơn bảy cây số đưa cháu Phạm Xinh về Liên Hương cứu chữa, ông Kính nhờ người làm cáng đến đưa em gái là bà Trần Thị Lợi về. Bà Lợi sống đến năm 1997 mới qua đời, còn cháu Phạm Xinh do vết thương quá nặng, sau đó ít lâu đã chết.
Danh sách tám nhân chứng sống còn lại phải kể đến ông Huỳnh Lượng (lúc đó 14 tuổi) bị bắn bốn phát đạn vào người, chân trái hiện bị thọt do teo cơ. Hay bà Nguyễn Thị Tuần (58 tuổi), trong thời điểm xảy ra vụ thảm sát bà Tuần mới hơn một tuổi và mọi người phát hiện cứu sống khi bà đang khóc khản cả tiếng, mò mẫm trên xác tìm vú mẹ.
Người đàn bà khốn khó
Đáng nói nhất trong các trường hợp sống sót phải kể đến chị em bà Phạm Thị Hội và Phạm Thị Trúc. Bà Hội may mắn khi không bị một vết thương nào, trong khi đó bà Trúc lại bị bắn gãy cả hai chân lẫn hai tay.
Bà Trúc kiếm sống bằng cách tách vỏ hạt điều. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Vụ thảm sát xảy ra khi bà Trúc 13 tuổi, bà Phạm Thị Sung (chị bà Trúc) 14 tuổi và chị lớn là bà Hội 15 tuổi. “Cả gia đình tôi bị giết chết ba người gồm cha mẹ và em gái kế, chỉ còn chị em tôi sống sót” - bà Hội kể. Lúc đó may mắn không bị thương nhờ nấp vào một hốc đá sau nhà, khi quay ra bà Hội đã không còn nước mắt để khóc vì xác cả gia đình nằm ngoài sân còn căn nhà đã bị cháy sạch. Nghe tiếng rên yếu ớt của em gái là bà Trúc, bà Hội vội đi tìm nước cho em uống và chạy đi tìm người còn sống đưa em về.
Lúc đưa bà Trúc lên cáng chuẩn bị đi thì mọi người nghe tiếng khóc, phát hiện là bà Sung (chị bà Trúc) vẫn còn sống dù đã bị đạn bắn lộ ruột ra ngoài. Bẻ lá cây đắp lên bụng cho em, bà Hội hứa khi đưa em út về sẽ đến đón em. Tuy nhiên khi bà Hội cùng những người ở Liên Hương đến nơi, bà Sung đã tắt thở mà không kịp nhìn mặt chị.
Kể từ đó, hai chị em bà Hội, bà Trúc đùm bọc, rau cháo nuôi nhau. Sau đó, bà Hội lấy chồng và tiếp tục nuôi em, hiện cả hai đang sống trong một căn nhà tôn thấp lè tè, nóng hầm hập chỉ khoảng vài chục mét vuông. Hơn nửa thế kỷ qua, các vết thương đã làm hai chi dưới và cả hai chi trên của bà Trúc teo tóp lại hết. Và cũng ngần ấy năm bà Trúc vẫn phải tự di chuyển bằng tất cả sự cố gắng và nỗ lực của bản thân.
Bà Trúc vô cùng khó khăn khi di chuyển. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Hôm chúng tôi đến chứng kiến bà di chuyển bằng cách chống hai cùi tay xuống còn 10 đầu ngón chân yếu ớt tựa vào đó nhích nghiêng từng chút hết sức khó nhọc và đau đớn. Dù thế, bà Trúc cho biết vẫn có thể cố gắng tự đi vệ sinh, không muốn làm khổ chị và các cháu nhiều thêm nữa.
Để đỡ đần chị, người đàn bà tàn tật hơn 70 tuổi này còn nhận đậu phộng (lạc) về nhà lột vỏ cân ký tính tiền. Mỗi ký đậu phộng lột xong vỏ bà được trả 1.000 đồng và mỗi ngày bà vẫn cố gắng đều đặn kiếm được 8.000-9.000 đồng.
Gần đây, bà Trúc còn được huyện Tuy Phong cấp cho mỗi tháng 120.000 đồng tiền người khuyết tật neo đơn khiến bà cảm thấy vui vì đỡ đần thêm được gánh nặng cho chị. Bà Trúc tâm sự nhiều lúc muốn chết đi để khỏe cho thân xác, để không làm khổ thêm cho chị và các cháu. Tuy nhiên, bà lại nghĩ chết để làm gì khi mà vụ thảm sát Cát Bay vẫn chưa được tố cáo trước công luận và chính hình hài của bà là bằng chứng xác thực nhất còn lại của cuộc thảm sát tàn nhẫn năm nào…