Xét học bạ đang được xem là phương thức tuyển sinh thu hút lượng lớn phụ huynh, thí sinh (TS) ở các trường đại học (ĐH). Thế nhưng việc TS dễ dàng nộp hồ sơ ở nhiều trường, phương thức này được nhiều trường ví như “đếm cua trong lỗ”.
Thí sinh nộp hồ sơ ngày một tăng
Thống kê chưa chính thức tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đến thời điểm này, sau hơn hai tháng nhận đăng ký, trường đã nhận hơn chục ngàn đăng ký xét tuyển từ TS. Đây là những TS đã đủ điều kiện đề ra ban đầu của trường, tức chủ yếu TS trường chuyên, năng khiếu hoặc tốp đầu THPT. Số quan tâm, đăng ký qua mạng cũng lên đến vài chục ngàn, trong khi đây là năm đầu tiên trường xét tuyển theo phương thức này với khoảng 1.000 chỉ tiêu.
Theo PGS-TS Dũng, nhóm ngành thu hút TS nhất vẫn là công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, kỹ thuật... Trong đó, ngành robot và trí tuệ nhân tạo đông TS quan tâm nhất. Các ngành ít thu hút TS nhất vẫn là nhóm ngành về môi trường, xây dựng, kỹ nghệ gỗ....
Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đây cũng là năm đầu tiên trường xét tuyển theo phương thức học bạ với chỉ tiêu chỉ khoảng 600. Đến gần cuối tháng 6, trường đã nhận được hơn 1.000 TS đăng ký theo đủ điều kiện mà trường đưa ra.
Ghi nhận tại Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), xét tuyển bằng học bạ cũng thu hút lượng lớn phụ huynh, TS khi có đến hơn 11.000 TS đăng ký. Và số này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do thời gian đăng ký còn kéo dài.
ThS Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết đến thời điểm này đã có hơn 3.500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Số lượng nguyện vọng một số ngành tăng so với năm 2019, như quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, du lịch, khách sạn, quan hệ quốc tế, quan hệ công chúng, thương mại điện tử, công nghệ thông tin và nhóm ngành ngôn ngữ...
Phụ huynh, TS đang tìm hiểu về các phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ tại ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: PHẠM ANH
Xét tuyển kiểu... đếm cua trong lỗ!
Mặc dù số lượng TS đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào các trường rất lớn nhưng lại khiến các trường lo ngại khi xét tuyển. Bởi việc TS dễ dàng nộp hồ sơ vào nhiều trường, nhiều ngành để tăng cơ hội trúng tuyển sẽ khiến TS trúng tuyển ảo lớn. Việc lọc ảo với các trường cũng không phải đơn giản khi không nắm được TS đã nộp hồ sơ những đâu.
Thẳng thắn chia sẻ vấn đề này, TS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng đào tạo của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng khi đưa phương thức xét học bạ vào tuyển sinh, trường lo lắm. Bởi với phương thức sử dụng điểm thi THPT quốc gia như mọi năm, Bộ GD&ĐT có hỗ trợ lọc ảo và trường còn tham gia vào nhóm lọc ảo phía Nam nên số TS trúng tuyển khá chính xác vì mỗi TS chỉ trúng tuyển vào một trường theo thứ tự nguyện vọng đăng ký. Còn với xét học bạ sẽ rất khó vì một em có thể sao ra hàng trăm học bạ để đi nộp vào các trường. Nguồn tuyển dựa vào hồ sơ nộp vào trường có khi lên tới vài ngàn nhưng khó để tuyển được TS nào thực sự có quan tâm, tâm huyết và coi việc lựa chọn vào trường là ưu tiên số một.
“Chỉ tiêu xét học bạ vào trường chỉ có hơn 600, nếu lấy đến 1.500 em mà lỡ các em vào hết hoặc nếu chỉ được có 60 em thì cũng khốn khổ. Hiện trường cũng chỉ biết thăm dò, học hỏi các trường khác để lọc ảo thôi. Trường cũng dự tính nên chăng trước khi thực hiện việc xét tuyển thì gửi cho các em phiếu thăm dò để nắm sự quan tâm của các em cho trường và cả các trường khác ở mức độ nào. Nhưng xác suất tuyển được chẳng khác nào đếm cua trong lỗ” - TS Minh bày tỏ.
Cũng lo ngại về vấn đề này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết phương thức xét tuyển học bạ nhưng do phương thức này chưa tin cậy lắm nên trường chủ yếu ưu tiên xét cho tốp các trường chuyên, năng khiếu, tốp đầu khối THPT.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Dũng, chính nhóm TS đến từ các trường chuyên này lại ảo nhiều nhất. Vì nhiều em nộp hồ sơ ở các trường chỉ để dự phòng. Khi có kết quả trúng tuyển nhiều trường, các em sẽ ưu tiên các trường như y dược, bách khoa trước... Như năm 2019, trường gọi đến 800 em trường chuyên nhưng nhập học chỉ có 300 em.
“Vì thế, hiện nay trường chỉ nhận hồ sơ rồi chờ đến tháng 8 mới bắt đầu xét để việc xác nhận nhập học của các em chắc chắn hơn. Do tỉ lệ ảo có thể lớn nên trường có thể sẽ có nhiều đợt xét hoặc nếu không tuyển đủ do trúng tuyển ảo nhiều thì số chỉ tiêu còn lại trường sẽ chuyển sang xét điểm thi tốt nghiệp THPT” - PGS-TS Dũng cho hay.
Ba đến năm phương thức xét tuyển Theo thông tin thống kê từ Bộ GD&ĐT, tổng chỉ tiêu xét tuyển ĐH năm 2020 tăng 10% so với năm trước, trên 500.000 chỉ tiêu. Trong đó, dự báo các trường ở tốp trên có mức độ cạnh tranh cao vì số chỉ tiêu tuyển sinh chiếm chưa đến 10% tổng tuyển sinh. Nhìn chung, đa phần các trường ĐH đều sử dụng từ ba đến năm phương thức xét tuyển khác nhau để tiếp cận được nhiều đối tượng TS hơn. Trong đó, các trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển nhưng chỉ tiêu sẽ giảm hơn và thay vào đó là sẽ tăng chỉ tiêu cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm thi năng lực, tuyển thẳng... để đảm bảo chất lượng đầu vào. Do vậy, Bộ GD&ĐT lưu ý TS cần tham khảo kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để lựa chọn phương thức xét tuyển, chọn ngành học, nghề nghiệp phù hợp với năng lực và điều kiện bản thân. |