Xây dựng nhà nước pháp quyền để có những cán bộ gương mẫu

(PLO)- Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thành những sinh hoạt chính trị rộng lớn sẽ có thêm những cán bộ gương mẫu, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp, còn thiếu gương mẫu… Hãy cùng nhìn nhận về thực trạng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu như trên tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào sáng 3-10 và một số giải pháp từ vĩ mô đến cụ thể.

Thời gian qua, hàng loạt sai phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên bị phát hiện, xử lý. Riêng trong khóa XIII, đến nay đã có sáu ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật, bằng 70% số ủy viên Trung ương bị kỷ luật của cả nhiệm kỳ trước. Trong đó, ba ủy viên Trung ương khóa XIII bị khai trừ ra khỏi Đảng - hình thức kỷ luật cao nhất, ba người khác bị kỷ luật ở mức cảnh cáo.

Phát biểu của Tổng bí thư tại hội nghị quan trọng của Đảng cho biết tính bức thiết của thực trạng này. Có thể thấy trong thực trạng được Tổng bí thư nhấn mạnh đã có nguyên nhân của những sai phạm: Lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu. Vậy để ngăn ngừa, hạn chế, từng bước xóa bỏ những sai phạm, cần ngày một có thêm nhiều cán bộ gương mẫu, ý thức sâu sắc về tiêu chuẩn trên mọi phương diện và tư cách đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Từ ý thức đó, người cán bộ, đảng viên luôn phải cố gắng gìn giữ chuẩn mực về hành động cả trong công việc lẫn cuộc sống thường ngày.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy những nguy cơ từ tình trạng thiếu gương mẫu, sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Người nhiều lần nhắc nhở: Sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên bao hàm từ việc lớn như chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước, quy định của tập thể đến những việc bình thường. Câu nói của Bác: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” đủ cho thấy tầm quan trọng của đạo đức.

Với nhận thức sâu sắc về sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, bản thân Bác là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng một cách tự nhiên như sinh hoạt hằng ngày. Bằng sự nêu gương này, Bác đã xây dựng được đội ngũ cán bộ cốt cán chí công vô tư, hết lòng phụng sự cách mạng trong hoàn cảnh đất nước đối mặt với muôn vàn thử thách.

Nhưng làm thế nào để ngày càng có nhiều hơn những cán bộ gương mẫu? Rõ ràng cần một thể chế hoàn thiện vừa tiếp thu tinh hoa của thế giới vừa phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tư tưởng nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong Hiến pháp 1946. Tiếp nối tư tưởng ấy, tại hội nghị lần này, Trung ương sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, cùng với đó là đề án tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.

Với sự quan tâm từ Trung ương, sau hội nghị các vấn đề của nhà nước pháp quyền XHCN vẫn rất cần sự góp ý xây dựng của cả hệ thống chính trị, đông đảo nhân sĩ, trí thức và nhân dân. Đó là tiếp thu kinh nghiệm của một số nước có đảng cầm quyền trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền tạo động lực phát triển thịnh vượng nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa, xã hội Việt Nam gắn với định hướng XHCN. Đó là mở rộng dân chủ trực tiếp để người dân trực tiếp bầu chọn cán bộ các cấp xứng đáng, phù hợp. Đó là cơ chế, kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ…

Chỉ khi việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN biến thành những sinh hoạt chính trị rộng lớn thì đề án mới hội tụ được tâm huyết, trí tuệ và tạo sức lan tỏa ra toàn xã hội. Từ đó liên tục có thêm những cán bộ gương mẫu, từng bước đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm