Vụ vi phạm về cho vay ở Trà Vinh: Các bị cáo đồng loạt kêu oan

(PLO)- Cả tám bị cáo giữ nguyên kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội nhưng đại diện VKS đề nghị bác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên toà phúc thẩm xét xử tám bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh) và Công ty CP Aquafeed Cửu Long.

Các bị cáo Nguyễn Hữu Lộc, Đỗ Thái Hòa, Nguyễn Hồng Nam, Bùi Tuyết Mai, Trần Vũ Dũng bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ba bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Trà Vinh gồm Nguyễn Văn Trực (nguyên phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh), Nguyễn Quốc Hoàn (nguyên trưởng phòng Tín dụng) và Cao Văn Phong (nguyên phó phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh) bị xét xử về tội vi phạm quy định về cho vay.

Các bị cáo tại phiên tòa hôm nay (26-5). Ảnh: MC

Các bị cáo tại phiên tòa hôm nay (26-5). Ảnh: MC

Cả tám bị cáo có mặt tại tòa và giữ nguyên kháng cáo kêu oan. Theo đó, các bị cáo cho rằng các hợp đồng mua bán là có thật, không bị làm khống và quy trình cho vay được thực hiện đúng trình tự, thủ tục.

Phía các bị cáo Trực, Hoàn, Phong cho rằng việc tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 179 BLHS năm 1999 để xử lý hình sự những người này là trái pháp luật, trái Nghị quyết số 41 của Quốc hội về hướng dẫn áp dụng BLHS năm 2015.

Mặt khác, không có bất kỳ chứng cứ nào cho thấy các bị cáo có hành vi nâng khống tài sản thế chấp, mà chỉ có duy nhất lời khai của một nhân viên quản lý kho của Công ty Aquafeed.

Luật sư của các bị cáo Trực, Hoàn, Phong cho rằng việc cấp sơ thẩm tách khoản công nợ 91,2 tỉ đồng và nhận định công nợ này không đăng ký giao dịch bảo đảm thế chấp là không đúng với thực tế.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về các tội danh nêu trên là không oan. Do đó, VKS đề nghị bác kháng cáo kêu oan đối với các bị cáo.

Xử sơ thẩm vào ngày 9-2-2018, TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên các bị cáo Lộc 14 năm tù, Hòa 12 năm tù, Nam 10 năm tù, Mai 10 năm tù, Dũng 7 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo Điều 139 BLHS năm 1999).

Trong khi đó, các bị cáo Trực, Hoàn, Phong cùng bị tuyên mức án năm năm tù về tội vi phạm các quy định về cho vay (theo Điều 179 BLHS năm 1999).

Ngày 11-12-2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Sau đó, Chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm.

Ngày 3-3-2021, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên giám đốc thẩm và quyết định hủy bản án phúc thẩm để TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lại.

Nói lời sau cùng, các bị cáo đều cho rằng mình không có tội, mong HĐXX tuyên một bản án công tâm, đúng pháp luật…

Do vụ án có tính chất phức tạp, HĐXX thông báo nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng ngày 6-6.

Hồ sơ thể hiện, từ ngày 30-6-2010 đến 29-12-2011, các bị cáo Nguyễn Hữu Lộc, Trần Vũ Dũng cùng các bị cáo Đỗ Thái Hòa, Nguyễn Hồng Nam, Bùi Tuyết Mai và Võ Ngọc Thắm (phó tổng giám đốc Công ty Biển Tây) đã ký nhiều hợp đồng mua bán nguyên liệu khống giữa Công ty Aquafeed Cửu Long và Công ty Cổ phần Công nghiệp thủy sản, Công ty Biển Tây.

Qua đó, Công ty Aquafeed Cửu Long sử dụng 50 hóa đơn khống làm chứng từ để vay và được Agribank Trà Vinh giải ngân, chuyển 100 tỉ đồng vào tài khoản công ty.

Sau khi được giải ngân, Công ty Aquafeed Cửu Long đã chuyển cho Công ty Công nghiệp thủy sản 28 tỉ đồng và Công ty Biển Tây 26,1 tỉ đồng bằng 42 ủy nhiệm chi để cho các bị cáo Nguyễn Hữu Lộc và Trần Vũ Dũng chiếm đoạt.

Đối với các bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Trà Vinh đã có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 52,4 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm