“Tôi rất vui khi thấy Hà Nội và TP.HCM đang thi công hệ thống đường sắt đô thị (metro). Từ lâu hai TP này đã đạt tới mức dân số cần thiết để xây metro nhưng bây giờ làm vẫn không phải quá muộn.Tất nhiên nếu quyết định xây metro sớm hơn thì chúng ta đã có những dự án rẻ hơn, đồng thời việc xây dựng cũng sẽ ít gây phiền phức cho người dân hơn” - GS Phan Văn Trường, chuyên gia quốc tế về metro, đường sắt cao tốc và các loại xe điện đô thị, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCMsau khi hay tin tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM) sẽ khởi công vào đầu năm 2016.
Bộ mặt mới cho giao thông đô thị
. PV: GS vừa nói về yếu tố dân cư thì cả Hà Nội và TP.HCM đã đạt đến mức cần thiết phải xây dựng metro…
+ GS Phan Văn Trường: Về nguyên tắc, bất cứ đô thị nào có trên một triệu dân đều bắt đầu phải nghĩ đến việc xây dựng metro, bởi với mức dân số đó sẽ khó lòng tránh được nạn kẹt xe, ùn tắc nếu diện tích mặt đường giao thông không được mở rộng.
Hệ thống metro được ưu tiên chọn lựa do chạy trên đường riêng và chuyên chở được rất đông hành khách, nhất là vào giờ cao điểm. Năng lực vận chuyển của metro có thể lên tới 45.000 lượt hành khách/giờ, còn metro lớn có thể chở đến80.000-100.000 lượt hành khách/giờ. Nếu một đô thị được quy hoạch bài bản và tích hợp với các tuyến metro thì giao thông đô thị được giảm tải rất nhiều. Ô nhiễm môi trường và TNGT cũng sẽ giảm đáng kể.
. Đ??c bi?t GS t?ng nhi?u l?n g?p ? v? vi?c x?y d?ng metro ? Vi?t Nam. Nh?ng ? ki?n c?a GS c? th? ra sao?
ược biết GS từng nhiều lần góp ý về việc xây dựng metro ở Việt Nam. Những ý kiến của GS cụ thể ra sao?
+ Trước tiên cần lưu ý rằng metro là một hệ thống chứ không phải chỉ 1-2 tuyến đơn lẻ. Chúng ta khó lòng đòi hỏi người dân phải đi bộ nhiều kilomet tới các trạm metrođể sử dụng phương tiện chuyên chở công cộng này. Do vậy yêu cầu đầu tiên đặt ra là metro phải bao phủ hầu hết tuyến giao thông trong đô thị. Dự án chỉ có thể coi như hoàn thành khi tuyến metro cuối cùng được xây xong và cả hệ thống vận hành suôn sẻ. Lúc ấy người dân mới có thể dùng metro để đi đến bất cứ nơi nào.
Metro là một công cụ tuyệt vời giúp thực hiện tái cấu trúc đô thị. Những TP năng động trên thế giới đã đặt ra cả một chính sách quy mô về quỹ mặt bằng nhiều năm trước khi bắt đầu xây metro. Thậm chíSingapore đã hoạch định lại mật độ xây dựng nhà ở trong đô thị sao cho phù hợp với các dự án metro. Chẳng hạn ở gần trạm metro phải xây nhà cao tầng bởi như thế rất đông người dân sẽ dễ dàng tiếp cận loại hình này.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (bìa trái) kiểm tra công trình tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. Ảnh: MP
Tôi cũng nhiều lần góp ý nên giảm mật độ cư dân ở trung tâm, thậm chí phải xây đô thị vệ tinh để phù hợp với các tuyến metro. Metro là một công cụ giúp mọi người có cơ hội sống xa trung tâm, ở những nơi thoáng mát với không khí trong lành nhưng chỉ cần 20 phút là vào đến trung tâm. Cho nên xây metro là phải nắm lấy cơ hội giãn dân ra xa trung tâm TP, thậm chí cần đưa cả các trung tâm thương mại và dịch vụ ra ngoài trung tâm hành chính.
. Theo ước tính, giá vé metro tại Việt Nam vào khoảng 8.000 + 800 đồng (giá bước lên metro là 8.000 đồng và mỗi kilomet cộng thêm 800 đồng - PV). Mức giá này liệu có thu hút hành khách?
+ Đây đúng là vấn đề nan giải cho 99% các công ty vận hành metro tương lai. Để metro trở thành phương tiện chuyên chở phổ biến thì giá vé phải phù hợp với thành phần xã hội trung bình. Vé mà đắt quá thì không ai đi (nhất là khi người dân còn sử dụng xe máy nhiều) nhưng vé rẻ quá thì metro sẽ lỗ dài dài (có thể hiểu là lỗ vĩnh viễn vì không bao giờ có thể giải thể metro). Trong trường hợp này, Hà Nội và TP.HCM sẽ phải bao cấp giá vé hàng trăm năm sau khi vận hành metro.
Cơ hội tiếp thu công nghệ
. Hàn Quốc là một trongnhững nhà thầu xây dựng metro tại Việt Nam. Theo GS, Việt Nam có thể áp dụng kinhnghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng và phát triển metro không?
+ Về mặt kỹ thuật và công nghệ, xây metro là cơ hội rất hiếm để nước ta được chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển. Khi Trung Quốc, Hàn Quốc mua metro và đường sắt cao tốc từ Pháp và Đức, chủ yếu họ muốn nắm bắt công nghệ chứ không phải chỉ tiếp nhận các tuyến metro, đường sắt cao tốc được thi công sẵn để vận hành. Tôi biết Việt Nam cũng ý thức được điều này nhưng ý chí học tập và tiếp thu công nghệ của chúng ta chưa cao.
Cách nay 20 năm, Hàn Quốc và Trung Quốc đã quyết chí “chỉ mua dự án đường sắt cao tốc của nước ngoài một lần duy nhất”. Họ cố gắng hết sức để tiếp thu kỹ thuật, theo dõi chi tiết từng quá trình thi công, gửi hàng ngàn chuyên viên sang Pháp, Đức và Nhật để đào tạo.Liệu chúng ta có làm được điều này? Tôi chưa có câu trả lời vì không rõ quyết tâm và ý chí của chúng ta ra sao.
Chắc chắn không một dự án metro, đường sắt cao tốc, nhà máy điện nguyên tử hạt nhân nào lại đơn giản về kỹ thuật cũng như tài chính. Vậy mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã thực hiện được điều không tưởng: Họ chỉ mua dự án duy nhất một lần và ngay sau đó đã có đủ khả năng đi chuyển giao lại công nghệ cho nước chậm tiến hơn.Điều này vượt quá sức tưởng tượng các chuyên gia về metro, đường sắt cao tốc của Pháp và Đức.
. Trong tương lai Việt Nam có theo kịp Hàn Quốc và Trung Quốc trong việc xây dựng metro?
+ Càng ngày chúng ta càng phải tăng cường, dành ưu tiên cho các phương tiện chuyên chở công cộng, đồng thời hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đi vào trung tâm đô thị trong những giờ cao điểm. Đây là chính sách được hầu hết đô thị tân tiến áp dụng và chúng ta không thoát khỏi tiến trình này được.
Từ nhiều năm trước Paris đã giới hạn tốc độ xe vào trung tâm là 30 km/giờ, đồng thời thu hẹp lộ giới dành cho ô tô thay vì mở rộng ra. London và Singapore cũng áp dụng lệ phí rất cao đối với các phương tiện giao thông cá nhân khi vào trung tâm. Đặc biệt, các tuyến phố đi bộ được xây dựng đại trà dành cho người bộ hành, cho du khách, cho những người đi làm bằng metrovà các phương tiện chuyên chở công cộng khác.
Nói ngắn gọn, chúng ta hãy quyết liệt chọn metro và xe buýt thay vì đi xe máy hay ô tô. Vì một lý do duy nhất: Trong tương lai sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài metro và xe buýt!
. Xin cám ơn GS.
GS Phan Văn Trường trong một lần giao lưu với các doanh nhân Hà Nội tại FSB. Ảnh: TƯ LIỆU Từ năm 1992 đến 1997, GS Phan Văn Trường là phó chủ tịch Tập đoàn Alstom Transport (Pháp) chuyên về thiết kế, xây dựng metro, đường sắt cao tốc và các loại xe điện đô thị. Từ năm 2005 đến 2011, GS Trường giảng dạy quy hoạch vùng và kinh tế đô thịtại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Hiện ông là chủ nhiệm chương trình giảng dạy quản trị kinh doanh tại Viện John Von Neumann thuộc ĐHQG TP.HCM, cố vấn chiến lược Trường ĐH Hoa Sen và Trường ĐH Kinh doanh FPT (FSB). |