“Xóm du mục” là tên mà người dân phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đặt cho 20 hộ công nhân một thời đục đá, cõng đất đào hầm Hải Vân. Gọi là du mục bởi xóm được hợp nên từ những công nhân nghèo các tỉnh miền Bắc đổ vào, chẳng có tên xóm, chẳng hộ khẩu, họ sống tách biệt với bên ngoài.
15 năm rồi!...
Cuối năm, nắng vàng nhuộm cả xóm với những căn nhà liền kề lợp tôn ọp ẹp và hoen gỉ. Xóm lọt thỏm dưới thung lũng, nhếch nhác, nằm dưới chân Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Hoa rừng vào độ nở bung trắng muốt, phố phường rạo rực vào tết mà xóm vẫn quạnh hiu. Từ mờ sáng, xóm chỉ còn lại lũ trẻ lít nhít và mấy cụ già. Cha mẹ lũ trẻ đã vào phố mưu sinh từ sớm.
“15 năm rồi chúng tôi sống như vậy. Đơn độc và không ai quản lý. Người trong xóm tự biết lấy nhau, không có người ngoài nào vào xóm” - chị Nguyễn Thị Hồng (quê Nam Định) nói. Cụm từ “15 năm rồi!” cũng là câu cửa miệng của dân ngụ cư xóm du mục khi bắt đầu nói về cuộc sống của mình. Họ nói như bấm ngón tay đếm từng ngày sống trọ bên bìa rừng núi Hải Vân.
Căn nhà của chị Hồng nằm cuối dãy nhà liền kề. Hai đứa nhỏ con chị nheo nhóc, da dẻ xanh đét. Thấy người lạ hai đứa trẻ khóc ré lên rồi thích thú khi thấy chụp ảnh. Chúng mắt dẹt mắt tròn nhìn người lạ. Căn nhà mái tôn thủng lỗ chỗ, rêu mốc ẩm thấp. Ngồi trong nhà chị Hồng, chúng tôi ngước mặt lên nhìn thấy cả bầu trời qua từng lỗ thủng. “Anh chị đi làm miết, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên chưa có thời gian trám lại mấy chỗ ấy. May mấy hôm nay trời nắng chứ có mưa là dột khắp nhà phải lấy chậu hứng” - chị Hồng giải thích.
Chị Hồng vừa bón cháo cho con vừa kể ở quê chị không có việc làm nên đi phụ việc tại các công trình xây dựng khắp nơi. Khi thì phụ hồ, khi thì nhổ đinh, lúc lại buộc thép cho người ta đổ bê tông. Bắt đầu từ năm 2000 khi dự án hầm đường bộ Hải Vân được khởi công thì chị đầu quân cho Công ty Cổ phần Sông Đà 10. Công việc của những nữ công nhân như chị là phụ việc trong hầm và vận chuyển đất đá những chỗ máy móc chào thua. Làm được một thời gian thì chị yêu anh công nhân cùng quê cũng là dân rúc hầm.
“Hai đứa cưới hỏi xong thì ở lại và sinh con luôn tại nhà tạm do công ty dựng lên cạnh bãi thải đất đá chuyển từ trong hầm ra nằm dưới chân đèo. Là nhà tạm nên giờ xuống cấp hết. Chỗ nào cũng hư hỏng cả. Chính quyền đến yêu cầu đi mấy lần nhưng không có chỗ nào để đi nên ráng ở thêm” - chị Hồng nhìn hai đứa con rầu rầu nói.
Theo chị Hồng, sau khi công việc làm hầm Hải Vân gần hoàn thiện thì công ty của chị chuyển trụ sở ra Hà Nội. Vợ chồng chị và những công nhân khác ở lại làm cốp pha cho hầm. Ban đầu xóm du mục có trên 50 hộ ở nhưng sau đó thưa dần chỉ còn 20 hộ hiện tại vẫn bám trụ. 20 hộ theo tiêu chuẩn mới của TP Đà Nẵng thì gần bằng một tổ dân phố.
“Xóm du mục” hình thành tự phát từ năm 2000.
Chị Nguyễn Thị Hồng (quê Nam Định) đang bón cháo cho con bị ốm trong căn nhà lụp xụp ở xóm.
Gần 20 hộ dân sống trong nhà cửa tồi tàn. Ảnh trong bài: LÊ PHI
Ở trọ trần gian
Xóm không ai quản, nhà nào cũng ràng cửa vì sợ con nít ra khỏi nhà chạy lạc vào rừng. Chính quyền phường Hòa Hiệp Bắc cũng chỉ thỉnh thoảng tạt qua kiểm tra. Vì dân trong xóm chẳng phải là người địa phương.
Ông Nguyễn Như Tiến (nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Bắc) sống gần xóm du mục cho hay cả xóm không giao du với bên ngoài. Các hộ trong xóm sống co cụm nhau. Cha mẹ thì làm công nhân dưới khu công nghiệp, trưa ở lại tối mới về. Mấy đứa nhỏ trong xóm tự chơi với nhau và có mấy cụ già trông giữ. “Thấy họ sống khổ quá. Lương được ba đồng ba cọc không đủ sống qua ngày. Cứ đến mùa mưa bão là tôi với mấy anh chính quyền lại phải chạy đến động viên họ chạy tránh bão. Mưa bão mà họ không đi, nhà sập xuống thì tai họa” - ông Tiến tâm sự.
Cũng theo ông Tiến, điện thắp trong xóm cũng phải kéo nhờ, nước sinh hoạt phải ra suối lấy. Lúc hết nước ăn, nước uống thì họ lại lên chỗ ông xin. “Tôi có đào cái giếng mà có mấy khi dùng đến. Đào để tưới cây nhưng cũng là để mấy hộ dưới xóm lên lấy về dùng khi họ hết nước. Họ cực lắm anh ơi. Tôi bán con cá mấy chục ngàn đồng mà có khi họ nợ tới nợ lui. Đến khi nhận lương thì họ mới cầm lên trả nợ” - ông Tiến bùi ngùi.
Chị Nguyễn Thị Hà (nhà bên cạnh, cùng quê với chị Hồng) tâm sự lương hai vợ chồng chị được tầm 6 triệu đồng/tháng. Nuôi hai đứa con ăn học, trừ các chi phí trong gia đình thì chẳng còn dư dả. Nên dù biết ở lại trong xóm là nguy hiểm nhưng phải ở liều. Còn các hộ khác có điều kiện hơn thì đã chuyển đi. Gần 20 hộ ở lại xóm là chừng ấy hộ nghèo cả.
“Những hộ chuyển đi một phần vì nhà hỏng, sợ tường sập đè chết. Một số hộ khác thì dành dụm được ít tiền mua được mảnh đất cắm dùi. Họ cũng ở quanh quẩn gần vùng Hải Vân ni thôi. Chúng tôi còn ở lại vì nghèo quá. Giờ bảo đi thuê nhà thì biết lấy cái chi nuôi con. Không đi thì không được, ở lại thì không xong” - chị Hà bộc bạch.
“Xóm du mục” phải ra đi
Anh Khiếu Văn Thảo (công nhân Công ty Cổ phần Sông Đà 10) sống tại xóm kể rằng anh làm thợ tiện cơ khí. Công ty lúc có việc làm không hết nhưng cũng có lúc ít việc thì ngồi chơi. Gia đình anh may mà còn có căn nhà xập xệ trong xóm này để chui ra chui vào. “Lương tôi lãnh bình quân khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, vợ kiếm thêm được mấy đồng nữa vẫn không đủ sống. Như tháng ni, con đau miết nên vợ phải ở nhà chăm. Trước đây khi vào làm hầm Hải Vân thì tính ở lại lập nghiệp. Nhưng thời buổi ni kiếm tiền khó quá, công việc bấp bênh nên 15 năm rồi mà vẫn phải ở tạm ri đây” - anh Thảo miệng méo xệch.
Chính quyền quận Liên Chiểu và phường Hòa Hiệp Bắc cũng đã mấy lần đến động viên bà con trong xóm đi nơi khác ở. Khu vực đất nhà tạm là của phường Hòa Hiệp Bắc, trước đây Công ty Sông Đà 10 thuê chỉ để làm lán trại ở tạm. Giờ có mấy chục hộ ở, lại không có hộ khẩu. “Chính quyền bảo bà con phải dọn đi. Đi thuê nhà ít ra mất 2 triệu đồng/tháng thì biết lấy chi sống. Rồi con cái còn đang học hành ở đây. Giờ bọn tôi không biết phải tính sao đây” - anh Thảo tần ngần.
Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết Công ty Sông Đà 10 dựng lên lán trại này khi làm hầm Hải Vân. Giờ đã mười mấy năm rồi nên phường phải thu hồi đất lại. “Họ phải đi chứ không thể ở tạm mãi như vậy được. Nhà cửa cũng đã xuống cấp nghiêm trọng rồi” - ông Việt nói. Ông Trương Việt cũng cho rằng việc di dời “xóm du mục” đáng lý là nhiệm vụ của Công ty Sông Đà 10 vì đây đều là công nhân của công ty. “Đáng lý sau khi làm xong hầm từ năm 2005 thì họ phải đưa công nhân đi và bàn giao lại mặt bằng cho phường. Nhưng công ty lại để miết đến tận hôm nay. Họ không phải là người dân địa phương lại không hộ khẩu, không có giấy tờ chi hết nên chính quyền cũng không còn cách nào khác là buộc họ phải đi trong năm nay. Không đi không được. Lỡ nhà sập thì nguy lắm” - ông Việt cho hay. |