“Hành vi điều khiển xe máy đẩy ô tô rõ ràng là vi phạm Luật Giao thông đường bộ”. Ngày 2-3, Đại tá Võ Chí Thanh, Trưởng phòng CSGT Đường bộ (PC67) Công an tỉnh Hậu Giang, cho biết về việc chiếc ô tô biển số 68C-0255 được đẩy bởi hai chiếc xe máy mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.
Vi phạm đã rõ
Theo tìm hiểu, chiếc ô tô biển xanh nêu trên là của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng (Sở VH-TT&DL tỉnh Kiên Giang). Ngày 1-3, xe này được điều chở một phó giám đốc trung tâm và cán bộ cấp dưới. “Xe chở anh em đi công tác ở Hậu Giang để liên hệ về nghiệp vụ phim ảnh và khi trên đường về thì xe chết máy. Lúc này vào cuối giờ chiều, lo xe đậu trên đường nguy hiểm nên đã xảy ra việc không hay như trên. Cái này là sai rồi. Tôi xin ghi nhận để làm việc lại với anh em” - ông Đoàn Đức Ân, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, nói.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Võ Chí Thanh cho biết hành vi nêu trên là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đối với vi phạm này thì chỉ xử lý được hai người điều khiển xe máy (một chiếc biển số 95B1-020.26 và một xe biển số 67K1-211.94 - PV).
Đại tá Thanh cũng cho biết sẽ cho kiểm tra, rà soát để mời chủ xe lên làm việc và có hướng xử lý. “Với xe biển số của Hậu Giang, chúng tôi cho anh em mời lên để làm việc. Còn đối với xe mang biển số tỉnh khác thì sẽ tra cứu để truy tìm và có bước làm việc vì hành vi vi phạm của hai xe này đã quá rõ” - Đại tá Võ Chí Thanh nói.
Như chúng tôi đã thông tin, khoảng 17 giờ ngày 1-3, trên tuyến quốc lộ 61C đoạn qua huyện Vị Thủy (Hậu Giang), người đi đường vô cùng ngạc nhiên khi thấy xe biển số 68C-0255 được hai xe máy do hai thanh niên điều khiển kè hai bên từ phía sau đuôi xe. Hai thanh niên đạp một chân ở phần đuôi ô tô trên và đẩy đi hàng kilomet... Lúc này, trên chiếc ô tô ngoài tài xế còn có hai người đàn ông ngồi ở ghế sau.
Hai thanh niên điều khiển hai xe máy đẩy một chiếc ô tô đi nhiều kilomet trên quốc lộ. Ảnh: GIA TUỆ
Nhưng không phạt được người lái ô tô
Theo Đại tá Thanh, trước nay trên địa bàn đã xử lý nhiều trường hợp mô tô đẩy xe máy hoặc đẩy xe đạp khi lưu thông trên đường. Riêng trường hợp hai xe máy đẩy ô tô thì trước nay chưa phát hiện và xử lý trường hợp nào. Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên xảy ra trên địa bàn.
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết thêm ở Việt Nam, việc các phương tiện kéo hoặc đẩy nhau khi tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. Nhưng hành vi này là phạm luật vì Điều 30 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm người điều khiển mô tô hai, ba bánh, xe máy sử dụng xe kéo, đẩy xe khác.
Ngoài ra, theo Điều 5, Điều 6 Nghị định số 171/2013 thì ô tô hay xe máy kéo hoặc đẩy xe khác sẽ bị xử phạt. Tuy vậy, Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/22013 đều không quy định hình thức chế tài đối với các xe được kéo, được đẩy (như chiếc ô tô trên). “Từ những quy định trên có thể thấy pháp luật giao thông đường bộ hiện chỉ có quy định xử phạt đối với người thực hiện hành vi kéo hoặc đẩy xe khác và chưa có quy định xử phạt đối với người điều khiển chiếc xe được đẩy hoặc kéo” - luật sư Hải nói.
Cũng theo luật sư Hải, hành vi kéo hoặc đẩy (như bài báo phản ánh) chỉ có thể xảy ra khi có sự đồng thuận của cả bên kéo/đẩy và bên được kéo/đẩy. Hành vi kéo hoặc đẩy xe như trên sẽ gây cản trở giao thông, có thể gây nguy hiểm về an toàn giao thông nên cả bên kéo/đẩy lẫn bên được kéo/đẩy đều phải có trách nhiệm đối với hành vi của mình. “Chế tài cần phải được áp dụng cho cả hai đối tượng trên thì mới thể hiện được công bằng và có tác dụng răn đe. Do đó, việc không điều chỉnh và không có chế tài xử phạt đối với bên được kéo/đẩy khi lưu thông là thiếu sót, thiết nghĩ cần được bổ sung” - luật sư Hải đề nghị.
Theo điểm k khoản 4 Điều 6 Nghị định 171/2013, người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô, xe máy bám, kéo, đẩy xe khác sẽ bị phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. |