Lập chuẩn GS, PGS riêng: Việt Nam hết chuyện lạ thường

Viện Toán học vừa có văn bản góp ý dự thảo "Quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS".

Tách biệt để tạo sự đột phá

Theo văn bản góp ý của Viện Toán, cần tách nhóm ngành khoa học tự nhiên, vì nhóm ngành này của Việt Nam đã tiếp cận được khá gần với trình độ quốc tế, trong đó có một số ngành đã đạt trình độ quốc tế.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, GS-TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: "Tôi ủng hộ việc tách nhóm ngành khoa học tự nhiên và đưa ra các tiêu chí cụ thể phong chức danh PGS, GS từ lâu rồi. Đặc biệt, tôi còn mong nâng cao hơn nữa chất lượng của việc này.

Bởi vì mỗi một ngành sẽ có một đặc thù riêng, nếu như khoa học tự nhiên là sự chính xác, đòi hỏi thí nghiệm thực tế, chứng minh bằng các con số cân, đo, đong, đếm cẩn thận thì khoa học xã hội hoàn toàn là mô phỏng, dự tính, dự báo, không thực tế.

Chính vì thế, rất cần tách riêng mỗi ngành hình thành nên một hệ thống tiêu chuẩn riêng, như vậy sẽ có sự phát triển tự do hơn, thúc đẩy sự sáng tạo, đột phá".

Bổ nhiệm GS, PGS cần tách riêng từng ngành

Bổ nhiệm GS, PGS cần tách riêng từng ngành.

Theo ông Quý, hiện nay, theo quy định hiện hành thì đối với tất cả ngành, muốn phong danh hiệu PGS, thứ nhất, thời gian được phong danh hiệu phải đợi sau khi bảo vệ tiến sĩ ba năm, có tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Bộ nhưng phải chủ trì 1-2 đề tài cấp cơ sở, nếu đầy đủ được cộng 0,25 điểm; thứ hai, phải có sáu năm thâm niên liên tục giảng dạy, trong đó ba năm trước khi bổ nhiệm phải giảng dạy liên tục không được đứt quãng; thứ ba, ít nhất phải hướng dẫn được hai thạc sĩ bảo vệ thành công có bằng.

Viết được sách chuyên khảo, được xuất bản và công nhận, đầy đủ thì được 0-3 điểm; còn sách giáo trình được 0-2 điểm. Giờ giảng là 270-290 giờ, thông thạo một ngoại ngữ bất kỳ với yêu cầu nghe - nói - đọc - viết như người bản địa.

"Thế nhưng hiện nay, ngành khoa học tự nhiên đã có những lĩnh vực đạt đến trình độ quốc tế. Như toán học, chúng ta có GS Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields, đây là giải thưởng cao quý mà nhiều nước trên thế giới chưa đạt được. Hay một số ngành khác như di truyền nông nghiệp của chúng tôi đang làm, cũng không thua kém nước nào trên thế giới.

Cho nên nếu tách biệt thì những nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực đang phát triển sẽ được phong hàm nhanh hơn, từ đó nâng tầm lên, xứng với tiêu chí quốc tế. Về thực tế cũng phải nâng cao, chứ còn ào ạt phong nhiều quá thì lại nực cười. Tôi đã từng có câu: "Việt Nam lắm chuyện nực cười/ Chưa đỗ lớp mười đã được Giáo sư".  

Đồng quan điểm, TS Phạm Quý Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển nông thôn, nói thẳng: "Từ lâu nay quan điểm của tôi là cũng phải tách ngành khoa học tự nhiên. Thậm chí ngành khoa học tự nhiên còn phải tách nhỏ ra thêm nữa, vì y học, điện tử... cũng có sự khác nhau, việc tách ra nên làm ngay".

Theo ông Hiệp, ngành khoa học tự nhiên đang rất phát triển, thậm chí tiệm cận trình độ quốc tế căn cứ dựa trên các cuộc thi quốc tế.

Trong lĩnh vực toán học, cố GS-TSKH Nguyễn Cảnh Toàn, nhà toán học Việt Nam, đã phát hiện ra lý thuyết đối hợp bộ n. Hay trong các cuộc thi Olympic các thí sinh trong lĩnh vực hóa học, vật lý, toán học... Việt Nam luôn dẫn đầu với các huy chương vàng.

Còn bên y học cũng có nhiều phát hiện mới, như TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương, thường gắn với hàng loạt thành công của ngành phẫu thuật nhi khoa Việt Nam được dư luận thế giới đánh giá cao.

Việt Nam rất ngược đời

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Quý, chất lượng phong hàm GS, PGS bên ngành khoa học tự nhiên hiện vẫn tốt hơn nhiều. Tất nhiên có nhiều trường hợp chưa đạt, cũng như không phải tất cả trường hợp bên ngành khoa học xã hội đều kém.

Nhưng ở Việt Nam lạ ở chỗ nếu học vị mà gắn liền với quyền lợi vật chất thì họ sẽ tìm mọi cách biến tấu đi. Thậm chí dù chưa có quyền lợi gì chỉ là danh hão mà ai cũng muốn có bằng mọi cách.

Vì vậy, cần xác định rõ tiêu chí công bố quốc tế, tránh việc một PGS, GS cũng có 3-4 công trình công bố nhưng không thể ứng dụng được vào thực tế.

''Tôi chỉ đánh giá cao các công trình ứng dụng như vậy, nó có tính thực sự đột phá, sáng tạo. Vì thế phải nâng điểm của những phát minh, một phát minh 3 điểm, chứ không để 1 điểm như bây giờ, tránh để thực trạng điểm một bài báo đăng trên tạp chí nông nghiệp nông thôn bảy trang bằng một phát minh ra giống lúa gạo thay đổi được cả tình trạng lúa gạo cả nước.

Tôi lại nhớ cụ Nguyễn Du đã từng viết rất hay: "Tiến sĩ" cũng năm bảy đường/ Có khi biến có khi thường..."" - ông Quý thẳng thắn.

(Theo Baodatviet.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm