Xóa nạn 'thân hữu' giữa quan chức và doanh nghiệp - Bài cuối: 'Liều thuốc' tốt nhất là xây nền tảng đạo đức cán bộ

(PLO)- Thể chế tốt là điều kiện cần nhưng đạo đức cán bộ phải tốt thì mới đủ sức xóa nạn 'thân hữu', nạn tham nhũng, tiêu cực.

Tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra vào giữa tháng 8-2024, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thông điệp mạnh mẽ. Đồng chí khẳng định quyết tâm tiếp tục kế thừa, tiếp nối, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với cường độ, quan điểm, tư tưởng, phương châm như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian qua.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng: Để thực hiện hiệu quả thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đạo đức của cán bộ sẽ là “bài toán” trọng tâm và quan trọng hơn cả. Bởi hệ thống pháp luật có hoàn thiện đến mấy thì thực tiễn cũng sẽ phát sinh những hạn chế, kẽ hở chỉ có thể được khỏa lấp bởi sự kiên định, tâm trong sáng, tự giác, tử tế và trách nhiệm của những cán bộ.

Nhận thức về tham nhũng đã rất rõ ràng!

. Phóng viên: Nhìn lại suốt từ Đại hội XI đến nay, khi nói về nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và xóa nạn “thân hữu” nói riêng, ông nhận xét như thế nào về việc hoàn thiện cơ chế và hoạt động phát hiện, xử lý sai phạm mà Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện?

+ TS Nhị Lê: Đúng là từ Đại hội XI đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có vấn đề “thân hữu” giữa quan chức và doanh nghiệp (DN) được đẩy mạnh và đạt kết quả rõ ràng hơn bao giờ hết. Thế nhưng, để được như thế thì Đảng ta đã có dự báo từ nhiều năm trước đó. Chúng ta bắt đầu có tư duy đổi mới từ Đại hội VI và từng bước mở cửa đất nước dần dần. Mỗi năm trôi qua, chúng ta bình thường hóa, nâng cao quan hệ với ngày càng nhiều nước; theo đó là các đoàn DN nước ngoài cũng đi vào; hệ sinh thái đầu tư, kinh doanh ngày càng trở nên cởi mở và tất yếu sẽ tăng tính cạnh tranh.

TS Nhị Lê: “Chúng ta đã qua cái thời lỗi gì, vấn nạn gì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, nhất là vấn đề “thân hữu” cũng đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà cụ thể là pháp lý, cơ chế”.
Ảnh: DAIBIEUNHANDAN

Thực tế cho thấy nền kinh tế càng có độ mở cao, cạnh tranh mạnh mẽ thì cái gọi là quan hệ “thân hữu” hay sự liên minh giữa một số cán bộ, quan chức sẽ dễ có cơ hội xuất hiện. Nói cách khác, đó là một hiệu ứng không mong muốn khi chúng ta phát triển kinh tế thị trường. Hiệu ứng này có thể được quản lý ở mức tối thiểu nếu chúng ta nhận thức đúng về nó, song song đó là chủ động xây dựng các cơ chế, nền tảng pháp lý hiệu quả, chặt chẽ, trong đó có giám sát và kiểm soát quyền lực, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, vấn đề đạo đức của cán bộ cũng cần được quan tâm, thúc đẩy đúng mức. Hầu hết công việc này cho đến nay chúng ta đã làm rất tốt, dù vẫn phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa.

. Xin ông lý giải thêm về chuyển biến nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề tham nhũng, tiêu cực, bao gồm nạn “thân hữu” đến nay thế nào?

+ Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ: Tham nhũng chính là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. “Khuyết tật” này đã được xác định có thể “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước” từ Đại hội VI; trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” (Đại hội IX); đồng thời “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước” (Đại hội XI); và là “thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước” (Đại hội XII). Đến nay (Đại hội XIII), tham nhũng “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Về kinh tế, tham nhũng, “thân hữu” có thể tác động tiêu cực đến việc phân bổ nguồn lực của đất nước (đất đai, tài nguyên, ngân sách…); tạo môi trường đầu tư, làm ăn không có sự công bằng, thiếu lành mạnh; bóp méo ý nghĩa và hiệu quả của các cơ chế, chính sách mà Nhà nước ban hành hướng về DN, người dân; tăng tệ nạn lợi ích nhóm, làm ăn bất chính; trì hoãn quá trình hội nhập…

Quyết liệt để chiến thắng “giặc nội xâm”

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ, niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với Đảng, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có sự thống nhất rất cao. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, uy tín, tín nhiệm của các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhận được rất nhiều sự tin tưởng. Công việc này phải làm quyết liệt, triệt để để chiến thắng “giặc nội xâm”.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc họp báo vào sáng 3-8-2024, ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII)

Trên khía cạnh xã hội, khi quan chức “đi đêm” với DN để trục lợi, niềm tin của các DN còn lại, của người dân nói chung vào sự công bằng xã hội sẽ suy giảm, kéo theo những hệ lụy khác như chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, tăng nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội.

. Nhưng cũng có những lo ngại rằng chống tham nhũng, tiêu cực cũng có thể tạo ra những “hiệu ứng không mong muốn”, ví dụ như tâm lý lo lắng của thị trường hay tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm?

+ Tôi nghĩ lo ngại đó không có cơ sở, bởi thực tế nhìn ra thế giới sẽ thấy các nước phòng, chống tham nhũng tốt thì kinh tế mới phát triển được, cạnh tranh mới tăng cao được, từ đó hệ sinh thái làm ăn, kinh doanh mới hấp dẫn. Trái lại, không kiên quyết và kiên trì chống tham nhũng thì đất nước sẽ thụt lùi, thậm chí có những quốc gia, vùng lãnh thổ rơi vào khủng hoảng vì không thể kiểm soát được tham nhũng. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên họp thứ 26 vừa qua, đó là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách khác, chúng ta đang “dọn dẹp” những cái xấu, cái tiêu cực để chúng không cản đường phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng phòng, chống tham nhũng không chỉ là ý chí của Đảng, Nhà nước, mà trên hết là mong mỏi của hàng trăm triệu người dân Việt Nam trong nước và cả kiều bào, hàng trăm ngàn DN trong nước và cả FDI… Còn nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” thì theo tôi, việc kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” cũng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín” của đất nước.

Hết thời đổ lỗi cho… cơ chế!

. Nhận thức thì đã rõ như vậy nhưng có ý kiến cho rằng cơ chế, chính sách cũng như hoạt động phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nạn “thân hữu” vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Ông nghĩ thế nào?

+ Trước đây hàng chục năm thì điều ấy có vẻ đúng hơn bối cảnh hiện nay. Đảng ta chuyển biến về nhận thức thì cả Đảng, Nhà nước cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nói về cơ chế, chưa bao giờ chúng ta có những điều chỉnh mạnh mẽ, thậm chí có thể nói là một cuộc cách mạng về xây dựng hành lang pháp lý để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như giai đoạn hơn 10 năm qua.

Cụ thể, Đảng và Nhà nước đã chỉnh sửa, bổ sung, ban hành mới rất nhiều quy định nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên tục kể từ Đại hội XI cho đến nay. Đơn cử chỉ từ đầu năm 2024 đến nay, theo thông tin tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 30 văn bản quan trọng, nội dung trọng tâm là các vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong khi đó, Quốc hội đã thông qua 13 luật, ban hành ba nghị quyết, xem xét cho ý kiến đối với 10 dự án luật. Trong số này có nhiều luật liên quan trực tiếp đến hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Về phía Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 98 nghị định, 207 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 300 thông tư. Cả Quốc hội và Chính phủ đều chỉ đạo rà soát, khắc phục những vấn đề còn tồn đọng, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, vướng mắc, kẽ hở trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nỗ lực này đã góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, đồng thời làm giảm thiểu hiện tượng công chức, cán bộ có điều kiện để lợi dụng cơ chế nhằm nhũng nhiễu, tiêu cực.

Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện sai phạm và công tác xử lý tham nhũng, tiêu cực cũng được đẩy mạnh. Điểm nổi bật là đã tạo được đột phá bởi chúng ta đã xử lý những vụ việc, những cá nhân sai phạm chưa có tiền lệ, trong đó có những người đứng đầu, quan chức cấp cao diện Trung ương quản lý. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2024, trên phạm vi cả nước, các cơ quan chức năng đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án với 5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Như vậy, với hành lang pháp lý và những kết quả đã đạt được như trên, chúng ta đã qua cái thời lỗi gì, vấn nạn gì liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, nhất là vấn đề “thân hữu” cũng đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà cụ thể là pháp lý, cơ chế.

Đạo đức cán bộ là “bài toán” quan trọng nhất

. Như trình bày của ông, rõ ràng cả về nhận thức, cơ chế, pháp luật và cả việc giám sát, xử lý tham nhũng, tiêu cực đã đi vào nề nếp. Vậy làm thế nào để những thành quả này được gìn giữ và hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo thì cốt lõi nhất lúc này là gì?

+ Tôi muốn nhắc lại rằng hệ thống các cơ chế, chính sách; việc giám sát, phát hiện và thực thi pháp luật để xử lý sai phạm sẽ rất khó có thể tạo ra một môi trường hoàn hảo để triệt tiêu toàn bộ tham nhũng, tiêu cực. Thế giới có trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những cường quốc kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu tất nhiên sẽ cho chúng ta nhiều góc nhìn, nhiều bài học về xây dựng cơ chế, chính sách, các biện pháp chế tài nhằm phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, bản thân những quốc gia này cũng không thể làm tham nhũng, tiêu cực biến mất vĩnh viễn nhờ hệ thống pháp luật ấy. Tôi cho rằng pháp luật có thể tạo ra sức ảnh hưởng, giữ bình yên cho xã hội 100 dặm thì đạo đức có thể tác động đến 1.000 dặm. Nếu kết hợp được giữa đạo đức và pháp luật thì tôi tin chúng ta có thể giữ bình yên bền vững cho muôn dặm sơn hà xã tắc của mình. Vì vậy, công tác quan trọng nhất hiện nay và trong thời gian tới là phòng, chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; song song đó là nâng cao nhận thức và khả năng thực hành của những cán bộ lãnh đạo, quản lý về những phẩm chất đạo đức căn bản như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư ở các khóa XI, XII và XIII đều tập trung vào việc thảo luận và tìm ra các giải pháp phòng, chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Đảng, Nhà nước đã nhận thức rõ việc cần phải chấn chỉnh tư tưởng, nhận thức, thái độ, đạo đức của cán bộ, đảng viên trong tình hình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và rộng, cơ hội làm ăn nhiều nhưng cám dỗ cũng rất nhiều.

. Xin cảm ơn ông.

Lạc quan và thận trọng với công tác cán bộ khóa XIV

Từ nay đến Đại hội khóa XIV của Đảng không còn lâu, hiện còn hai nội dung rất quan trọng mà lãnh đạo Đảng đang ưu tiên, tập trung, đó là dự thảo các văn kiện trình đại hội và chuẩn bị nhân sự cho đại hội.

Hồi tháng 3-2024, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV khi đó của Đảng, đã chủ trì phiên họp của tiểu ban. Đồng chí cố Tổng Bí thư đã đưa ra quan điểm rất mạnh mẽ và rõ ràng: Phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, cụ thể đây phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất đạo đức trong sáng… Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm...

Đến cuối tháng 8-2024, tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng tiểu ban, chỉ đạo: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không ngừng, không nghỉ”, đưa cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tới thắng lợi cuối cùng.

Dựa vào nền tảng tư tưởng đó và diễn biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng như chủ trương, chính sách nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tôi có niềm tin rất lớn rằng tinh thần, tư tưởng đúng đắn này sẽ tạo động lực để công tác nhân sự Đại hội XIV thành công.

TS NHỊ LÊ, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới