Chiều 10-8, kết thúc môn thi cuối cùng sau hai ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi.
Những dấu ấn của một kỳ thi đặc biệt
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ đây là một kỳ thi đặc biệt trong một năm học đặc biệt. Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thay vì cho học sinh dừng học, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức học trực tuyến, đồng thời tinh giản chương trình học phù hợp với tình hình thực tế.
“Đây cũng là lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức vào tháng 8, thời tiết tại nhiều địa phương không thuận lợi khi có mưa lớn” - ông Độ nói.
Dù vậy, đến thời điểm này, các địa phương đều đã thực hiện tốt việc tổ chức thi. Kỳ thi đảm bảo kế hoạch phòng, chống dịch, diễn ra nghiêm túc, an toàn, công bằng và khách quan.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết dịch COVID-19 là một thách thức rất lớn đối với công tác tổ chức kỳ thi. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan đã quyết tâm thực hiện kỳ thi trong bối cảnh bình thường mới.
Ông Trinh nhiều lần nhấn mạnh Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị các điều kiện và phương án tốt nhất cho kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh. Các phần mềm kỹ thuật được tăng cường tính bảo mật nhằm ngăn ngừa gian lận; công tác tập huấn được tổ chức căn cơ, bài bản; các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động trong suốt quá trình tổ chức thi giúp kỳ thi diễn ra nghiêm túc…
Theo đánh giá, qua ba ngày tổ chức thi, về cơ bản tại các hội đồng thi không có tình trạng lộn xộn; cơ quan chức năng cũng chưa phát hiện yếu tố gian lận, nhất là gian lận có tổ chức. Tất cả thí sinh đều được hỗ trợ tối đa để có thể tham dự kỳ thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN
Thí sinh vui vẻ sau khi thi xong môn cuối của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) chiều 10-8. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tổ chức thi đợt 2 như thế nào?
Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định đề thi năm nay bám sát nội dung chương trình đã tinh giản do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa theo học lực của thí sinh.
Theo đó, điểm thi sẽ đánh giá đúng thực lực của các thí sinh giỏi. Các trường có sự cạnh tranh cao cũng có thể yên tâm vì đề thi đã có sự phân hóa nhằm đảm bảo tuyển được thí sinh có học lực phù hợp với yêu cầu, chuyên ngành mình đào tạo.
Cũng tại cuộc họp báo, một nội dung rất được quan tâm, đó là kỳ thi đợt 2 dành cho các thí sinh thuộc diện bị cách ly xã hội hoặc F1, F2 sẽ được tổ chức như thế nào.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tổ chức đợt thi này, làm sao để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mọi thí sinh.
Mới đây nhất, ngày 6-8, Bộ GD&ĐT có công văn gửi tới các trường hướng dẫn việc dành ra một tỉ lệ chỉ tiêu phù hợp cho các thí sinh phải thi đợt 2. Trong công văn, Bộ GD&ĐT yêu cầu chậm nhất là ngày 3-9 các trường phải báo cáo việc điều chỉnh đề án tuyển sinh của mình, đồng thời công khai cho thí sinh được biết.
Thông qua báo cáo này, bộ sẽ giám sát, kịp thời có những đánh giá, hướng dẫn điều chỉnh sao cho phù hợp, trên tinh thần đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu.
Nói thêm, ông Mai Văn Trinh cho biết kỳ thi đợt 2 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam thiết lập tình trạng bình thường mới. Các tỉnh, thành sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương mình để đề nghị với Bộ GD&ĐT về kế hoạch thi.
Về đề thi đợt 2, ông Trinh nói đề sẽ được xây dựng trên cơ sở các giải pháp kỹ thuật, có độ khó tương đương với lần thi đầu nhằm tạo sự công bằng giữa các thí sinh.
39 là số thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó có 38 thí sinh bị đình chỉ thi. Có 18 cán bộ vi phạm quy chế thi. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tỉ lệ thí sinh dự thi đợt 1 đạt 96%. Trong đợt này có 26.308 thí sinh chưa được thi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. |
Đã dự trù quỹ thời gian cho chấm thi
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, dù dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp nhưng công tác chấm thi vẫn sẽ được tiến hành theo kế hoạch đề ra.
Cho đến nay, ngoài Đà Nẵng, các tỉnh, thành khác đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc chấm thi. Nhiều biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cán bộ chấm thi đã được tính toán đầy đủ. Bộ GD&ĐT cũng dự trù quỹ thời gian để các TP lớn như Hà Nội hay TP.HCM có thể đảm bảo về cả tiến độ và chất lượng chấm thi.
Ông Trinh cũng cho hay năm nay vẫn sẽ công bố đáp án và điểm thi. Trong đó, đáp án được công bố theo tiến độ chấm bài thi, điểm thi công bố theo lịch trình đã được Bộ GD&ĐT vạch ra từ trước, chỉ khi nào hoàn thành công tác chấm thi thì mới công bố điểm thi.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh vẫn sẽ tiến hành phân tích, đánh giá phổ điểm như mọi năm.
Ba tỉnh tổ chức thi tốt nghiệp lại cho một số thí sinh Hôm nay, một số thí sinh tại ba tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh và Bình Phước phải thi lại do lỗi của giám thị. Theo Cục Quản lý chất lượng, một số giám thị đã vi phạm thời gian làm bài thi, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của thí sinh. Vì thế, Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức thi lại ngay cho những thí sinh bị ảnh hưởng quyền lợi trong ngày 11-8. Cụ thể, trong buổi thi văn ở Bắc Ninh, các cán bộ coi thi đã ký nhầm vào ô “cán bộ chấm thi” nhưng các thầy cô bị tâm lý nên yêu cầu thí sinh phải chép lại. Trong buổi thi môn tổ hợp, giám thị ở Điện Biên đã phát đề thi môn địa lý chậm 5 phút nhưng không bù giờ. Tại một điểm thi ở Bình Phước, cả giám thị và thí sinh đều nghĩ được miễn thi môn địa lý, vì thí sinh là học sinh giỏi cấp trường. Giám thị không kiểm tra nên đã cho thí sinh không thi. Sau buổi thi mới phát hiện thí sinh có tên trong danh sách dự thi. Việc thi lại sẽ được tổ chức trong hôm nay, 11-8, bằng đề thi dự bị tại bảy phòng thi ở Điện Biên, một phòng thi ở Bắc Ninh và một thí sinh ở Bình Phước. |