Vụ xử 3 cán bộ NH: VKS xác định thiệt hại hơn 304 tỉ

Ngày 27-4, TAND TP Cần Thơ tiếp tục ngày xét xử thứ bảy đối với vụ Lê Thanh Hải, nguyên giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Cần Thơ, cùng hai thuộc cấp và ba người khác bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trong ngày xét xử thứ bảy, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Đại diện VKS phát biểu quan điểm tranh luận tại tòa ngày 27-4. Ảnh: NN

Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Nhân đặt vấn đề tại sao bị cáo không phải là người làm trong các tổ chức tín dụng mà lại bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

VKS dẫn các quy định tại Quyết định 1627/2001 về quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng với khách hàng, Quyết định 63/2010 về hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, Thông tư 03/2011 hướng dẫn chi tiết Quyết định 63 để khẳng định cơ quan tố tụng truy tố các bị cáo không thuộc tổ chức tín dụng là đúng.

Về thiệt hại, VKS cho rằng thiệt hại không phụ thuộc ý chí bị hại vì vụ án này không khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Con số thiệt hại hơn 304 tỉ là VKS dựa vào nhiều yếu tố… “Xác định con số thiệt hại theo công thức do Ngân hàng Nhà nước đưa ra chứ không phải ý chí của cơ quan tố tụng. Sau khi tòa trả hồ sơ, VKS đã tính thiệt hại theo con số có lợi nhất cho các bị cáo và thiệt hại được xác định vào ngày khởi tố vụ án” – VKS nói.

Theo VKS, các luật sư (LS) chưa thống nhất con số thiệt hại, chỉ cho rằng kết luận định giá vi phạm. Tuy nhiên kết luận định giá cũng chỉ là một trong những căn cứ để đánh giá thiệt hại…

Đại diện VKS cho rằng LS đưa ra con số về giá đất tại đường Nguyễn Trãi để so sánh là cách “so sánh hơi khập khiễng” vì giá giao dịch một miếng đất còn phụ thuộc diện tích lớn, nhỏ. Đối với hai mảnh đất số 12 và 51 Nguyễn Trãi là đất thương mại, dịch vụ phải lấy giá đất ở để tham khảo…

VKS cho biết cơ quan điều tra thu thập hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để tham khảo giá đất tại hai địa chỉ trên đường Nguyễn Trãi. Sau đó, tính toán giá trị đất theo công thức của ngân hàng và đem so sánh với giá do hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự đưa ra thì thấy rằng giá do hội đồng định giá có lợi hơn nên đã lấy giá của hội đồng định giá là có lợi cho các bị cáo. Đối với các tài sản khác cũng xác định theo phương pháp như vậy…

VKS cũng cho rằng không quy kết các bị cáo chiếm đoạt mà quy kết các bị cáo thực hiện hành vi không đúng dẫn đến hậu quả… Việc thay đổi tội danh đối với bị cáo Nhân là do cơ quan tố tụng đã nhìn rộng, sâu hơn về động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo.

Các bị cáo tại tòa ngày 27-4. Ảnh: NN

LS của bị cáo Nhân vẫn không đồng ý về tội danh mà bị cáo bị truy tố. Nhiều LS vẫn giữ quan điểm cho rằng không có thiệt hại hoặc thiệt hại chưa xác định được như đại diện ngân hàng từng nói. Do đó, nhiều LS tiếp tục đề nghị tòa tạm đình chỉ vụ án để bị cáo Nhân, các công ty, cá nhân giải quyết các hợp đồng tín dụng với ngân hàng rồi sau đó giải quyết tiếp nếu có thiệt hại…

Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng quan điểm CQĐT và VKS xác định thiệt hại hơn 304 tỉ chứ không phải thanh lý các hợp đồng tín dụng mới xác định thiệt hại. VKS cũng cho rằng luật không có quy định nào cho tạm đình chỉ để xử lý tài sản.

Cũng theo VKS, do vụ án kết thúc điều tra trước thời điểm BLTTHS 2015 có hiệu lực nên những vi phạm về kết luận định giá không xem là vi phạm tố tụng vì tố tụng (theo BLTTHS 2003) không có quy định.

Kết thúc ngày làm việc thứ bảy, tòa tuyên bố tạm nghỉ, sau nghỉ lễ, tòa sẽ tiếp tục phần tranh luận.

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, cáo trạng mới nhất truy tố các bị can Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh (nguyên là giám đốc, trưởng phòng và cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Cần Thơ), Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các bị cáo lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay và sử dụng vốn vay sai mục đích gây thiệt hại về tài sản cho Agribank số tiền hơn 304 tỉ đồng…

 

Áp lực về tài chính buộc các bị cáo che giấu tội phạm

Tại tòa, đại diện VKS nói: Tôi thừa nhận bị cáo Nhân rất là tài, điều khiển một khoản tiền cực lớn như vậy, ở các công ty như vậy, một dự án khổng lồ như vậy không phải là người bình thường làm được. Tuy nhiên, bản thân bị cáo thiếu vốn tự có. Tất cả dự án hình thành từ vốn vay mà vốn vay với thời điểm lãi suất cực kỳ lớn nên bị cáo hướng đến Quyết định 63 với lãi suất 0%...

Nhưng nếu như bị cáo sử dụng có thể là gian dối để có đồng vốn mấy trăm tỉ đưa vào dự án như tính toán của bị cáo thì tôi nghĩ là hôm nay chưa hẳn ngồi đây. Cái sai của bị cáo ảo tưởng sử dụng số tiền này, đem ra khỏi dự án, đầu tư vào bất động sản tức là số 12 và 51 Nguyễn Trãi dẫn đến bất động sản này trầm ê đến thời điểm này, trong khi lãi phát sinh. Khi phát hiện gói vay 258 có sai, bắt buộc phải trả lãi thì bị cáo không thể xoay kịp. Áp lực về tài chính bắt buộc các bị cáo phải che giấu tội phạm bằng cách thành lập các công ty vay tiền trả nợ để che giấu, không cho các khoản nợ thành nợ xấu. Vì thành nợ xấu thì người đầu tiên bị xử lý là cán bộ tín dụng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm