Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Phải xử nghiêm

(PLO)- Các chuyên gia đề nghị phải xử phạt nghiêm những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kể cả xử lý hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (VN) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Các ý kiến tại hội nghị đều đồng thuận rằng: Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT là cần thiết, đóng góp cho phát triển.

Phải xử nghiêm vi phạm sở hữu trí tuệ

PGS-TS Quách Sỹ Hùng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cho rằng với những tài sản trí tuệ càng được sử dụng thì giá trị lại càng gia tăng.

Toàn cảnh hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: CHÂN LUẬN

Toàn cảnh hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: CHÂN LUẬN

Quyền lực trí tuệ rất quan trọng vì nếu quyền lực này phát triển thì “quốc gia hưng thịnh”. Chính vì vậy, sửa luật lần này cần đảm bảo bảo vệ được quyền lực trí tuệ đó.

Theo ông Hùng, Hội Bảo vệ quyền tác giả cần đủ mạnh, có cơ sở pháp lý như Hội Bảo vệ người tiêu dùng. “Phải có tòa án chuyên về xử lý các vụ việc liên quan đến vấn đề SHTT, tương tự tòa án về hôn nhân và gia đình” - ông Hùng đề nghị.

Thậm chí ông còn đề nghị phải có chế tài, xử phạt nghiêm hơn nữa những hành vi xâm phạm quyền SHTT, nhất là xử lý hình sự.

Ngoài ra, dự thảo Luật SHTT sửa đổi cần có sự thống nhất trong cách dùng từ “bảo vệ” và “bảo hộ” đối với các sáng chế, quyền SHTT... nhằm đảm bảo tính đồng bộ xuyên suốt quá trình hoàn thiện luật.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa - xã hội, lưu ý thêm vai trò của MTTQ VN trong vấn đề này.

Theo ông Chức, MTTQ phải tuyên truyền các quy định để đảm bảo các tổ chức, cá nhân làm ra, sáng tạo ra sản phẩm phải đi đăng ký quyền SHTT.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền SHTT, tránh tình trạng như vừa qua, nhiều sản phẩm, hàng hóa của người VN bị nước ngoài đăng ký trước.

PGS-TS Quách Sỹ Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÂN LUẬN
PGS-TS Quách Sỹ Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Xử phạt hành chính phải tính thiệt hại của người bị xâm phạm quyền SHTT, một bộ phim làm ra chưa thu được lợi nhuận đã bị xâm phạm thì thiệt hại của họ là rất lớn, nên khi xử phạt phải tính thiệt hại đó” - TS Chức đề nghị.

Bổ sung quy định để tăng tính minh bạch

GS-TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường, thì đề nghị dự thảo cần đổi tên thành Luật SHTT 2022 vì luật này đã được sửa đổi hai lần.

Đi vào cụ thể, GS Trình góp ý trực tiếp vào quy định “trong trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ”.

Theo ông Trình, luật hiện nay không quy định phải “nêu rõ lý do từ chối” nên có thể dẫn tới sự thiếu minh bạch trong thủ tục từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

“Cần bổ sung thêm quy định phải thông báo bằng văn bản, nêu lý do từ chối cho người nộp hồ sơ” - GS Trình đề nghị.

Ông Trình cũng cho rằng: Dự thảo luật cần quy định chi tiết mang tính định lượng về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng để cả chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở thống nhất, cụ thể khi xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Hữu Dũng cho hay: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN rất quan tâm việc tham gia xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT.

Ban Thường trực mong muốn dự thảo luật này khi được sửa đổi sẽ khuyến khích sáng tạo, đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi.

“Quyền SHTT phải được bảo vệ và thực thi hiệu quả; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT phải được nâng cao để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước” - ông Dũng nói.

Với các ý kiến tại hội nghị, Ban Tuyên giáo của Ủy ban Trung ương MTTQ VN sẽ tổng hợp, làm thành văn bản góp ý gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5.

Bảy vấn đề trọng tâm khi sửa luật

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết có bảy nhóm chính sách trong Luật SHTT được sửa đổi lần này gồm:

- Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền.

- Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước.

- Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền.

- Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng.

- Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT.

- Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT.

- Đảm bảo thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm