Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, các địa phương trên cả nước đã bắt đầu công tác chấm thi. Theo đánh giá chung của giáo viên, học sinh (HS), đề thi các môn học năm nay đều giảm nhẹ hơn năm 2019, phù hợp xét tốt nghiệp THPT. Vì vậy, phổ điểm thi các môn được dự đoán sẽ khá cao. Điều này cũng khiến nhiều người lo ngại điểm chuẩn vào các trường đại học (ĐH) tăng, cơ hội trúng tuyển sẽ cạnh tranh hơn.
Phổ điểm sẽ cao
Dự thi tổ hợp khoa học xã hội để đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), em Nguyễn Quang Bình (HS Trường THPT Tam Phú, quận Thủ Đức) rất tự tin vào bài làm của mình.
Quang Bình chia sẻ em làm bài khá tốt do đề không khó. Em dự đoán tổng ba môn xét tuyển của mình tầm 26,75 điểm.
Với đề thi năm nay, Quang Bình dự đoán điểm chuẩn các ngành xét tuyển tổ hợp khoa học xã hội sẽ tăng ít nhất 1,5-2 điểm. Riêng khối D (toán, văn, tiếng Anh) cũng sẽ tăng nhưng tăng ít hơn vì môn tiếng Anh vẫn có độ khó để phân loại thí sinh.
Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cũng dự đoán điểm chuẩn năm nay của các trường ĐH sẽ tăng so với năm ngoái.
Lý do, theo thầy Thịnh, đề thi các môn như toán, tổ hợp trong bài khoa học tự nhiên đều có độ khó giảm hơn năm 2019. Như môn toán, điểm 10 sẽ hiếm nhưng điểm 8, 9 sẽ xuất hiện nhiều.
“Điểm chuẩn sẽ tăng 1-2 điểm so với năm 2019. Những trường ĐH tốp đầu sẽ tăng mạnh như ĐH Ngoại thương, Bách khoa, Kinh tế, Sư phạm TP.HCM và Y Dược TP.HCM....” - thầy Thịnh dự đoán.
Tương tự, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), cũng nhận định: Đề thi các môn năm nay rất vừa sức với HS. Tuy nhiên, để phân loại, xét tuyển ĐH sẽ hơi khó vì phổ điểm chắc chắn cao.
“Mức điểm tổng ba môn sẽ tăng đồng đều, 25-27 điểm sẽ rất nhiều. Điều này cũng sẽ rất khó cho các trường ĐH khi xác định mức điểm trúng tuyển. Những ngành hot ở các trường như Y Dược, Bách khoa năm nay có thể tăng lên 27, 28, thậm chí lên 29 điểm” - ông Bình nhận định.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH
Điểm chuẩn có thể tăng đến 2-3 điểm
Đánh giá đề thi năm nay, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng phương án tổ chức thi và cách ra đề thi năm nay rất phù hợp với thí sinh khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đề các môn có độ khó giảm nhưng vẫn có tính phân hóa, đảm bảo được cả cho xét tốt nghiệp lẫn xét tuyển ĐH.
Do đó, theo ông Dũng, phổ điểm chuẩn các ngành ĐH năm nay sẽ tăng khoảng 2-3 điểm, tính theo tổng ba môn xét tuyển.
Lý do, ông Dũng cho rằng mặc dù điểm của thí sinh cao hơn nhưng các trường ĐH năm nay tuyển sinh bằng rất nhiều phương thức như xét học bạ, ưu tiên xét tuyển, thi đánh giá năng lực... Do đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm mạnh trong khi số thí sinh đăng ký vẫn khá nhiều. Vì thế, điểm chuẩn chắc chắn sẽ tăng hơn năm 2019.
Riêng tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn tăng mạnh ở các ngành hot như công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, kinh doanh quốc tế, tự động hóa, thương mại điện tử, logistics...
Về vấn đề này, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc trung tâm tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng đề thi các môn nhẹ nhàng hơn, phổ điểm có thể cao hơn. Như ngữ văn và toán, phần lớn các em sẽ đạt điểm 5-6, các môn trong bài khoa học tự nhiên cũng chủ yếu 6-7 điểm. Tuy nhiên, các em để đạt điểm cao từ 8 trở lên rất khó, đạt điểm tuyệt đối thì còn khó hơn nữa.
Do đó với cách ra đề này, theo ông Sơn, các trường ĐH sẽ không phải thay đổi phương án xét tuyển. Các trường tốp trên sẽ có HS giỏi thực sự, các trường tốp giữa và tốp dưới cũng đạt được mục tiêu mình mong muốn là tuyển sinh đủ ở những ngành tốp và có yếu tố hot như khối ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp thực phẩm, điện tử...
Tuy nhiên, về điểm chuẩn, theo ông Sơn, dự kiến điểm đầu vào các ngành của trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ vẫn như năm 2019. Các ngành như công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế... có thể tăng nhưng không nhiều, tăng tầm khoảng 1 điểm so với năm ngoái. Còn với các ngành kỹ thuật như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí... sẽ không tăng.
“Đề thi nhẹ nhàng nhưng chỉ tiêu theo xét điểm giảm. Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng nhiều đến việc chọn vào ĐH của các em HS khi học phí không giảm mà còn tăng ở nhiều trường. Thực tế là số nguyện vọng đăng ký vào trường giảm mạnh, nhiều ngành như thủy sản, môi trường, công nghệ vật liệu khó tuyển sinh, có ngành số đăng ký chưa đạt chỉ tiêu. Vì thế tôi nghĩ điểm chuẩn sẽ khó giảm nhưng cũng sẽ không tăng nhiều” - ông Sơn chia sẻ.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, cũng dự đoán điểm trúng tuyển các ngành xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng, chủ yếu do chỉ tiêu theo phương thức xét điểm giảm. Trong đó, điểm tăng mạnh ở các ngành nhiều thí sinh quan tâm đăng ký như công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, du lịch, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế...
Theo ông Nhân, điểm chuẩn những ngành hot của trường có thể trong khoảng 20-25 điểm. Riêng tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, những ngành hot có thể dao động 22-23 điểm, nhóm ngành thấp nhất sẽ trong khoảng 17-18 điểm.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, các địa phương tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả về Bộ GD&ĐT, hoàn thành đối sánh kết quả thi được hoàn thành chậm nhất ngày 26-8. Ngày 27-8: Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các trường phổ thông hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ chậm nhất ngày 30-8. Trước ngày 8-9, các trường ĐH công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Từ ngày 9 đến 18-9, thí sinh có thể điều chỉnh, thay đổi các nguyện vọng đã đăng ký. Trước ngày 27-9, các trường ĐH sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. |