Xét xử trực tuyến: Bước đầu hiệu quả nhưng chưa thống nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau thời gian chuẩn bị, từ giữa tháng 3 đến nay, các tòa án tại TP.HCM và Bình Dương đã triển khai việc xét xử trực tuyến trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Mỗi nơi làm một cách

Trong hai ngày 30 và 31-3, TAND TP.HCM đã triển khai hai phiên xử trực tuyến đầu tiên tại trụ sở 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1.

Đầu tiên là phiên xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Văn Quí (sinh năm 1992) kháng cáo bản án của TAND quận Bình Tân xin giảm nhẹ hình phạt. HĐXX, đại diện VKS cùng thư ký ngồi tại đầu cầu trung tâm phòng xử A5 để xét xử bị cáo tại đầu cầu thành phần trại tạm giam Chí Hòa T30 (Củ Chi) cùng cán bộ trại. Phiên xử diễn ra sớm và nhanh, HĐXX đã bác kháng cáo, y án hai năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Toàn cảnh phiên xử trực tuyến tại TAND TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG YẾN

Vụ thứ hai là xử sơ thẩm Chạc Dậu Mềnh, Trần Hoàng Quân về tội mua bán trái phép chất ma túy với sự tham gia của hai luật sư tại đầu cầu trung tâm phòng xử A5. Kết thúc phiên xử, HĐXX đã tuyên phạt hai bị cáo cùng mức án tù chung thân.

Để mở hai phiên xử trên, TAND TP.HCM đã ký hợp đồng với Tập đoàn Viettel để cung cấp dịch vụ truyền hình Viettel - Vmeet. Mỗi đầu cầu là một tivi kết nối hình ảnh hai điểm cầu, thư ký phiên tòa phụ trách việc điều khiển các thiết bị.

Ngay sau khi kết thúc, toàn bộ diễn biến phiên tòa được lưu thành hai bản, một bản do văn phòng lưu trữ, một bản vào USB kèm theo hồ sơ vụ án.

Trước đó, ngày 22-3, TAND TP Thủ Đức là đơn vị mở đầu phiên xử hình sự trực tuyến tại TP.HCM. HĐXX cùng kiểm sát viên và thư ký ngồi tại đầu cầu cơ sở 1 của tòa (quận 2 cũ). Bị cáo tại đầu cầu cơ sở giam giữ số 9 Đồng Văn Cống (trại tạm giam Công an quận 2 cũ).

Trong một buổi sáng, tòa phối hợp với VKS, Công an TP Thủ Đức tổ chức bốn phiên xử gồm các vụ án ma túy, trộm cắp và cướp giật tài sản. Với các vụ án này, phiên tòa chỉ có hai đầu cầu như trên.

Tại Bình Dương, giữa tháng 3, TAND tỉnh Bình Dương tổ chức ba phiên xử trực tuyến hình sự phúc thẩm gồm hai vụ án ma túy và một vụ cố ý gây thương tích. HĐXX cùng kiểm sát viên, thư ký ngồi tại đầu cầu là phòng xử D trụ sở TAND tỉnh, bị cáo tại đầu cầu trại tạm giam tỉnh.

Tiếp theo, TAND thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cũng mở phiên tòa hình sự trực tuyến đầu tiên xét xử bị cáo Nguyễn Minh Mẫn và đồng phạm bị truy tố về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Phiên xử được trang bị màn hình trực tuyến có bốn khung hình zoom tại hai đầu cầu gồm HĐXX cùng thư ký; đại diện VKS, người tham gia tố tụng khác; người bào chữa (luật sư) và bị cáo.

Một lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM cho biết ông nhận thấy các tòa án đều cố gắng đẩy nhanh việc thực hiện xét xử trực tuyến, tuy nhiên mỗi nơi một kiểu khác nhau tùy vào điều kiện hiện có. Theo ông, sắp tới khi đã có hướng dẫn cụ thể hơn từ TAND Tối cao, các địa phương sẽ dần hoàn thiện hơn mô hình này.

Ngoài ra, ông băn khoăn việc lưu trữ dữ liệu sao cho toàn diện hệ thống chuẩn cả nước. Trước đây, ông có tham khảo thực tế mô hình lưu trữ tại Hàn Quốc. Họ có hẳn hai trung tâm dữ liệu chính và phụ để đảm bảo toàn bộ dữ liệu trong mọi tình huống đều không bị mất. Ông nói đó chính xác là một trung tâm lớn về lưu trữ, không có cát cứ nhỏ lẻ từng đơn vị, mỗi nơi một kiểu.

 

Chánh án TAND Tối cao đã có hướng dẫn cụ thể hơn

Ngày 14-3-2022, Chánh án TAND Tối cao đã có Quyết định 50 hướng dẫn về trang thiết bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của TAND các cấp.

Hướng dẫn có quy định chung đối với trang thiết bị phục vụ tổ chức cho phiên tòa xét xử trực tuyến; quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng và bố trí, lắp đặt thiết bị phục vụ.

Đáng chú ý, hướng dẫn có phụ lục rõ ràng về tiêu chuẩn thông số kỹ thuật, số lượng trang thiết bị cho một phòng xử trực tuyến; chi tiết kỹ thuật, số lượng thiết bị hệ thống âm thanh, hình ảnh, máy chiếu vật thể để trình chiếu tài liệu, chứng cứ; máy tính điều khiển; thiết bị định tuyến, chia tín hiệu.

Cụ thể như tivi hiển thị hình ảnh gồm ba cái, trong đó một tivi lớn hơn hoặc bằng 85 inch, hai cái còn lại lớn hơn hoặc bằng 75 inch. Về bố trí lắp đặt thiết bị bốn camera, ba tivi, hệ thống âm thanh, ánh sáng gắn thế nào…

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Trao đổi sau hai phiên xử trực tuyến tại TAND TP.HCM, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho biết hiện đã có văn bản đề nghị UBND hỗ trợ thiết bị để đơn vị tiếp tục hoàn thiện thiết bị chuẩn theo Quyết định 50 của TAND Tối cao.

Luật sư tại điểm cầu thành phần nhà tạm giữ Công an thị xã Tân Uyên.
Ảnh: HOÀNG YẾN 

Chánh án TAND thị xã Tân Uyên (Bình Dương) Huỳnh Văn Trí cho biết Nghị quyết 33/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã tạo cơ sở pháp lý để tòa án đẩy nhanh tiến độ giải quyết án và giúp người dân thuận tiện trong việc tham gia tố tụng trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.

Ngay sau khi có Thông tư liên tịch số 05 hướng dẫn Nghị quyết 33, lãnh đạo TAND tỉnh Bình Dương đã rất quyết liệt trong việc yêu cầu TAND cấp huyện nhanh chóng triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Mặc dù phiên tòa trực tuyến mới vừa diễn ra chưa đầy đủ các thiết bị như hướng dẫn của Tòa Tối cao nhưng dù sao đây cũng là bước thử nghiệm quan trọng giúp mọi người thấy được sự tiện lợi của nó. Và sau này chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu của xã hội trước tình hình dịch bệnh, phù hợp thời đại kỹ thuật số, trong đó có số hóa hồ sơ, tài liệu trong tố tụng nói chung.

Trong khi đó, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Đặng An Thanh cho biết để thuận tiện cho việc thí điểm, TAND và VKS thống nhất chọn một số vụ án hình sự có ít người tham gia tố tụng để thực hiện.

Những phiên tòa trực tuyến đầu tiên sẽ trong phạm vi tối đa ba điểm cầu gồm điểm cầu trung tâm tại phòng xử án, điểm cầu thành phần tại cơ sở giam giữ và tại trụ sở VKS.

Sau khi thí điểm với các phiên tòa hình sự, TAND tỉnh Bình Dương sẽ rút kinh nghiệm để tiến tới thực hiện thí điểm xét xử trực tuyến các phiên tòa hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại. 

Ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP Thủ Đức, cũng cho biết đã trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến cho một phòng xử và đang hoàn thiện cho ba phòng tiếp theo.

Trung bình một năm TP Thủ Đức có khoảng 500 vụ án hình sự với khoảng 700-800 bị cáo bị tạm giam. Đặc thù địa bàn TP Thủ Đức khá rộng, khoảng 200 km2 nên có nhiều vụ án, quãng đường di chuyển từ cơ sở giam giữ đến tòa án khá xa (khoảng 20 km). Quá trình di chuyển, chuẩn bị xét xử rất mất công sức, thời gian và tốn kém.

Vì vậy, Chánh án Vinh cho biết việc tổ chức phiên xử trực tuyến lợi trăm đường. Với những vụ án đơn giản có thể xét xử trực tuyến như hiện nay, một ngày tại một cơ sở, TAND Thủ Đức có thể xét xử 8-10 vụ án là chuyện bình thường. Trong giai đoạn đầu, các cơ quan sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để việc xét xử trở nên hoàn thiện hơn.

Kết nối hệ thống xử trực tuyến đến địa bàn xã vùng xa

Vừa qua, TAND huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã mở phiên tòa giả định kết nối hệ thống xử trực tuyến xuống địa bàn xã. Ngoài điểm cầu trung tâm là TAND huyện Cần Giờ và điểm cầu thành phần tại nhà tạm giữ huyện thì còn có điểm cầu tại xã đảo Thạnh An.

Sau phiên tòa giả định, TAND huyện Cần Giờ dự kiến tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với các vụ án tranh chấp dân sự với điểm cầu thành phần tại xã đảo Thạnh An vào giữa tháng 4. Đến tháng 5-2022, tòa dự kiến cố gắng kết nối hệ thống xét xử trực tuyến đến các xã còn lại của huyện.

Chánh án TAND huyện Cần Giờ Phù Quốc Tuấn giải thích huyện Cần Giờ có vị trí địa lý cách xa trung tâm TP. Người dân muốn đến trụ sở tòa luôn phải vượt ít nhất 50 km, ở những vùng sâu thì xa 70-80 km.

Nếu hệ thống xét xử trực tuyến được kết nối đến tất cả xã còn lại thì sẽ hỗ trợ người dân rất lớn. Duy chỉ có thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa do có vị trị địa lý thuận lợi nên vẫn duy trì việc xét xử trực tiếp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm