Xài lụi phim và chuyện bản quyền Internet

Công ty Truyền thông DID TV (DID), đơn vị đầu tư sản xuất và sở hữu bản quyền bộ phim Gạo nếp gạo tẻ, vừa khởi kiện Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (gọi tắt là FPT) vì lý do vi phạm bản quyền trong thời gian dài. Vụ kiện đã được Tòa án quận 3, TP.HCM thụ lý ngày 6-12 vừa qua.

76 tập phim bị lưu trữ, khai thác trái phép

Ông Phạm Hữu Tuấn, luật sư của DID, cho biết từ tháng 8-2018, FPT đã sao chép, lưu trữ và khai thác toàn bộ 76 tập của bộ phim Gạo nếp gạo tẻ dưới hình thức xem phim theo yêu cầu. FPT cho phép khách hàng thuê bao của mình xem theo thời gian tự chọn trên hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền IPTV của FPT mà không có bất kỳ thỏa thuận nào với DID TV. Việc “xài chùa” này gây thiệt hại đáng kể cho nhà sản xuất.

Đến tháng 10-2018, DID đã gửi công văn đến lãnh đạo FPT cảnh báo về hành vi vi phạm nhưng vẫn bị FPT “lơ đẹp”. DID đã lập vi bằng nhiều lần về hành vi vi phạm này của FPT. Cuối tháng 10, đại diện của FPT mới có buổi làm việc trực tiếp đầu tiên với nhà sản xuất. Sau đó, FPT cam kết sẽ không khai thác bộ phim Gạo nếp gạo tẻ, đồng thời đề nghị DID bán quyền khai thác bộ phim này với mức phí bản quyền là 250 triệu đồng. Trong khi đó, DID yêu cầu FPT trả phí bản quyền cho việc đã tự ý “xài chùa” 76 tập phim Gạo nếp gạo tẻ với số tiền trên 9 tỉ đồng.

Phía DID cho biết vụ kiện lần này là để mạnh tay chấn chỉnh việc các đơn vị khai thác “xài chùa” sản phẩm có bản quyền. Năm 2016, DID đã từng trình báo đến Bộ TT&TT việc FPT đã “xài lậu” một số phim Hàn Quốc mà DID được cấp độc quyền khai thác. Thời điểm đó FPT đã có cam kết bằng văn bản không tái phạm nhưng nay lại tiếp tục vi phạm. Theo DID, để làm bộ phim này, nhà sản xuất đã đầu tư mất bốn năm, tốn rất nhiều tiền bạc và công sức. Bộ phim dài hơn trăm tập, mỗi tập chi phí khoảng 400 triệu đồng. Các đơn vị lớn như FPT “xài chùa” phim khiến chỉ số người xem (rating) trên hai kênh truyền hình HTV2 và Giải trí TV bị giảm. Tỉ lệ người xem trên Facebook và YouTube trên các kênh khai thác của DID cũng giảm.

Phim Gạo nếp gạo tẻ bị FPT sao chép, lưu trữ và khai thác 76 tập. (Ảnh do  đoàn làm phim cung cấp)

“Xài chùa” là chuyện thường ngày!

Thực ra trong vụ việc này FPT bị kiện vì là “người có tóc” - một ông lớn trong ngành truyền thông-viễn thông. Chính DID cũng cho biết có rất nhiều fanpage, các kênh YouTube “xài chùa” bộ phim, thậm chí có những kênh “xài chùa” hút lượt view rất khủng mà DID không thể nào kiểm soát được.

Quyết chiến nạn xâm hại bản quyền

Chúng tôi quyết tâm chống lại các hoạt động xâm phạm bản quyền tài sản trí tuệ, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Sau khi theo đuổi vụ kiện với FPT, Công ty DID sẽ làm việc với các đơn vị vi phạm khác.

Ông BẢO THÁI, Phó Giám đốc DID

đại diện FPT cho biết: “Chúng tôi đang rất nỗ lực và thiện chí đàm phán với DID. Do hai bên chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng nên trong thời gian này, chúng tôi chưa thể chia sẻ thông tin đến báo chí. Chúng tôi sẽ thông tin khi có thông tin chính thức”.

Đầu năm 2018, một phó chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ trong chuyến đến Việt Nam đã chia sẻ rằng trang phim lậu lớn nhất thế giới 123Movies với khoảng 98 triệu lượt xem/tháng được điều hành tại Việt Nam. Ở Việt Nam, khán giả thường lựa chọn xem trên các kênh phát chùa vì quá dễ dàng để truy cập.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BHD, cho biết mỗi tháng chỉ có 5-10 triệu lượt người xem trên các trang có bản quyền, trong khi con số này trên các web lậu là 150 triệu lượt người. Trong khi các kênh chính thống còn phải chật vật đàm phán với nhà cung cấp phim thì các trang web lậu chỉ cần vài tuần, thậm chí vài ngày là có phim trên website. Các nhãn hàng lớn cũng chọn các kênh lậu này để… quảng cáo.

VTV cũng là đơn vị thường xuyên bị xâm phạm bản quyền nghiêm trọng, trong đó có hai series phim truyền hình ăn khách là Người phán xửSống chung với mẹ chồng. Những bộ phim này ngay lúc phát sóng đã bị thu trái phép sau đó được tải về và đăng lại bởi các website lậu.

Ông Bảo Thái, Phó Giám đốc DID, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các nhà sản xuất rất chật vật để tự bảo vệ mình. Vì vậy, bên cạnh việc cầu cứu pháp luật (mà ông biết chắc cũng không thể làm xuể), các nhà sản xuất và phát hành phim cũng phải nhanh chóng xây dựng các ứng dụng xem phim trên nền tảng Internet để “cạnh tranh” với các kênh lậu. Như DID chuẩn bị ra mắt ứng dụng video online là VieON. Khán giả có thể xem phim có bản quyền song song với truyền hình trên kênh này.

Xử lý nghiêm để thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh

Việc sao chép, sử dụng tác phẩm của FPT Telecom khi chưa được phép của Công ty Cổ phần DID TV - đơn vị sản xuất và chủ sở hữu phim Gạo nếp gạo tẻlà hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Hành vi này của FPT Telecom có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

FPT Telecom là pháp nhân thương mại nên theo khoản 4 Điều 225 BLHS 2015 có thể bị phạt từ 100 triệu đến tối đa 3 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ sáu tháng đến hai năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ một năm đến ba năm, tùy tính chất, mức độ phạm tội.

Vấn đề bồi thường thiệt hại thì DID TV phải chứng minh yêu cầu bồi thường 9 tỉ đồng là có căn cứ trên cơ sở thiệt hại mà hành vi vi phạm của FPT Telecom gây ra... Chứng minh được những điều này là khó.

Hiện nay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet rất phổ biến. Cơ sở pháp lý để xử lý thì chúng ta không thiếu nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền mạnh tay áp dụng, bên cạnh đó thì việc xâm phạm quyền tác giả ở nước ta khá nhiều nên phần lớn người dân và các khán giả thấy điều đó là... bình thường. Chỉ khi nào chủ thể quyền tác giả bị ảnh hưởng đến quyền lợi nghiêm trọng thì họ mới có những hành động pháp lý để bảo vệ mình.

Tôi cho rằng nên xử lý nghiêm các vụ vi phạm như thế này để từng bước thiết lập lại môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao ý thức tôn trọng quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNHĐoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm