Quyết định xử lý lần này không liên quan gì đến vụ án hình sự mà các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đã truy tố oan đối với ông chủ quán Xin Chào nhưng có lẽ xuất phát từ vụ án hình sự kia, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ việc tạm gọi là Xin Chào 2. Đây là điều hết sức bình thường về mặt tâm lý xã hội bởi cái tên Xin Chào đã trở thành một “điển tích” hay nói theo báo chí hiện đại thì đó là một keyword (từ khóa) quen thuộc đối với rất nhiều người.
Điều đáng nói ở đây là dư luận chia ra thành nhiều chiều khá đối lập:
Một phía cho rằng việc xử lý hành chính lần này đối với ông Tấn có một số điểm trái luật (trên nhiều báo như SGGP, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP.HCM… ), cụ thể ở đây là Luật Xây dựng 2014. Vì thế cần phải hủy bỏ quyết định xử lý này và ra một quyết định xử lý khác dựa trên các căn cứ xác đáng hơn.
Phía khác thì cho rằng ông Tấn “lạm dụng” sự ủng hộ của dư luận đối với mình từ vụ án hình sự trước đây hòng gây sức ép để chính quyền rút lại quyết định xử lý. Cũng có ý kiến còn cho rằng việc các báo đăng tải thông tin dày đặc thế này sẽ làm cho các cơ quan chức năng của huyện này cảm thấy chùn tay khi tiến hành xử lý các hành vi xây dựng không phép, sai phép, nhất là khi Bình Chánh vẫn đang tiếp tục là điểm nóng về vấn đề này. Thậm chí có người còn lo ngại nếu việc xử lý ông Tấn bị can thiệp quá mức sẽ là tiền lệ dẫn đến hậu quả xấu trong quản lý xây dựng.
Chúng tôi cho rằng việc một sự kiện gây ra nhiều cách hiểu, góc nhìn khác nhau là bình thường. Vấn đề ở đây là phải nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề, không bị hiện tượng dẫn dắt; việc tranh biện phải trên cơ sở các tình tiết được xác thực và các quy định có liên quan.
Dù đứng ở chiều nào thì chúng ta cũng phải cùng thừa nhận tuân thủ pháp luật là thước đo cho mọi hành xử của chính quyền lẫn người dân. Nếu lấy thước đo này làm chuẩn thì bên nào hành xử sai luật cũng đều cần bị phê phán và xử lý.
Báo chí với chức năng của mình đã thực hiện việc thông tin, phản biện với tinh thần xây dựng góp phần cùng chính quyền phân tích, mổ xẻ nhằm tìm ra những cái chưa phù hợp mà có những điều chỉnh hợp lý.
Chính quyền các cấp với vai trò quản lý địa bàn cứ theo chức năng của mình mà hành xử đúng pháp luật. Chúng tôi cho rằng chỉ có một cách duy nhất để chính quyền không chùn tay khi xử lý tình trạng xây dựng không phép, sai phép như một số ý kiến lo ngại là cán bộ thực thi pháp luật phải hoàn thiện mình, am tường luật pháp và công tâm khi áp dụng pháp luật.
Cơ quan tố tụng đã sai khi xử lý hình sự vụ Xin Chào. Tuy nhiên sẽ sai hơn nếu vì vụ đó mà thiếu quyết tâm trong việc xử lý tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Rút kinh nghiệm từ vụ trước là để xử lý đúng, triệt để và có căn cứ mọi sai phạm dù là ai, đó mới là điều cần hướng đến.